Vật vã những "con bệnh" bất động sản
Dạo này chẳng thiếu gì thông tin kiểu như đại gia A nợ hàng chục ngàn tỷ sắp vỡ nợ, ông lớn B đã 7 tháng nay không có tiền trả lương công nhân, doanh nghiệp C phải bán tống bán táng tài sản vì sập tiệm…
‘Sống được là may’
Một đại gia có số má trong làng bất động sản Việt Nam đã nửa đùa nửa thật nói rằng may mà mấy năm vừa rồi ông lâm bệnh trọng. Nếu không, ông cũng bị sa lầy vào vòng xoáy đầu tư như nhiều người khác.Vị đại gia người nhỏ thó nhưng cực kỳ nổi tiếng về sự khôn ngoan, lọc lõi, sở hữu một vài dự án liên tục gây sốt trên thị trường bất động sản phía Bắc thời gian qua thừa nhận chính ông cũng không lường hết được những hậu quả ghê gớm của đợt khủng hoảng này.
Ông nhìn nhận lợi ích nhóm là một nguyên nhân cơ bản dẫn đến những bất ổn kinh tế vĩ mô, thể hiện rõ qua những khoản nợ xấu khổng lồ do đầu tư ồ ạt vào lĩnh vực tài chính, chứng khoán bất động sản. Những khoản nợ này nguy hiểm ở chỗ chúng thẩm thấu rất sâu trong mối quan hệ chồng chéo doanh nghiệp – ngân hàng- doanh nghiệp. Đến mức, khi một số ‘con bệnh’ lâm vào tình trạng hấp hối người ta cũng không thể hoặc không dám để cho chúng ‘chết’ bởi sự gục ngã nọ sẽ kéo theo tình trạng phá sản mang tính dây chuyền gây hậu quả khủng khiếp gấp bội.
Chính vì thế, vị đại gia lẫy lừng khẳng định chắc nịch rằng bất quá người ta chỉ có thể cho chết một số doanh nghiệp mắc nợ tầm vài chục tỷ đổ lại, còn quy mô lớn hơn ông cho rằng hoặc phải ‘hà hơi tiếp sức’ hoặc ‘khoanh’ lại không cho sụp. Đây cũng là nhận định của Phó TGĐ Sông Đà – Thăng Long Nguyễn Đỗ Việt khi đánh giá về sức khoẻ của các doanh nghiệp bất động sản. Ông Việt còn cảnh báo một nguy cơ khác, đó là tình trạng ‘cầu’ biến thành ‘cung’ trên thị trường nhà đất. Ông phân tích vào thời điểm năm 2008 – 2009 khi bất động sản đang hừng hực khí thế, tiền từ ngân hàng, đầu tư công ồ ạt dốc vào kênh kiếm tiền thời thượng. Thông thường các khoản vay trung hạn mà các chủ đầu tư dự án, nhà đầu tư thứ cấp có kỳ hạn 3-5 năm và năm 2012 là thời điểm nhiều khoản vay nói trên sẽ đáo hạn. Vì vậy, nhiều nhà đầu tư giai đoạn trước thuộc về bên ‘cầu’ nay đứng trước áp lực trả nợ ngân hàng sẽ buộc phải bán hàng và họ lại trở thành nguồn cung.
Thị trường bất động sản gặp khó đã khiến không ít chủ đầu tư trở thành những ‘con bệnh’ vật lộn để tồn tại. Gặp một TGĐ thân tình, ông tâm sự hiện phải chèo chống doanh nghiệp sống được qua giai đoạn này đã là may. Ông đã nghĩ đến việc giảm bớt nhân sự nhưng đang đau đầu vì toàn những con người đã gắn bó lâu năm với công ty. Hỏi lãi suất đã giảm liệu khó khăn có bớt, ông rầu rầu bảo hạ 1% chẳng bõ bèn gì do lãi suất cho vay vẫn quá cao và khó vay. Căng nhất là không có thanh khoản, nghĩa là không có tiền chảy trong thị trường. Tất cả đều đứng im, lượng hàng tồn kho tức sản phẩm bất động sản hầu như không bán được trong khi áp lực nợ ngân hàng thêm đè nặng mỗi ngày.
Quả thật, dạo này chẳng thiếu gì thông tin kiểu như đại gia A nợ hàng chục ngàn tỷ sắp vỡ nợ, ông lớn B đã 7 tháng nay không có tiền trả lương công nhân, doanh nghiệp C phải bán tống bán táng tài sản vì cận kề sập tiệm…Việc khách hàng kiện chủ đầu tư đòi lại tiền đã trở thành ‘chuyện thường ngày ở huyện’. Thời buổi thóc cao gạo kém hiện nay, trong khi phần lớn chủ đầu tư án binh bất động hoặc chỉ làm túc tắc cho có thì việc Vincom Villages hoàn thành xây gần ngàn căn biệt thự trong thời gian kỷ lục hơn 7 tháng thực sự hiếm. Chủ đầu tư bật mí lúc cao điểm trên công trường có tới 40.000 công nhân làm việc. Để đảm bảo chất lượng công trình và giữ uy tín với khách hàng, Vingroup luôn khắt khe, đặt chất lượng thi công và tiến độ xây dựng lên hàng đầu.
Khi nào dứt bạo bệnh?
Nhiều chủ đầu tư thừa nhận 2012 thực sự là quãng thời gian vô cùng khốc liệt, sẽ chứng kiến người ra đi kẻ ở lại, sụp đổ và tồn tại. Nếu doanh nghiệp nào đuối sức sẽ ‘một đi không trở lại’, sống sót qua được giai đoạn này đương nhiên là một sự chứng thực bản lĩnh anh là ai. Phòng thủ, cầm cự chờ khó khăn qua đi là tâm lý phổ biến trong giai đoạn này nhưng ai cũng thấy nhu cầu phải thay đổi. Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa hết choáng váng trước cú sốc quá lớn, không hiếm đại gia trả giá bằng phần lớn những gì đã kiếm được dạo trước và gục ngã khi sức lực bị lãi suất bào mòn, vắt kiệt.
Thị trường bất động sản bế tắc và chưa có hy vọng phục hồi một khi các biện pháp thắt chặt tín dụng, kiềm chế lạm phát tiếp tục kéo dài. Tuy vậy, cũng đã có một vài dấu hiệu khiến người ta trông chờ giai đoạn đen tối đang dần trôi qua. Trước hết, nếu những tuyên bố của Thống đốc Nguyễn Văn Bình mới đây rằng lãi suất huy động sẽ hạ 1% mỗi quý nếu lạm phát được kiểm soát là hiện thực sẽ đem lại những tác động tích cực. Lãi suất hạ 1% chẳng bõ bèn gì nhưng nếu giảm 3-4 % và dự án bất động sản dễ tiếp cận nguồn vốn hơn chắc chắn sẽ là cú hích đáng kể. Chưa kể lãi suất huy động thấp sẽ khiến người gửi tiền không còn muốn giữ tiền ở nhà băng, khi đó bất động sản vẫn sẽ là sự lựa chọn hàng đầu khi đà trượt giá của tiền đồng chưa dừng.
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán đang sôi động trở lại. Trước nay, bất động sản và chứng khoán luôn là những kênh đầu tư thông nhau như thực tế những năm trước cho thấy. Ngoài những nhà đầu tư thoát hàng, sẽ có những khoản chốt lời được chuyển sang lĩnh vực bất động sản. Các công ty tư vấn như Savills, CBRE đều cho biết nhiều nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính đang nhăm nhe nhảy vào mua lại các dự án bất động sản tiềm năng khi các chủ đầu tư nội rơi vào cảnh túng bí. Cũng không thể bỏ qua thống kê năm 2011 đã có 52% trong số 9 tỷ USD kiều hối được đổ vào thị trường nhà đất. Từ nay đến cuối năm, lượng kiều hối dồi dào cũng là yếu tố được kỳ vọng sẽ góp phần làm tan băng bất động sản.
Thêm nữa, đã xuất hiện một vài chỉ dấu cho thấy xu hướng nhà nước bắt đầu cân nhắc việc ra tay kích thích thị trường. Đầu tiên là Bộ Xây dựng thông báo nhà nước sẽ tung tiền mua lại các dự án chung cư có giá 15 triệu đồng/m2. Tiếp sau, hai bộ Xây dựng và GTVT vừa ký thỏa thuận về việc sẽ dùng xi măng để triển khai xây dựng nhiều tuyến đường trong thời gian sắp tới. Ngay khi tiền sẽ được bơm ra, thị trường nhiều khả năng sẽ có những biến chuyển hứa hẹn.
Thục Ninh
diễn đàn doanh nghiệp
|