Thứ Năm, 26/04/2012 08:55

Xu hướng mới trong đầu tư tài chính

Nhiều CTCK, quỹ đầu tư thay vì đầu tư tài chính đơn thuần như trước, đã quyết định tham gia sâu hơn vào DN.

Một xu hướng nổi bật trong mùa ĐHCĐ năm nay là việc nhiều CTCK, quỹ đầu tư thay vì đầu tư tài chính đơn thuần như trước, đã quyết định tham gia sâu hơn vào DN qua việc nắm lượng lớn cổ phần và cử người vào HĐQT DN.

Tay chơi lớn “phất cờ”

Gần đây, tên tuổi của Red River Holding bất ngờ nổi lên, chủ yếu qua sự kiện phủ quyết mọi tờ trình tại ĐHCĐ của CTCP Đá ốp lát cao cấp Vinaconex - Vicostone (VCS). Chưa có phản hồi chính thức từ quỹ đầu tư của Pháp này, nhưng giới quan sát bình luận, đây là hành động mang tính “trả đũa” khi đề nghị trước đó có một ghế trong HĐQT VCS đã không được đáp ứng.

Không chỉ nuôi tham vọng tham gia sâu hơn vào hoạt động của VCS, mùa ĐHCĐ năm nay, Quỹ còn tham gia ứng cử và đạt được mục đích khi có ghế trong HĐQT của CTCP FPT (FPT) và mới đây là CTCP Phát triển nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (HDC).

Tương tự Red River Holding, nhiều quỹ đầu tư nước ngoài khác ồ ạt cử đại diện tham gia ban lãnh đạo tại các DN Việt Nam. Cụ thể, quỹ đầu tư gạo cội Vina Capital tham gia HĐQT mới của CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ); Frontaura Global Frontier Fund có mặt trong HĐQT mới của CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP); sau khi sở hữu 10% cổ phần, Orchid Fund cử một đại diện trong HĐQT mới của FPT, Quỹ đầu tư Oman nắm một ghế trong HĐQT của CTCP PVI…

Các tay chơi lớn nội địa cũng có xu hướng tương tự. Nhiều CTCK đồng loạt tham gia HĐQT DN, thay vì chỉ đầu tư tài chính đơn thuần hay lướt trên từng con sóng ngắn của thị trường. Tại ĐHCĐ của CTCP Kho vận Miền Nam - Sotrans (STG), CTCK Bản Việt đã đề cử thành công đại diện mới vào HĐQT, nắm 2/5 ghế. Sau khi thu hẹp hoạt động môi giới, đẩy mạnh hoạt động đầu tư, CTCK Âu Việt (AVS) trở thành cổ đông lớn của CTCP Xây lắp và địa ốc Vũng Tàu (VRC). AVS liên minh với một số CTCK khác để có số người đại diện chiếm quá bán trong HĐQT và Ban Kiểm soát.

Ông Đoàn Đức Vịnh, Chủ tịch HĐQT AVS cho biết, Công ty đang tập trung mọi nguồn lực tài chính cho hoạt động đầu tư, nhưng hạn chế lướt sóng và với những khoản đầu tư lớn, AVS sẽ tham gia sâu hơn vào hoạt động của DN.

Thực tế cho thấy, thông tin CTCK “cài người” vào HĐQT công ty niêm yết không hiếm gặp trong tài liệu họp ĐHCĐ công bố trước đại hội. Nhưng năng động hơn cả trong số các nhà đầu tư nội địa phải kể đến trường hợp của CTCK Sài Gòn (SSI). Sau khi biến CTCP Thủy sản Hùng Vương (HVG) thành công ty liên kết cuối năm ngoái, đầu năm nay, SSI tiếp tục tăng tỷ lệ sở hữu và cử người vào HĐQT một loạt DN khác như Lafooco, Gilimex, Giống cây trồng trung ương, Chiếu xạ An Phú…

Trong ĐHCĐ mới đây, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT SSI tiết lộ về hướng phát triển mới của SSI trong năm 2012 là nâng con số công ty liên kết lên 13 - 15 công ty, ước mang về cho SSI 500 tỷ đồng. Ông Hưng cho biết, đối tượng ngắm tới của SSI là các DN ngành hàng tiêu dùng, thực phẩm, sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu. SSI đầu tư theo nguyên tắc nắm giữ dài hạn, dựa trên nhân tố cơ bản, không lướt sóng.

