Giao thông và chứng khoán!
Muốn nghiên cứu về người Việt Nam thì có hai nơi lý tưởng để quan sát: trên đường giao thông và trên… thị trường chứng khoán. Bởi chỉ ở hai nơi này, bản tính con người ta mới bộc lộ rõ nét nhất.
Tham gia giao thông tại Việt Nam là một ác mộng đối với người nước ngoài, không phải vì xe cộ nhiều hay quy hoạch kém, mà là vì độ “chấp nhận rủi ro” của dân ta khá cao.
Dân mình nếu ai chưa từng thì cũng đã chứng kiến nhiều người khác vượt đèn đỏ. Sung sướng gì việc nhanh hơn người khác vài ba giây, lại là lao vào chỗ dòng người qua đường đông đúc, phải luồn lách khổ sở, có lúc bị ăn chửi, có lúc xe bị va đập hay có lúc phải… đi xe ưu tiên vào bệnh viện, nhưng không hiểu sao người ta vẫn vượt và thường xuyên vượt. Nếu bị cảnh sát tuýt còi thì viện dẫn đủ mọi lý do cho hành động phạm luật của mình. Chung quy lại, cũng chỉ vì họ tự tin vào tay lái của mình, nghĩ rằng tai nạn đến với ai chứ chẳng đến lượt mình…
Còn nhiều hành động kiểu tự tin thái quá khác mà ta thường thấy hàng ngày trên đường. Nhỏ thì không đội mũ bảo hiểm, bỏ gương chiếu hậu, chở quá tải…, lớn thì đèo ba, dàn hàng ngang… Nhưng nguy hiểm nhất là thói quen tạt đầu xe ô tô, đặc biệt là xe buýt và … container! Với suy nghĩ ngây thơ “xe lớn phải nhường xe bé”, họ vô tình đưa mạng sống của mình ra đùa giỡn với tử thần. Nói dại, chẳng may cánh tài nhầm chân phanh thành… chân ga thì… ?!
Nhưng ở đời, nào mấy ai nghĩ đến việc rủi ro kiểu chết chóc như thế… nhất là trên thị trường chứng khoán…
Sống chết có số?
Cách đây mấy năm, câu chuyện về những NĐT chơi margin vài trăm phần trăm, hay đi vay bạn bè, người thân, thậm chí cầm cố nhà cửa, đất đai để đổ tiền vào chứng khoán chẳng còn xa lạ. Ai cũng nghĩ giá cố phiếu chỉ lên chứ không bao giờ xuống, sau một đêm là họ có thể thành tỷ phú… Cái khái niệm “ khủng hoảng” nó xa xôi lắm, chẳng ai nghĩ đến chết chóc làm gì khi mà mỗi sáng thức giấc, lại thấy tài khoản tăng thêm vài phần trăm…mà dẫu có khủng hoảng thì ai ai cũng nghĩ rằng: “ Mình sẽ thoát ra sớm… trước thị trường”…
Đâu chỉ riêng những NĐT cá nhân cỏn con, trên TTCK còn vô số tổ chức cũng suy nghĩ ngây thơ kiểu vậy!
Nhiều công ty sản xuất, ngành nghề không liên quan gì đến đầu tư tài chính, cũng háo hức mang tiền đi đầu tư bất động sản, chứng khoán. Họ mờ mắt nghĩ về món lợi nhuận khi trao tay cổ phiếu, chung cư, đất đai… chứ không nghĩ đến có ngày mình bị chính thị trường nó “ thịt”. Bởi đơn giản, họ cũng nghĩ mình có khả năng “ luồn lách được” qua sóng gió và “ đi trước thị trường”…
Thậm chí như công ty chứng khoán với đội ngũ chuyên gia dày dặn kinh nghiệm cũng hay tự huyễn hoặc về khả năng của mình. Nắm trong tay tiền của NĐT (vì không thực hiện tách bạch tài khoản tiền của NĐT và CTCK), thì cứ “mỡ nó rán nó”, dùng tiền ấy mà cho chính NĐT vay margin, công ty chẳng mất gì mà còn hưởng lãi vay chênh lệch. Còn tiền thanh toán giao dịch với Trung tâm hàng ngày thì… CTCK tự tin họ đủ khả năng co kéo và xê dịch được!?
