VimpelCom lỗ bao nhiêu trong thương vụ Beeline?
Nếu quả thực VimpelCom bán 49% cổ phần mạng Beeline cho đối tác của mình là GTel với giá 45 triệu USD thì tập đoàn di động lớn thứ 2 ở Nga này đã phải chịu lỗ quá nặng trong thương vụ Beeline Việt Nam.
VimpelCom lỗ bao nhiêu?
Theo hãng tin Reuters, ngày 23/4, VimpelCom tuyên bố đã ký thỏa thuận bán lại toàn bộ 49% cổ phần của họ tại GTel Mobile - công ty cung cấp mạng di động Beeline tại Việt Nam. Theo các điều khoản của thỏa thuận, đối tác sẽ trả bằng tiền mặt với giá trị 45 triệu USD. Sau khi hoàn tất việc mua bán, VimpelCom sẽ không còn quyền lợi, nghĩa vụ và trách nghiệm đối với GTel Mobile. Ngoài ra, GTel Mobile sẽ ngừng sử dụng thương hiệu Beeline sau 6 tháng kể từ ngày chuyển giao.
Bình luận về thương vụ trên, lãnh đạo một mạng di động tại Việt Nam cho rằng mức giá 45 triệu USD mà GTel mua 49% cổ phần của Beeline là mức giá quá hời. Chỉ phải bỏ ra chưa đầy 1.000 tỷ đồng, GTel đã có trọn Beeline. Để xây dựng được 1 mạng di động tại Việt Nam, số tiền được nói tới phải là con số cả tỷ USD. “Động thái của VimpelCom được xem như hành động cắt lỗ trong dự án Beeline tại Việt Nam. Điều đó chứng tỏ VimpelCom đã không còn nhìn thấy cơ hội cho mình và buộc phải bán rẻ cổ phần của mình nếu không muốn tiếp tục “sa lầy” vào dự án Beeline ở Việt Nam”, vị lãnh đạo này nói.
Cho đến thời điểm này, VimpelCom chưa công bố số lỗ bao nhiêu trong thương vụ Beeline tại Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ cần một phép thống kê đơn giản cũng cho thấy mức chênh lệch giữa số tiền mà VimpelCom đã đầu tư với số tiền bán cổ phần cho GTel là số lỗ không nhỏ.
Trước đó, ngày 8/7/2008, VimpelCom và GTel đã ký kết thành lập CTCP di động GTel Mobile. Trong GTel Mobile, VimpelCom nắm giữ 40% cổ phần tương đương khoản đầu tư tài sản 267 triệu USD. Đến tháng 4/2011, VimpelCom tuyên bố đến năm 2013 sẽ đầu tư thêm 500 triệu USD vào Beeline, đưa tổng mức đầu tư cho mạng này lên 1 tỷ USD, nếu đạt các mục tiêu kinh doanh và được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. Ông Michael Cluzel, Tổng giám đốc GTel Mobile cho biết trong một năm tới, Beeline dự định sẽ xây dựng thêm 5.000 trạm phát sóng trên toàn quốc, nâng tổng số điểm bán hàng lên 50.000 và mở rộng tổng số nhân viên Beeline lên tới 1.000 người. Khoản góp vốn đầu tiên trị giá 196 triệu USD đã được VimpelCom đầu tư vào liên doanh, nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông này trong GTel Mobile từ 40% lên 49%. Toàn bộ các khoản đầu tư sẽ được sử dụng cho sự phát triển của liên doanh GTel Mobile. Khoản đầu tư còn lại trị giá 304 triệu USD sẽ được thực hiện trong bước tiếp theo nếu Liên doanh GTel Mobile đạt được các mục tiêu kinh doanh nhất định cũng như nhận được các chấp thuận cần thiết của các cơ quan có thẩm quyền. Khi đó, lợi ích kinh tế của tập đoàn VimpelCom sẽ tăng từ 49% lên 65%. Với khoản đầu tư mới này, tổng số vốn đầu tư của tập đoàn VimpelCom dành cho hoạt động tại Việt Nam có thể lên tới 1 tỷ USD, bao gồm cả khoản đầu tư đã thực hiện trước đó.
Nếu hai khoản đầu tư trị giá 267 triệu USD và 196 triệu USD như tuyên bố đã hoàn tất thì VimpelCom đã đầu tư vào Beeline tại Việt Nam tổng cộng là 463 triệu USD. Trong khi đó VimpelCom chỉ bán được với giá là 45 triệu USD.
Vì sao Beeline gặp khó?
Nếu so với các mạng di động của Nhà nước như MobiFone, VinaPhone và Viettel, thì mạng di động thứ 7 là Beeline đã đem lại cho thị trường sự sôi động mới với nhiều sáng tạo. Sự xuất hiện của Beeline với gói cước ấn tượng BigZero đã khiến cho các mạng di động lớn phải lo ngại. Thế nhưng, những điều đó đã không đủ để giúp Beeline có thể tìm kiếm được vị trí trên thị trường di động Việt Nam. Lãnh đạo một mạng di động nhận xét, ở Việt Nam các mạng di động của Nhà nước đang nắm tới 95% thị trường. Vì là yếu tố sở hữu Nhà nước nên đôi khi những nhà mạng này áp dụng chiêu thức cạnh tranh “không vì lợi nhuận”. Điều đó giống như kiểu chúng ta lên đài thi đấu nhưng không rõ theo luật nào. Điều này khó khăn cho các nhà mạng muốn chơi trong “đấu trường” chuyên nghiệp.
Trong buổi họp mới đây với Bộ TT&TT, các mạng di động đề nghị Bộ TT&TT quản chặt các mạng di động để tránh cuộc cạnh tranh theo kiểu “cùng đẩy nhau xuống vực thẳm”. Các mạng thừa nhận đã có quá nhiều hình thức cạnh tranh theo kiểu phá thị trường. Nếu Bộ TT&TT không can thiệp kịp thời sẽ dẫn đến nguy cơ đổ vỡ thị trường.
Khi Beeline vào thị trường Việt Nam thì thời điểm thuê bao đã ở mức sắp bão hòa và việc triển khai mở rộng vùng phủ sóng vô cùng khó khăn. Không dừng lại ở đó, Beeline lại lỗi hẹn với 3G sau khi Bộ TT&TT tiến hành thi tuyển. Điều đó có nghĩa Beeline buộc phải “chung thủy” với băng tần 1800 MHz. Nếu mạng di động mới triển khai trên băng tần này sẽ gặp khó khi triển khai cung cấp dịch vụ trên toàn quốc bởi băng tần này phải đầu tư nhiều trạm BTS để phủ sóng, trong khi đó những nhà khai thác khác có được băng tần 800 – 900 MHz sẽ chỉ phải đầu tư ít hơn nên hiệu quả đầu tư sẽ tốt hơn.
Không phải những khó khăn của Beeline bây giờ mới được Beeline nhắc đến. Ngay từ thời điểm VimpelCom ký kết với GTel để lập liên doanh GTel Mobile, Báo Bưu điện Việt Nam đã đưa ra nhận định: “Cửa đã quá hẹp với Beeline”.
Chiều ngày 23/4, Beeline đã xác nhận với Bưu điện Việt Nam là GTel Mobile sẽ ngừng sử dụng thương hiệu Beeline sau 6 tháng kể từ khi chuyển giao. Hiện GTel chưa công bố phương án thay thế thương hiệu Beeline. Năm 2009, thương hiệu Beeline được đánh giá vào khoảng 8,9 tỷ USD và lọt vào Top 100 thương hiệu đắt giá nhất hành tinh và Top 10 tên tuổi đắt giá nhất trên thị trường viễn thông (Theo hãng nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới Millward Brown Optimor). Nguồn tin của Bưu điện Việt Nam cho hay, nhiều vị trí nhân sự cấp cao của VimpelCom đang làm việc tại Beeline Việt Nam đã về nước. Quá trình chuyển giao của VimpelCom và GTel bắt đầu được tiến hành.
Thái Khang
ictnews
|