Hàng trăm ngàn tỉ đồng để hiện đại hóa ở một bộ
Đề án Công nghiệp hóa - hiện đại hóa (CNH - HĐH) Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa được Bộ trưởng Đinh La Thăng ký phê duyệt. Kinh phí để thực hiện đề án này lên đến 223.790 tỉ đồng cho giai đoạn từ nay đến năm 2020. Ở đây cũng cần phải nói rõ, nội dung đề án chỉ giới hạn trong các cơ quan và doanh nghiệp thuộc quyền chủ quản của Bộ GTVT.
Danh mục đầu tư trong khuôn khổ đề án gồm 12 nhóm nội dung, từ xây dựng trụ sở làm việc, thiết lập hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cho đến mua sắm trang thiết bị, phát triển đội tàu biển, máy bay và đào tạo nguồn nhân lực.
Một trong những nội dung đầu tiên trong danh mục là xây dựng nhà làm việc cho các cơ quan, đơn vị của bộ và trực thuộc Bộ GTVT. Tổng kinh phí dự chi cho phần này 10.998 tỉ đồng và hầu hết sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2012-2015.
Trong đó, đầu tư trụ sở cho khối văn phòng bộ 1.000 tỉ đồng và các tổng cục, cục trực thuộc 3.118 tỉ đồng để trụ sở làm việc đạt tiêu chuẩn hiện đại.
Bên cạnh đó, chương trình phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ quản lý và quản trị doanh nghiệp sẽ tiêu tốn 470 tỉ đồng.
Khoản chi lớn nhất trong đề án này là phát triển đội tàu biển cho Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), với 100.000 tỉ đồng để “phục vụ CNH - HĐH”. Theo đề án, từ nay đến năm 2015, dự kiến chi 30.000 tỉ đồng để mua thêm 67 con tàu, gồm 48 tàu chở hàng khô, 14 tàu container và 5 chiếc tàu chở dầu để bảo đảm đến năm 2015 có đội tàu với tổng trọng tải ít nhất 15 triệu tấn.
Đề án không phân tích tính khả thi cũng như hiệu quả kinh tế của chủ trương đầu tư đội tàu này, nhất là trong bối cảnh ngành vận tải biển nói chung đang lao đao vì thua lỗ, nhiều công ty tư nhân đã phải bán tàu để trả nợ. Từ năm 2016-2020 sẽ đầu tư tiếp 70.000 tỉ đồng để sắm thêm 95 con tàu, trong đó có 50 tàu chở hàng, 25 tàu container và 20 tàu chở dầu.
Khoản chi lớn thứ hai là 80.083 tỉ đồng để phát triển đội máy bay của hàng không Việt Nam, trong đó giai đoạn 2012-2015 chi 43.838 tỉ đồng và năm năm tiếp theo 36.245 tỉ đồng. Với khoản đầu tư trên, đến năm 2020 Vietnam Airlines sẽ có 171 máy bay, trong đó 70 chiếc thuộc sở hữu của Vietnam Airlines và còn lại là máy bay thuê.
Đề án cũng nêu rõ danh mục các loại máy bay Vietnam Airlines sở hữu và thuê, gồm Boeing 787-9, Boeing 777, các loại Airbus A350, A321 và A320, ATR72-200, Fokker 70. Cũng như trong lĩnh vực tàu biển, đề án này không phân tích rõ các yếu tố thị trường, hiệu quả kinh tế của chương trình đầu tư này.
Khối doanh nghiệp công ích cũng sẽ được đầu tư khá nhiều, đến 15.379 tỉ đồng. Số tiền này tập trung cho ba doanh nghiệp là Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, Tổng công ty Đảm bảo an toàn Hàng hải miền Bắc và Tổng công ty Đảm bảo an toàn Hàng hải miền Nam.
Về giải pháp vốn, Bộ GTVT dự kiến ngân sách nhà nước sẽ chi 20.000 tỉ đồng cho các chương trình đầu tư phần mềm, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho công tác quản lý, trụ sở làm việc của cơ quan quản lý nhà nước, đầu tư cho các công trình và dịch vụ công ích.
Số còn lại huy động từ vốn tự có của doanh nghiệp, vốn vay, ODA và huy động từ xã hội. Ngoài ra, Bộ GTVT còn đề nghị Chính phủ hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi, tạo cơ chế thuận lợi về thuế, nhân lực để giúp thực hiện CNH - HĐH theo nội dung của đề án.
Đức Hoàng
tbktsg
|