Thông tư 226: Vòng kim cô hay sợi dây thun?
Đi sâu vào 6 CTCK thuộc diện kiểm soát đặc biệt, dễ thấy đây là thông điệp mang tính chất cảnh báo mà cơ quan quản lý muốn đưa ra thị trường. Nhưng chỉ cần một NĐT có chút ít kinh nghiệm cũng có thể thấy tính chất cảnh báo từ 6 CTCK thuộc diện kiểm soát đặc biệt là hơi thừa.
Vì 6 CTCK này được xếp vào loại “xác chết” từ lâu. Dám chắc một điều, lâu nay NĐT thông thường gần như không dám đến những CTCK này mở tài khoản, bởi hầu hết 6 CTCK này ít nhiều đều dính phốt.
Như CTCK Trường Sơn vướng vào tranh chấp với khách hàng, CTCK Hà Nội xin rút nghiệp vụ môi giới, CTCK Đà Nẵng, CTCK Cao Su hay CTCK Vina đã “đứng hình” từ lâu. Như vậy, không cần UBCKNN cảnh báo, NĐT cũng có thể biết được.
Có một thực tế là chỉ cần gặp một lãnh đạo của CTCK nào đó ở bên ngoài, hoặc đọc trên báo, cũng có thể nghe và biết được số lượng CTCK đang tê liệt hoạt động lên đến vài chục. Vậy những CTCK “xác chết” và chỉ tiêu an toàn tài chính có “ăn nhập” gì với nhau?
Nếu có, rõ ràng Thông tư 226 chưa sát, vì bỏ sót rất nhiều CTCK khác; nếu không, một lần nữa phải xem lại tác dụng của Thông tư 226 như thế nào.
Đặt tiếp câu hỏi về chỉ tiêu an toàn tài chính, cụ thể là tỷ lệ vốn khả dụng Thông tư 226/2010/TT-BTC đã quy định nhằm mục đích gì? Cách đây chưa lâu, tôi đã đọc bài viết “Vòng kim cô siết lại” đăng trên báo ĐTTC và được biết mối liên hệ giữa chỉ tiêu an toàn tài chính với việc trục lợi tiền của NĐT không chặt chẽ.
Và bằng chứng rất rõ ràng, CTCK SME là trường hợp tiêu biểu cho việc bị mất thanh khoản, gặp khó khăn trong việc thanh toán tiền cho NĐT, lại không nằm trong 6 CTCK rơi vào diện kiểm soát đặc biệt.
Như vậy, chức năng làm hàng rào bảo vệ tiền cho NĐT của Thông tư 226 chưa chặt. Đến đây cũng cần đặt câu hỏi ngoài 6 CTCK rơi vào diện kiểm soát đặc biệt, liệu UBCKNN có dám cam kết những CTCK còn lại đảm bảo an toàn cho nguồn vốn của NĐT hay không?
Cũng theo Thông tư 226, sau khi đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, trong vòng 6 tháng nếu CTCK không khắc phục được và có lỗ gộp vượt mức 50% vốn điều lệ thì bị đình chỉ hoạt động. Khắc phục được hiểu ra sao để “nâng” tỷ lệ vốn khả dụng lên trên 120%?
Vậy nếu CTCK chỉ bị “dính” 1 trong 2 tiêu chí vừa nêu có bị đình chỉ hoạt động hay không? Bởi lẽ, có nhiều CTCK mặc dù không hoạt động, nhưng không phải do thua lỗ, hoặc lỗ rất ít, chủ yếu để chờ đánh sóng, hoặc làm giá CP.
Một vấn đề nữa cũng cần mổ xẻ là sau khi 6 CTCK thuộc diện kiểm soát đặc biệt được nêu lên, những CTCK may mắn thoát nạn sẽ “thở phào” hay tiếp tục lo ngại mình sẽ bị điểm mặt chỉ tên tiếp theo. Chuyện lo ngại hay thở phào sẽ nằm ở mức độ giám sát chặt chẽ, nghiêm cẩn từ phía UBCKNN.
Nếu vượt qua tình trạng kiểm soát đặc biệt trong 6 tháng, CTCK sẽ có tiếp 2 năm để khắc phục tình trạng bị kiểm soát. Và mặc dù Thông tư 226 có yêu cầu CTCK phải báo cáo chặt chẽ trong vòng 2 năm về việc khắc phục của CTCK; nhưng liệu thời hạn 2 năm có quá dài?
Thiết nghĩ, lách được tình trạng kiểm soát đặc biệt không hề khó với một vài CTCK: sau 6 tháng “địa ngục”, còn đến 2 năm để “thong dong” khắc phục. Thiết nghĩ đây là điều rất khó khăn, bởi lẽ mỗi CTCK có một chiến lược kinh doanh khác nhau, chưa kể những lo ngại về việc “vẽ vời” phương án khắc phục rất dễ xuất hiện.
Có thể nói việc chỉ có 6 CTCK thuộc diện kiểm soát đặc biệt được nêu ra là một sự thất vọng đối với các NĐT như chúng tôi. Có thể căn cứ trên sổ sách, báo cáo tài chính và các biện pháp nghiệp vụ, UBCKNN đã làm rất chặt, rất nghiêm, điều này có thể được một số lãnh đạo CTCK chứng thực.
Nhưng cũng chính vì vậy, nó lại cho thấy độ vênh giữa các biện pháp và thực trạng CTCK vẫn còn một khoảng cách rất lớn. Nếu như trước đây, khi Thông tư 226 mới xuất hiện được ví như vòng kim cô sẽ siết nhiều CTCK đang làm nhiễu thị trường, giờ đây khi chỉ có 6 CTCK bị kiểm soát đặc biệt được công bố, nhiều người lại có cảm giác chỉ tiêu an toàn tài chính giống như một sợi dây thun, có thể siết, nhưng cũng có thể co giãn.
Phan Thanh Dũng
sài gòn đầu tư tài chính
|