Thứ Hai, 30/04/2012 15:00

Nghề thời thượng

Gần đây báo chí hay có những bài phản ánh thu nhập của một số nghề nhỏ lẻ như: bán dưa, cà muối, bán bún đậu mắm tôm, dán điện thoại hay… hát karaoke dạo… với thu nhập toàn chục triệu trở lên. Phải chăng các tác giả muốn tung hô những nghề lao động này lên thành “thời thượng” như cách họ đã làm với broker chứng khoán cách đây vài năm?

Con người vốn có tính tò mò, nhưng khác với người phương Tây, người Việt mình hay tò mò về thu nhập của nhau. Làm quen với nhau, hỏi han vài câu về tên tuổi, gia đình… là bắt đầu hỏi làm nghề gì, ở đâu và… lương bao nhiêu? Rồi bắt đầu so bì cao thấp với bản thân mình và xuất hiện nhiều hỉ nộ ái ố đi sau nữa.

Chính vì tâm lý này nên những bài viết về mức lương của các nghề trong xã hội luôn dành được sự quan tâm của dư luận. Sự quan tâm ấy có phần “ thái quá” đối với những ngành có thu nhập cao như dầu khí, điện, tài chính- ngân hàng… Mặc dù kêu ca vì mức lương của các ngành ấy quá cao so với xã hội, nhưng đa số ai cũng muốn con cái mình theo đuổi ngành học kinh tế- tài chính chứ không muốn tương lai con mình làm kỹ sư nông nghiệp, hay công nhân cơ khí suốt ngày lắm lem dầu mỡ... Từ đó, sinh ra cái gọi là “nghề thời thượng” mà thí sinh đăng ký dự thi đại học theo đuổi hàng năm!

Từ khi thị trường chứng khoán ra đời thì một nghề mới trong ngành tài chính cũng ra đời- broker chứng khoán. Ngay lập tức báo chí chĩa ngòi bút vào thu nhập của giới broker, đặc biệt là vào thời gian chứng khoán sôi động.

Nhiều bài báo được đặt tít giật gân về nghề này: “broker thu nhập hàng trăm triệu”, “broker: nghề hái ra tiền”, “nghề môi giới chứng khoán giúp bạn phất lên nhanh chóng”…

Broker chứng khoán từ vô danh trở thành “nghề thời thượng” sau một thời gian được báo chí PR miễn phí.

Rõ ràng, những broker có thu nhập như vậy không phải là không có. Chỉ có điều, họ là những cá nhân xuất sắc trong nghề, là cá biệt, không thể đại diện cho hàng ngàn người làm nghề trong xã hội. Hơn nữa, thu nhập cao nhưng họ cũng phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thử thách và cạm bẫy trên thị trường chứng khoán, họ phải đánh đổi nhiều thứ chứ không phải “nhàn hạ” mà có thu nhập như vậy. Nhưng khi phản ánh, những bài báo ấy lại chỉ tập trung vào con số “vài trăm triệu” của số ít người với mục đích chính là câu views, chứ không đề cập nhiều đến những giọt mồ hôi, nước mắt phía sau…

Có lẽ cũng từ những bài báo như vậy, mới có hiện tượng thí sinh đua nhau nộp hồ sơ vào chuyên ngành Chứng khoán, đẩy điểm đầu vào cao chót vót. Nhiều nhân viên ngân hàng, bảo hiểm và cả dân kỹ thuật bỏ nghề chính chuyển sang làm broker…

Chỉ đến khi thị trường lao dốc, người ta mới thấu hiểu sự khắc nghiệt của nghề này: Những người trước đó đổi nghề làm broker thì nằm trong danh sách đào thải đầu tiên khi CTCK cắt giảm nhân sự, còn sinh viên Chứng khoán ra trường hai năm qua quá nửa phải làm trái nghề…

Nhưng mặc kệ ai khó khăn cứ khó khăn, nghề nào đang chết cứ chết, chứ báo chí lúc nào cũng có cái mà viết…

Trong năm qua, vào đúng lúc thị trường chứng khoán thê thảm nhất, nền kinh tế lạm phát cao nhất và đời sống dân chúng khó khăn nhất… thì nhiều nghề buôn bán nhỏ lẻ trong xã hội lại được “ giật tít” với thu nhập… hàng chục triệu một tháng. Có thể kể đến như: bán dưa cà muối, bán bún đậu mắm tôm, dán điện thoại, rồi đồng nát, bán giầy vỉa hè, và có cả… hát karaoke dạo…vv. Gần đây, số lần xuất hiện những bài báo kiểu vậy tăng lên chóng mặt…

Bán bún đậu mắm tôm! Liệu có thành “ nghề thời thượng”? ( nguồn ảnh: internet)

Với cách lập luận “ngây thơ” kiểu: theo tiết lộ của 1 người làm trong nghề thì một ngày kiếm được 500 ngàn đến 2,3 triệu, từ đó… nhân lên một tháng 30 ngày(!?) thì cũng đút tút vài chục triệu.

Thế này thì tốt quá, dân lao động tỉnh lẻ đổ xô về thủ đô chẳng mấy mà có biệt thự; giáo viên, giảng viên nên nhanh chóng chuyển nghề sang… bán bún đậu mắm tôm để đỡ phải kêu ca lương nhà nước thấp; giáo sư, nhà khoa học nên chuyển sang nghiên cứu… muối dưa cà cho ngon để tăng thu nhập, còn broker chứng khoán nên đi hát karaoke dạo để đỡ phải đau đầu với biểu đồ, số má, tết lại kêu ca thưởng bèo bọt…

Và tác giả bài viết, cũng chẳng thiết gì giảng đường đại học nữa, ngày mai sẽ vác đồ nghề ra trước cổng Học viện hành nghề dán điện thoại ngay.

Nếu các phóng viên quyết tâm, nỗ lực với nhiều bài viết như vậy hơn nữa, thì chẳng mấy chốc, từ vô danh mấy nghề này sẽ thành “ nghề thời thượng” mau thôi…

… cũng giống như cách họ đã từng làm với broker chứng khoán!

Đoàn Xuân Thạo (Vietstsock)

Finfonet

Các tin tức khác

>   Giao thông và chứng khoán! (29/04/2012)

>   Nhiều dấu hiệu khả quan từ thị trường chứng khoán (28/04/2012)

>   VNA không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (27/04/2012)

>   Nóng đề xuất “kích” giá cổ phiếu (27/04/2012)

>   VNA: Bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 03/05 (27/04/2012)

>   Có thể rung lắc mạnh trong phiên nhưng đà tăng sẽ giữ vững (28/04/2012)

>   Siết dòng tiền, CTCK kêu quá chặt (27/04/2012)

>   Tìm kênh đổ vốn (27/04/2012)

>   Cổ phiếu dưới mệnh giá vào tầm ngắm (27/04/2012)

>   27/04: Bản tin 20 giờ qua (27/04/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật