Siêu thị vắng hoe
Tình hình kinh tế khó khăn đã khiến sức mua tại các siêu thị giảm mạnh.
Theo ghi nhận của chúng tôi vào cuối tuần qua, nhiều siêu thị lớn đang lâm cảnh vắng vẻ. Tại siêu thị Lotte quận 7 (TP.HCM), ngoài tầng trệt kinh doanh hàng thực phẩm thiết yếu, các tầng trên trưng bày hàng điện máy, quần áo, khu ẩm thực... rất ít khách đến mua sắm. Khu vực hàng điện máy lớn nhất ở đây là Best Carings cũng đã rút hết hàng hóa, chỉ chừa lại vài chiếc ti vi đời cũ, càng làm cho không khí mua bán thêm ảm đạm.
Tại siêu thị Vinatex quận 7, việc kinh doanh không thuận lợi cũng khiến cửa hàng thức ăn nhanh Lotteria bên cạnh phải đóng cửa. Hàng loạt quầy hàng tư nhân khác ở tầng trệt cũng đã trả lại mặt bằng kinh doanh. Khu vực trưng bày chính ở lầu 1 vẫn có khách đến mua sắm, song theo lời một nhân viên tại đây, lượng khách gần đây đã ít đi thấy rõ. Từ đầu năm đến nay, tình hình kinh doanh khó khăn cũng đã khiến hệ thống siêu thị Fivimart phải đóng cửa siêu thị cuối cùng (tại quận 7) trong chuỗi bốn siêu thị tại TP.HCM vào cuối tháng 2.2012. Trước đó, siêu thị Satra Bàu Cát đã ngưng hoạt động trong năm 2011, siêu thị Hà Nội đường Phan Đăng Lưu trả lại mặt bằng... Một hệ thống siêu thị khác do nước ngoài đầu tư cũng đang lên kế hoạch trả lại mặt bằng, rút lui khỏi thị trường trong tháng 4.
Những hệ thống siêu thị mạnh như Co.opMart, BigC phải liên tục tung ra các chương trình khuyến mãi. Bà Dương Thị Quỳnh Trang - đại diện BigC - cho biết: “Hiện tình hình tiêu thụ của thị trường không dễ dàng, và điều này ảnh hưởng đến tất cả các thành phần kinh tế. Không đạt mức như ý nhưng nếu xét về kết quả kinh doanh hiện nay, lượng khách hàng đến mua sắm và doanh số của BigC vẫn tăng trưởng so với năm ngoái nhờ các chương trình khuyến mãi liên tục”. Kết quả kinh doanh quý 1 của hệ thống siêu thị Co.opMart cho thấy mặt hàng tiêu thụ mạnh nhất là thực phẩm, rau củ quả, trái cây nội, thực phẩm công nghệ... Còn các mặt hàng khác chiếm tỷ trọng thấp hơn. Để đạt được mức tăng trưởng doanh số 25% trong quý 1, hầu như tháng nào Co.opMart cũng phải tung ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá.
Đi tìm khách hàng
Thu hút khách đến mua sắm là mục tiêu cấp thiết nhất trong lúc này của các siêu thị. Ông Trần Thanh Nhàn - Phó tổng giám đốc VinatexMart - cho biết: “Năm 2012 là tâm điểm của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam, người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu, sức mua thị trường giảm đáng kể. Để cải thiện tình hình, VinatexMart đã mở rộng mạng lưới siêu thị mini đến các khu công nghiệp, các nhà máy có lượng công nhân đông. Tính từ tháng 2.2012, VinatexMart đã mở 3 siêu thị mini trong các công ty sản xuất, khu công nghiệp”.
Bên cạnh các khu công nghiệp, việc đi sâu vào khu dân cư, tiếp cận khách hàng nhỏ lẻ là hướng được nhiều siêu thị chú ý. Đại diện Satra cho biết từ đầu năm 2012 đến nay đã mở 2 siêu thị mini trong các khu dân cư, nâng tổng số lên 9 siêu thị Satrafoods trên địa bàn TP.HCM. Satra dự kiến đến cuối năm sẽ mở thêm 8 siêu thị Satrafoods, do sức tiêu thụ tại các siêu thị mini trong khu dân cư khá tốt. Hệ thống Co.op Food của Saigon Co.op cũng mở đến tận khu dân cư, hiện đang tăng trưởng tốt do chi phí đầu tư thấp.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong quý 1 năm nay, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước chỉ khoảng 4% so với cùng kỳ năm 2011. Mức này thấp hơn mức tăng 5,57% của cùng kỳ năm trước, do hầu hết các ngành, các lĩnh vực đều gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Năm nay, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá thực tế cũng chỉ đạt 569.000 tỉ đồng, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước, song nếu loại trừ yếu tố giá thì chỉ tăng 5%. Sức mua giảm một phần là do lạm phát trong năm 2011 tăng cao (18,58%), thu nhập của phần lớn người lao động không có sự thay đổi trong khi giá cả các loại mặt hàng thiết yếu tăng lên. |
Quang Thuần - Hoàng Việt
thanh niên
|