Cái tâm lý, ý nghĩ ấy rất tiếc nó chỉ dừng lại ở… ý nghĩ, chứ không phải bằng những hành động cụ thể để đề phòng. Mà TTCK, nó không phải tài xế container gặp xe máy tạt đầu thì hoảng hốt phanh gấp, nó đã lao dốc là cuốn mọi thứ vào bùn lầy, bất kể lớn nhỏ. Đơn giản, thị trường luôn đúng, nó không biết và không quan tâm đến cái ý nghĩ ngây thơ kia của mọi người trên thị trường…
Hai năm trở lại đây, báo chí đưa tin nhiều về những số phận trên TTCK- khi giá cổ phiếu lao dốc không phanh…
Nhiều NĐT nhỏ lẻ trước kia có “ tư tưởng lớn gặp nhau” thì nay cũng được gặp mặt nhau thật ở trong… viện tâm thần khi không chịu nổi áp lực trả nợ từ gia đình, bạn bè…
Nhiều công ty, đặc biệt là tập đoàn nhà nước thua lỗ nặng nề và mắc kẹt với chứng khoán, bất động sản. Câu chuyện về Tập đoàn Vinashin, tập đoàn Điện lực EVN… vẫn còn tính thời sự. Nó như là vũng bùn lầy, bước vào thì dễ, nhưng rút ra thì khó khăn và nặng nề biết chừng nào…
Và nhiều CTCK, cách đây mấy tháng đã phải đối mặt với tình trạng thiếu tiền thanh toán giao dịch cho NĐT. Ví dụ điển hình nhất là SME…
Bản tính khó dời
Thị trường chứng khoán từ đầu năm đến nay dậy sóng sau một năm lao dốc không phanh. Điểm tích cực nhất của thị trường là thanh khoản được cải thiện, nếu so với năm 2011 (đa phần giao dịch chỉ 500-600 tỷ/phiên) thì nay, con số 2,000-3,000 tỷ/ phiên đã không còn là bất ngờ.
Dòng tiền chảy mạnh vào chứng khoán, đưa giá cổ phiếu từ đáy về với giá trị thực là điều đáng mừng, đặc biệt là những doanh nghiệp làm ăn kinh doanh tốt, chống chọi được với khủng hoảng và trả cổ tức đều đặn cho cổ đông.
Nhưng cũng có những cổ phiếu của các công ty làm ăn bết bát, lỗ lũy kế nhiều năm và đứng trước nguy cơ hủy niêm yết, thậm chí phá sản… cũng tăng, và tăng… ấn tượng hơn rất nhiều blue-chips, lên giá gấp mấy lần so với đáy chỉ trong vài ba tháng. Ví dụ điển hình như APS, ORS, HPC, SDB… Nhiều mã giao dịch rất sôi động, thậm chí có tin xấu đưa ra nhưng vẫn tăng…
Không hiểu NĐT nghĩ gì khi đầu tư vào những mã có nguy cơ “chết chóc” cao như vậy. Phải chăng họ đang cố huyễn hoặc về khả năng “lái sóng”, hay ăn theo đội lái của mình để hưởng những khoản lợi tức khổng lồ một cách chóng vánh?
Trong khi đó, dù TTCK Việt Nam còn non trẻ nhưng không thiếu những bài học xương máu, nhãn tiền đã từng xảy ra, như việc cả đội lái và đám NĐT ăn theo cùng chết khi có thế lực lớn nào đó can thiệp; hay rủi ro mất vốn khi nắm giữ trong tay mớ cổ phiếu giấy lộn như DVD, BBT… trước đây.
Rủi ro trên TTCK cũng như những tai nạn trên đường quốc lộ vậy. Để có một bài học về nó, NĐT phải mất rất nhiều “học phí”, có khi phải đánh đổi cả gia sản, sự nghiệp của mình…Nhưng dường như, cứ mỗi đợt thị trường dậy sóng, ta lại thấy những sự việc từng xảy ra những năm trước được tái hiện.
NĐT nhanh chóng quên đi những vết thương quá khứ giờ còn chưa lành, tiếp tục bước vào con đường trước kia từng dẫn họ đến tình cảnh thê thảm như trong hai năm qua…NĐT không còn đầu tư nữa, mà đang đánh cược với thị trường với ảo tưởng vào khả năng của bản thân.
Như hàng ngày, dù báo đài vẫn nói rát tai về tai nạn giao thông, nhưng trên mỗi tuyến đường, ta vẫn thấy nhiều cảnh … tạt đầu container!
Đoàn Xuân Thạo (Vietstock)
Finfonet
|