Thứ Ba, 24/04/2012 22:56

Tăng giá: Chẳng đặng đừng

Nhiều doanh nghiệp cho rằng tăng giá vào thời điểm này càng kéo sức mua giảm sâu nhưng vẫn phải tăng vì không còn gồng gánh nổi.

Sức mua yếu, lãi suất ngân hàng cao… nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn phải gồng mình chịu đựng để vượt qua khó khăn. Trong khi đó, các chi phí đầu vào cứ liên tục bị đẩy lên, gần đây nhất là xăng dầu tăng giá liên tục với mức tăng 2 đợt tổng cộng 3.000 đồng/lít xăng và 1.500 đồng/lít dầu càng làm cho nhiều DN khốn đốn, phải tính đến việc tăng giá sản phẩm.

Không tăng thì khó “sống”

Ông Đỗ Duy Thái, Tổng Giám đốc Công ty TNHH TM-SX Thép Việt (Pomina), cho biết chưa lúc nào DN ngành thép khó khăn như bây giờ. Trước đây, dù nhiều lúc cũng khó khăn nhưng nhìn chung vẫn bán được hàng, còn bây giờ sức mua ế ẩm kéo dài (giảm khoảng 20% so với năm ngoái), chi phí vận chuyển đang đòi tăng giá 10%.

Giá xăng dầu tăng, DN cũng phải tăng chi phí sản xuất do trong sản xuất thép cần lượng dầu khá lớn. Vì vậy, DN đang phải tính toán lại để điều chỉnh giá bán nếu không sẽ khó cầm cự.

Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cũng thừa nhận do sức tiêu thụ thép thời gian qua quá kém nên nhiều DN đã phải bán dưới giá thành.

Nay xăng dầu tăng giá càng gây khó cho họ vì sản xuất 1 tấn thép cần 40-50 lít dầu, tức phải tiêu tốn thêm 60.000 - 75.000 đồng (chưa kể chi phí vận chuyển). Ngoài ra, giá phôi thép thế giới cũng đã tăng khoảng 20 USD/tấn so với tháng trước.

Ông Nguyễn Đình Thúy, Hiệp hội Phân bón Việt Nam, than: “Ngoài áp lực từ tăng giá xăng dầu, các DN ngành phân bón đang rất lo giá than sẽ tăng bởi ngành than đã đánh tiếng về kế hoạch tăng giá. Nếu điều này xảy ra, chắc chắn giá phân bón cũng phải điều chỉnh tăng”…

Cũng liên quan đến việc giá xăng dầu tăng, ông Huỳnh Siêu Huê, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên (Biti’s), cho biết đơn vị ông đang đau đầu vì lò đốt hơi sử dụng dầu, cộng với chi phí vận chuyển tăng đã chiếm khoảng 10% giá thành sản phẩm; gần đây, giá nguyên liệu đã tăng thêm từ 5%-7%.

Do đó, cuối tháng 4 đầu tháng 5, Biti’s buộc phải tăng giá bán sản phẩm thêm từ 5%-7%. “Dù biết là tăng giá sẽ càng khó tiêu thụ hàng hóa nhưng vào tình thế này không thể nào làm khác được” - ông Huỳnh Siêu Huê lo ngại.

Còn ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam, cho rằng: “Áp lực tăng giá đối với ngành chế biến thức ăn chăn nuôi đang rất lớn do nguyên liệu chính là đậu nành đã tăng giá 30%, lên 530 USD/tấn cộng thêm chi phí xăng dầu, vận tải leo thang. Trong khi đó, sức tiêu thụ sản phẩm lại sụt giảm 20% - 30% khiến các DN bối rối: Không tăng giá thì khó khăn, còn tăng giá thì lo bán không được hàng”.

Giảm áp lực

Nhiều DN chế biến thực phẩm cho biết do không cầm cự nổi với giá nguyên liệu, xăng dầu tăng nên họ buộc phải điều chỉnh giá bán tăng từ 5% - 10%, tùy sản phẩm. Ông Nguyễn Hữu Thiện, Phó Giám đốc Xí nghiệp Chế biến Thực phẩm Agifish An Giang, thông tin đơn vị đã phải điều chỉnh giá bán tăng từ 7% - 15% đối với 90% trong số hơn 40 mặt hàng...

Đánh giá về tác động của 2 đợt tăng giá xăng dầu vừa qua, ông Ngô Văn Hải, Phó Tổng Giám đốc hệ thống siêu thị Citimart, cho rằng thời gian qua, nhiều DN chưa dám tăng giá hàng hóa do sức mua trên thị trường quá yếu. Tuy nhiên, sau 2 đợt tăng giá xăng dầu trong thời ngắn đã gây áp lực thật sự buộc họ phải tăng giá bán từ 5% - 10%.

Bà Nguyễn Phương Thảo, Giám đốc siêu thị Maximark Cộng Hòa (TPHCM), cho biết nhiều nhà cung cấp hàng cho siêu thị đang đòi tăng giá bán. Thời gian đầu đi kèm việc tăng giá, DN chấp nhận chi cho khuyến mãi để giữ khách nhưng sau đó sẽ áp dụng mức giá mới.

Theo các DN thủy sản, các mặt hàng thủy hải sản đánh bắt xa bờ đang chịu tác động mạnh từ giá xăng dầu nên giá đang nhích lên từng ngày. Nếu không tăng giá thì nhiều tàu cá sẽ không dám ra khơi do lỗ quá lớn.

Ông Đỗ Ngọc Đức, chủ của 9 đôi tàu cá đánh bắt xa bờ ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết một cặp tàu cần 30.000 lít dầu, với giá dầu mới, họ phải chi thêm 45 triệu đồng; nếu không tăng giá sẽ không đủ bù đắp nổi chi phí ra khơi.

Tránh “té nước theo mưa”

Theo chuyên gia kinh tế-TS Lê Đăng Doanh, việc giá xăng dầu tăng tác động mạnh đến chi phí đầu vào của nhiều DN. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng nhiều đối tượng lợi dụng cơ hội “té nước theo mưa” để trục lợi. Vấn đề này cần phải được xem xét nghiêm túc. Các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc kiểm tra, phân tích rõ ràng và công bố rộng rãi cũng như có hình thức xử lý để răn đe, nếu phát hiện.

Nguyễn Hải

người lao động

Các tin tức khác

>   Tổ máy 5 Thủy điện Sơn La sẵn sàng hòa lưới điện (24/04/2012)

>   Doanh nghiệp Nhà nước đang “chủ đạo” như thế nào? (24/04/2012)

>   Hàng trăm ngàn tỉ đồng để hiện đại hóa ở một bộ (24/04/2012)

>   Gạo Việt vào Trung Quốc: Vừa xuất vừa lo (24/04/2012)

>   Nhập khẩu nguyên liệu sản xuất giảm mạnh (24/04/2012)

>   Bàn giao Nhà máy đạm Cà Mau (23/04/2012)

>   DN bán hàng giải thể nhiều nhất (23/04/2012)

>   Doanh nghiệp TP HCM vẫn kêu khó về vốn (23/04/2012)

>   “Việt Nam cần tăng cường cải cách DNNN hơn nữa” (23/04/2012)

>   Tỷ lệ nhập siêu đã giảm xuống mức cực thấp (23/04/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật