Nhập than đã khó sẽ càng khó
Với năm nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đang và sẽ xây dựng, tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sẽ cần nguồn than tới 18 triệu tấn, trong đó phải tìm nguồn cung cấp từ nước ngoài khoảng 13 triệu tấn. Tính chung cả nước, đến năm 2020 nhu cầu nhập khẩu than là 48 triệu tấn/năm. Lâu nay, việc bảo đảm nguồn cung ứng này đã rất khó khăn, nhưng tới đây sẽ còn khó gấp bội.
Bài toán hóc búa!
Ông Thamrin Sihite, Tổng cục trưởng phụ trách than đá và khoáng sản thuộc Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản Indonesia, cho biết nước này đang xem xét áp đặt thuế xuất khẩu than đá và khoáng sản kim loại thông thường, nhằm hạn chế việc xuất khẩu tài nguyên thô. Trước mắt, mức thuế xuất khẩu than đá năm 2012 này sẽ là 25% và đến năm 2013 sẽ tăng lên 50%.
Việc Indonesia có kế hoạch đánh thuế rất cao lên than đá xuất khẩu chắc chắn sẽ đẩy mặt bằng giá than lên cao, đồng thời khiến cho cuộc đua giành quyền mua than trở nên quyết liệt hơn. Việt Nam vốn đã rất yếu thế trong cuộc đua này, sẽ càng khó cạnh tranh hơn.
Cùng với Úc, Indonesia là một trong hai quốc gia xuất khẩu than đá lớn nhất thế giới và là nguồn cung cấp than chủ chốt cho các nền kinh tế lớn ở châu Á. Việc Indonesia có kế hoạch đánh thuế rất cao lên than đá xuất khẩu chắc chắn sẽ đẩy mặt bằng giá than lên cao, đồng thời khiến cho cuộc đua giành quyền mua than trở nên quyết liệt hơn. Việt Nam vốn đã rất yếu thế trong cuộc đua này, sẽ càng khó cạnh tranh hơn.
Hiện nay, nhiều nhà máy nhiệt điện Việt Nam đang và chuẩn bị xây dựng với công nghệ được thiết kế căn cứ theo loại than sẽ nhập của Indonesia. Nếu Chính phủ Indonesia đánh thuế xuất khẩu than với mức thuế suất như dự kiến, giá than nhập về tới Việt Nam sẽ tăng vọt. Tất cả tính toán về hiệu quả kinh tế của các dự án, giá thành điện sẽ sụp đổ. Đó là chưa nói đến việc có thể nhập khẩu đủ lượng than như mong muốn nữa hay không?
Năm ngoái, tập đoàn Công nghiệp than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã nhập thử nghiệm hơn 9.000 tấn than của Indonesia. Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Công ty Năng lượng Sông Hồng thuộc TKV, cho biết than nhập thử nghiệm này là loại chất lượng thấp, giống than nâu của Việt Nam. “Loại than này chỉ có nhiệt trị 5.000- 5.500 Kcal, thấp hơn nhiều so với mức 6.500-7.500 của than Việt Nam. Mua loại than này sẽ rất bất lợi về chi phí vận chuyển”, ông Sơn khẳng định. Bất lợi đó chắc chắn sẽ được phản ánh vào giá thành sản xuất điện. Sắp tới đây, khi giá than tăng, bất lợi sẽ còn lớn hơn rất nhiều.
Năm ngoái, lượng than dành cho xuất khẩu của Indonesia khoảng 250 triệu tấn. Con số này chưa đủ để đáp ứng nhu cầu nhập bổ sung của Trung Quốc và Ấn Độ. Úc cũng có hơn 280 triệu tấn than xuất khẩu, nhưng chỉ riêng Nhật Bản đã có nhu cầu nhập gần 200 triệu tấn.
Ấn Độ dự kiến nhu cầu nhập than đá vào năm 2016-2017 sẽ tăng lên 300 triệu tấn, hơn gấp đôi so với hiện nay. Trung Quốc, nước đang tiêu thụ hơn một nửa sản lượng than toàn cầu, cũng phải tăng cường thêm nguồn cung cấp ở nước ngoài để đáp ứng cơn khát năng lượng ngày càng tăng. Riêng Nhật Bản, yêu cầu nhập than sắp tới đây chắc chắn sẽ tăng rất mạnh. Sau sự cố xảy ra với Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima vào tháng 3 năm ngoái, nước này đã đóng cửa hầu hết các nhà máy điện hạt nhân nên có thể nhiệt điện chạy than sẽ là lựa chọn ưu tiên nhằm bù đắp khoảng trống của nhà máy điện hạt nhân để lại.
Các chuyên gia dự báo, nhu cầu tiêu thụ than toàn thế giới trong những thập niên tới sẽ tăng 4,46%/năm, trong đó khu vực châu Á tăng tới 7,03%/năm. Trong khi đó, trữ lượng than thế giới ngày càng suy giảm, nguồn than hiện có chỉ đủ đáp ứng nhu cầu đến năm 2030.
Có thể thấy, việc tìm kiếm nguồn than nhập khẩu đối với Việt Nam sẽ vô cùng gian nan khi chúng ta phải cạnh tranh trực tiếp với những đối thủ có tiềm lực hơn hẳn về tài chính như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc... Cho đến nay, tất cả những gì TKV cũng như PVN làm được là các thỏa thuận khung về thương mại với các nhà cung cấp than của nước ngoài. Còn số lượng cung cấp được đến mức nào? Giá cả ra sao? Đến nay vẫn đang là ẩn số, trong khi sức ép về nguồn cung ứng than đang ngày một lớn.
Mua mỏ ở nước ngoài - có làm được không?
Mới đây, khi công bố quy hoạch phát triển ngành than, Bộ Công Thương đã đề cập đến khả năng chủ động mua mỏ ở nước ngoài để khai thác, tạo nguồn cung cấp than ổn định. Trong đó, hai địa chỉ được nhắc đến nhiều là Úc và Nga. Nhưng theo ông Nguyễn Thành Sơn, đây có thể là mục tiêu xa vời.
Ông cho biết: “Tôi đã đến Úc khảo sát. Hầu như những mỏ ngon, thuận tiện cho khai thác và vận chuyển, người Nhật đã mua cổ phần khai thác từ rất lâu. Họ thậm chí mua cả cổ phần của công ty vận chuyển đường sắt và cảng để xuất than. Họ đã mua từ A đến Z, ngay cả Trung Quốc có nhiều tiền như vậy mà chen chân vào còn khó thì Việt Nam làm sao mà chen vào được”.
Còn mua mỏ than ở Nga thì sao? Cũng theo ông Sơn: “Tôi đã xem một số cuộc đấu giá bán quyền khai thác ở Nga. Những mỏ đã được thăm dò cẩn thận, có trữ lượng tốt, họ bán quyền khai thác không dưới 5 đô la Mỹ cho mỗi tấn trữ lượng. Để mua quyền khai thác một mỏ trữ lượng 100 triệu tấn, mức tối thiểu để đầu tư khai thác hiệu quả, phải bỏ ra ít nhất 500 triệu đô la Mỹ. Đó là chưa nói đến chi phí tổ chức khai thác, tiền thuế phải nộp cho nước sở tại, sản lượng than có thể thu hồi, rồi phí vận chuyển, cảng phí... tất cả đều là ẩn số”.
Liệu chúng ta có đủ vốn để cạnh tranh mua mỏ? Giá thành than khai thác và vận chuyển về Việt Nam có tương ứng với khả năng chịu đựng của các nhà máy điện?
Tấn Đức
TBKTSG
|