Những trở ngại

Tuy nhiên, mọi cái bắt tay liên kết thân thiện không phải bao giờ cũng hứa hẹn cho quả ngọt. Sau cuộc chia tay đình đám của một loạt nhà đầu tư chiến lược cách đây vài tháng, trong cuộc trả lời Báo ĐTCK, lãnh đạo một ngân hàng niêm yết chua chát thừa nhận, nếu được chọn lại đối tác chiến lược sẽ không song hành với các NĐT tài chính. Lý do là trong hoạt động điều hành, Ban điều hành phải chịu sức ép rất nhiều về sự minh bạch và hiệu quả hoạt động. Nhưng vì mục tiêu lợi nhuận, các NĐT tài chính rời bỏ ngân hàng dễ dàng vào lúc nguy khốn nhất.

Tuy nhiên, CEO của quỹ đầu tư nước ngoài đồng hành với ngân hàng nêu trên hàng chục năm lại lý giải khác hẳn. Họ phải chọn giải pháp thoái vốn, vì ngân hàng có hàng chục ngàn cổ đông nhưng cung cách quản lý nhiều năm liền vẫn theo kiểu gia đình và phục vụ cho lợi ích của một nhóm công ty “sân sau”.

“Chúng tôi ra đi vì sự xung đột lợi ích giữa các nhóm cổ đông và khiếm khuyết trong hoạt động quản trị gây thất vọng lớn”, CEO của quỹ đầu tư này phân trần.

Mới đây, một CTCK trở thành cổ đông lớn của một doanh nghiệp hàng tiêu dùng và có ý định tham gia hoạt động điều hành, quản trị DN. Tuy nhiên, dự định này bị dội một gáo nước lạnh khi Chủ tịch HĐQT DN tuyên bố thẳng, “các NĐT tài chính không am hiểu ngành nghề của công ty đang kinh doanh, nên tốt nhất hãy để Ban điều hành hiện nay làm việc”. CTCK nêu trên đã phải tạm dừng ý định, vì thừa nhận nhận xét này có phần… không sai lắm.

Không chỉ bất đồng về các chuẩn mực minh bạch, mà sự khác biệt về quan điểm giữa các nhóm cổ đông lớn cũng khiến nhiều dự định bế tắc. Chẳng hạn, dù hoạt động “lõi” hiện nay chỉ ở mức trung bình, nhưng với lợi thế quỹ đất lớn, STG lọt vào tầm ngắm NĐT tổ chức có khả năng phát triển dự án bất động sản. Một cổ đông lớn của STG vài năm nay nuôi ý định phát huy quỹ đất hiện có, nhưng mọi đề xuất luôn bị phủ quyết từ đại diện của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC - nắm trên 47% vốn).

“Kế hoạch kinh doanh bị áp đặt và kế hoạch tăng vốn bị phủ quyết. Chúng tôi đã nói với đại diện SCIC hoặc thoái vốn để chúng tôi phát triển công ty, hoặc chúng tôi thoái vốn cho họ. Nhưng đề xuất này cũng rơi vào im lặng”, một cổ đông lớn của STG bức xúc nói với ĐTCK bên lề ĐHCĐ mới đây.

Chia sẻ với cổ đông, ông Nguyễn Duy Hưng trong ĐHCĐ của SSI mới đây cũng thừa nhận, việc hợp tác với một số công ty liên kết không phải dễ dàng. “So với chuẩn minh bạch của SSI hiện nay, nhiều công ty mà SSI dự định đầu tư có tính minh bạch ở mức khá thấp và đây là một trở ngại lớn”, ông Hưng nói.

Việc Red River Holding phủ quyết mọi tờ trình tại ĐHCĐ của Vicostone được giới quan sát bình luận là hành động “trả đũa” khi đề nghị trước đó có một ghế trong HĐQT VCS đã không được đáp ứng

Giang Thanh

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   26/04: Bản tin 20 giờ qua (26/04/2012)

>   Tiền tôi ai giữ (25/04/2012)

>   CTCK bị kiểm soát đặc biệt sẽ nhiều hơn con số 6 (25/04/2012)

>   PXA ra khỏi diện cảnh báo từ 25/04 (25/04/2012)

>   Sẽ kiểm tra 20 công ty chứng khoán có ngân hàng đứng sau (25/04/2012)

>   Tiền vào ồ ạt, chứng khoán còn tăng mạnh (25/04/2012)

>   25/04: Bản tin 20 giờ qua (25/04/2012)

>   Tái cơ cấu nền kinh tế, TTCK phải mở đường (24/04/2012)

>   Tháng 5: Nỗi trăn trở trên sàn chứng khoán! (24/04/2012)

>   Hào hứng thái quá: Chứng khoán sẽ có "có biến"? (24/04/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật