SHB “cõng” HBB: Đâu là những điểm bất lợi?
Động cơ mong muốn sáp nhập từ HBB là quá rõ và không cần phải bàn cãi. Tuy vậy, liệu việc nhận sáp nhập HBB có tạo ra giá trị cộng hưởng tích cực cho SHB và qua đó gia tăng lợi ích cho cổ đông?
Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội – Habubank (HNX: HBB) vừa công bố dự thảo về phương sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (HNX: SHB).
Theo dự thảo phương án này, 1 cổ phần HBB sẽ được hoán đổi 0.75 cổ phần SHB sau khi sáp nhập và ngân hàng sau sáp nhập sẽ giữ tên của SHB.
Cả HBB và SHB đều đã thay đổi thời gian tổ chức Đại hội cổ đông thường niên lần lượt sang ngày 28/4 và 5/5. Hiện chỉ mới có thông tin về phương án sáp nhập từ phía HBB, trong khi nội dung chi tiết các tờ trình của SHB đến ngày 26/4 vẫn chưa được công bố.
Động cơ mong muốn sáp nhập từ HBB là quá rõ và không cần phải bàn cãi. Tuy vậy, liệu việc nhận sáp nhập HBB có tạo ra giá trị cộng hưởng tích cực cho SHB và qua đó gia tăng lợi ích cho cổ đông ngân hàng này?
Giá trị cộng hưởng có khả thi?
Sẽ phải cần có thêm thông tin kiểm chứng từ SHB để biết được những động cơ thực sự từ thương vụ nhận sáp nhập HBB. Tuy vậy, rất có thể các động cơ chủ yếu nằm trong các điểm sau:
(1) Mạng lưới và thị phần dịch vụ, đặc biệt là bán lẻ: HBB có 1 hội sở chính, 1 sở giao dịch, 19 chi nhánh, 50 phòng giao dịch, 58 điểm giao dịch và 10 quỹ tiết kiệm. Trong khi đó, SHB có 1 hội sở chính, 1 sở giao dịch, 26 chi nhánh, 115 phòng giao dịch dịch và 19 điểm giao dịch, bao gồm chi nhánh ở Lào và Campuchia.
Điểm đáng chú ý là cả SHB và HBB đều có nguồn gốc là các ngân hàng phía Bắc. Vì vậy, ngân hàng sau sáp nhập không phải là không có khó khăn khi muốn mở rộng phạm vi hoạt động ra các khu vực khác. Đó là chưa kể đến phong cách quản trị và cung cấp dịch vụ cũng có thể là một trở ngại để khuếch đại giá trị cộng hưởng này.
(2) Khách hàng: Theo thông tin từ đề án của HBB, ngân hàng sau sáp nhập sẽ có cơ sở khoảng 500,000 khách hàng hoạt động trong những lĩnh vực cốt lõi của nền kinh tế như: than, khoáng sản, cây công nghiệp (cao su), phát triển hạ tầng… và đông đảo các doanh nghiệp SME.
Số lượng có thể nói lên một phần chất lượng. Hoạt động tín dụng vẫn chiếm phần lớn cơ cấu thu nhập cũng như cơ cấu tài sản có của SHB và HBB. Với thực tế này, chất lượng của tài sản (khách hàng) rõ ràng là không thể không quan tâm. Trong khi đó, mảng dịch vụ của cả hai ngân hàng chưa tạo được dấu ấn nổi trội.
(3) Công nghệ và bí quyết quản trị: Mặc dù điều này có thể sẽ được đề cập, nhưng có lẽ chỉ nên ở mức độ ưu tiên thấp.
(4) Lợi thế theo quy mô, tiết kiệm chi phí: Ngân hàng sau sáp nhập sẽ có quy mô vốn điều lệ gần 9,000 tỷ đồng và tổng tài sản trên 100,000 tỷ đồng, hoạt động khắp các tỉnh thành lớn, số lượng nhân viên khoảng 5,000 nhân viên. Việc sáp nhập các phòng giao dịch, thậm chí chi nhánh và tinh gọn bộ máy gần như không thể tránh khỏi, để tiết kiệm chi phí như đề án đề cập.
(5) Thương hiệu: Có lẽ chỉ nên được đề cập với mức độ ưu tiên thấp.
(6) Tài sản chưa được nhận diện hay khai thác hết tiềm năng: Đây có thể là một động cơ lớn, nhưng rất khó đánh giá.
Ngoài việc đánh giá các động cơ có thể giúp gia tăng giá trị sau sáp nhập, câu hỏi vào loại lớn nhất là “thể trạng” của chủ thể bị sáp nhập ra sao và SHB có kế hoạch thực hiện kinh doanh như thế nào trong giai đoạn hậu sáp nhập.
HBB thực sự đang ở đâu và như thế nào?
Một phân tích trước đây cho thấy kết quả kinh doanh của HBB đã có dấu hiệu suy giảm mạnh theo thời gian. Một số điểm đáng chú ý là nợ xấu tăng cao; lợi nhuận sụt giảm mạnh vì chi phí hoạt động, dự phòng và kinh doanh ngoại hối, vàng thua lỗ; tín dụng chững lại, nhưng lại tăng đầu tư chứng khoán; và nguồn huy động vốn giảm mạnh.
Theo BCTC năm 2011 đã kiểm toán, HBB đạt mức lợi nhuận sau thuế hơn 234 tỷ đồng. Tuy vậy, chất lượng tài sản có trên bảng cân đối kế toán rõ ràng là mối quan tâm không nhỏ.
Các khoản cho vay khách hàng và đầu tư chứng khoán chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng tài sản có; tổng cộng hơn 34,000 tỷ đồng (trước dự phòng), trong tổng tài sản hơn 41,000 tỷ đồng – tức chiếm gần 83%.
Khoản cho vay khách hàng 22,300 tỷ đồng có 2,751 tỷ đồng dư nợ cho vay Vinashin, 4,521 tỷ đồng ủy thác đầu tư.
Đáng lưu ý dự phòng được trích lập cho khoản vay Vinashin chỉ có 39 tỷ đồng, tức với tỷ lệ khoảng 1.4%. Theo thuyết minh BCTC, các khoản nợ này đã được chuyển sang PetroVietnam và Vinalines; và việc trích lập dự phòng được thực hiện theo văn bản chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước về việc xem xét khoanh và cơ cấu lại các khoản nợ của Vinashin.
Tổng lượng nợ xấu cuối năm 2011 (gồm nợ dưới tiêu chuẩn, nghi ngờ và có khả năng mất vốn) vào khoảng 1,044 tỷ đồng và được trích lập dự phòng khoảng 459 tỷ đồng (44%).
Với cơ cấu cổ đông thuận lợi và chủ trương tái cơ cấu, rất có thể phương án sáp nhập HBB vào SHB cuối cùng cũng diễn ra. Tuy vậy, SHB có kế hoạch thực hiện kinh doanh như thế nào trong giai đoạn hậu sáp nhập sẽ là một câu hỏi lớn.
Như Lan (Vietstock)
finfonet
|