Thứ Tư, 04/04/2012 21:31

Nhiều sai phạm về giá đất được phát hiện

Kết quả thanh tra, giám sát công tác quản lý giá trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Thanh tra tài chính thực hiện và công bố hôm nay (4/4) cho thấy các sai phạm về giá đất là rất nghiêm trọng.

Các cuộc thanh tra được tiến hành trong các năm 2010, 2011 tại 3 tỉnh, thành phố và giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá trên địa bàn tại 20 tỉnh, thành phố cho thấy về cơ bản các địa phương đã triển khai thực hiện nghiêm túc Pháp lệnh Giá và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng như đã hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện đăng ký giá, kê khai giá và niêm yết giá theo quy định.

Tuy nhiên, vẫn còn đó khá nhiều ví dụ khá khôi hài trong quá trình áp dụng văn bản này.

Chẳng hạn, có 4/23 địa phương (gồm Quảng Nam, Sóc Trăng, Đăk Nông, Long An) chưa ban hành quy định quản lý nhà nước về giá trên địa bàn theo quy định tại khoản 1 Điều 25 của Nghị định số 70/2003/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá.

Thời điểm từ ngày 1/10/2010 trở về trước, còn nhiều địa phương chưa triển khai, hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, hàng hóa dịch vụ thuộc danh mục phải đăng ký giá, tiến hành đăng ký giá, kê khai giá và gửi hồ sơ đăng ký giá về sở tài chính theo quy định tại Thông tư số 104/2008/TT-BTC ngày 13/11/2008 của Bộ Tài chính.

Theo tìm hiểu của các đoàn thanh tra, nguyên nhân do các địa phương chưa "quan tâm đúng mức đối với lĩnh vực này". Có 7/23 địa phương (gồm: Bạc Liêu, Đăk Nông, Nam Định, Thái Nguyên, Quảng Trị, Trà Vinh, Sóc Trăng) ban hành văn bản triển khai nhắc lại quy định của Trung ương, không ban hành danh mục các đơn vị phải đăng ký giá, kê khai giá trên địa bàn theo quy định.

Tỉnh Đăk Nông chưa triển khai, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, hàng hóa dịch vụ thuộc danh mục phải đăng ký, kê khai giá thực hiện việc đăng ký giá và gửi hồ sơ đăng ký giá về sở tài chính; trong khi  Hà Nội và Long An ban hành văn bản hướng dẫn về đăng ký, kê khai giá chưa đầy đủ.

Tuy nhiên, tâm điểm của các cuộc thanh tra là về việc giao đất, ban hành bảng giá các loại đất, thẩm định giá đất thu tiền sử dụng đất và giá cho thuê đất tại các dự án; giá rừng và giá tính thuế tài nguyên, lĩnh vực ghi nhận nhiều sai phạm nhức nhối.

Đối với việc giao đất, tại Hà Nội, thời điểm 31/12/2010, có 49 dự án giao đất có thu tiền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân để thực hiện các dự án xây dựng khu dân cư, khu đô thị mới do UBND tỉnh Hà Tây (cũ) và UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép. Kết quả thanh tra cho thấy tại các dự án này đã phê duyệt đơn giá và tổng số tiền sử dụng đất của các dự án phải nộp trước khi giao đất, bàn giao đất cho các nhà đầu tư nhưng không đúng trình tự, thủ tục quy định và chưa phù hợp với quy định tại Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007; Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ.

Việc giao đất không đúng trình tự quy định dẫn đến xác định tiền sử dụng đất các dự án phải nộp không phù hợp và cơ quan thuế không đủ căn cứ để thu tiền sử dụng đất, các chủ dự án chậm nộp tiền sử dụng đất.

Đối với việc ban hành bảng giá các loại đất, kết quả thanh tra công tác quản lý giá tại 3 địa phương (Hà Nội, Long An, Bình Định) cho thấy, năm 2010 cả 3 địa phương đã thực hiện ban hành bảng giá các loại đất hàng năm, nhưng chưa thực hiện đúng quy định tại Điều 7, Thông tư Liên tịch số 02/2010/TTLT-BTNMT-BTC ngày 8/01/2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường - Bộ Tài chính.

Tại Hà Nội, bảng giá các loại đất tại 13 tuyến đường ở 4 quận do UBND thành phố phê duyệt nhưng không có phiếu điều tra giá đất trên thị trường và hầu hết giá đất trên các phiếu điều tra (giá thị trường) đều cao hơn giá đất trên bảng giá đất do UBND thành phố ban hành từ 25% trở lên.

Đối với nội dung thẩm định giá đất, xác định tiền sử dụng đất phải nộp ngân sách nhà nước tại các dự án được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, tại Đăk Nông có 4/5 dự án được thanh tra, địa phương áp dụng giá đất được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2005 và cộng thêm 30% trượt giá, chưa sát với giá thị trường theo quy định tại Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 và Nghị định số 120/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 của Chính phủ.

Trong khi đó tại Hà Nội và Quảng Ninh, có hiện tượng việc thẩm định giá đất và xác định tiền sử dụng đất chủ dự án phải nộp ngân sách nhà nước không quy về cùng thời điểm, trong đó chi phí phát triển được xác định theo tương lai (có tính đến yếu tố trượt giá) trong khi doanh thu phát triển được xác định theo giá trị tại thời điểm hiện tại, tức là theo hướng có lợi cho các chủ đầu tư.

Anh Minh

TBKTVN

Các tin tức khác

>   “Ai mua dự án bất động sản không?” (04/04/2012)

>   TP.Hồ Chí Minh: Giá thuê văn phòng tiếp tục giảm (04/04/2012)

>   Vật vã những "con bệnh" bất động sản (04/04/2012)

>   Mất hàng chục nghìn tỷ vì “gò ép” giá đất (04/04/2012)

>   Đánh thuế bất động sản để đầu tư hạ tầng (04/04/2012)

>   Căn hộ tiếp tục xu hướng giảm giá (04/04/2012)

>   Mua lại chung cư ế: Massage hồi sức cho DN? (04/04/2012)

>   Giới "cò" BĐS hiện đang "sống dở chết dở" (03/04/2012)

>   BĐS siêu sang-Xu hướng mới của một “lối đi nhỏ” (03/04/2012)

>   Nhiều nhà đầu tư đăng ký “giữ chỗ” (03/04/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật