Tháng 5: Nỗi trăn trở trên sàn chứng khoán!
TTCK đã tăng ngoạn mục từ Tết đến nay, nhà đầu tư ít nhiều gặt hái được những thành quả nhất định. Tháng Năm, nhà đầu tư sẽ phải đối mặt với nhiều trăn trở khi đứng trước những vận hội của tương lai và thực tế hiện tại.
Vận hội lớn nhất là chính sách siết tiền tệ sẽ được nới lỏng vì mức tăng CPI giảm sâu, thực trạng đình đốn của nến kinh tế ngày càng hiện rõ và đậm nét. Điều này buộc Chính phủ phải giảm lãi suất, mở rộng tín dụng, hỗ trợ tài chính doanh nghiệp…
Vấn đề lớn nhất và cơ bản của vận hội này là viêc chuyến sang nới lỏng tiền tệ nhanh hay chậm, nhiều hay ít, bao giờ thì mặt bằng lãi suất giảm thêm và giảm bao nhiêu, chính sách tài khóa có tham gia nới lỏng tiền tệ hay không?... Nhà đầu tư nắm bắt vận hội này nhằm so sánh với thực tế tại doanh nghiệp (cổ phiếu) mình đang đầu tư, xem doanh nghiệp có cơ hội và có kịp thụ hưởng vận hội hay không?
Chưa bao giờ trên sàn lại có hiện tượng hủy niêm yết nhiều đến thế. Chúng ta phải chứng kiến sự ra đi của nhiều tên tuổi vang bóng một thời như VSP, TRI, VKP, CAD, BAS,…Chẳng những vậy, hàng loạt những doanh nghiệp khác cùng tham gia vào câu lạc bộ xin hủy niêm yết tự nguyện, vào diện kiểm soát và cảnh báo.
Tuy nhiên, nổi trăn trở chung lớn nhất là hiện tượng “bom nổ” tại một số cổ phiếu. Tin xấu rất lớn của doanh nghiệp đến một cách đột ngột và gây thiệt hại trầm trọng cho nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu. SHN “nổ bom” khi lộ diện khoản nợ không thể thu hồi quá lớn, VCG đưa nhà đầu tư từ niềm lạc quan EPS năm trên 1,000 đồng xuống còn hơn 100 đồng.
Hai hiện tượng trên không phổ biến mà hiện tượng “bom nổ” đáng quan tâm đã thể hiện rải rác hiện tại, và sẽ phổ biến nhiều trong tương lai là lúc doanh nghiệp công khai lượng lãi vay khổng lồ, trong đó SBS, CAD, AGC là ví dụ. Do được ưu ái vay nợ, vào cuối quý 1/2012, SBS đã phải trả cả nợ gốc lẫn lãi vay và dành cho nhà đầu tư sự kinh ngạc này bằng khoản lỗ khủng hơn 600 tỷ đồng, đưa SBS chiếm ngôi quán quân về lỗ của ngành chứng khoán với khoảng 1,400 tỷ đồng.
Tuy nhiên, chỉ ít những doanh nghiệp dạng “phi xây dựng, phi bất động sản” mới lộ diện để nhà đầu tư nhận biết như THV, VSP…. Còn lại đa phần để ẩn lãi vay trong tài khoản sản phẩm dỡ dang (đơn vị xây dựng bất động sản) hoặc còn nằm ở khoản lãi chưa thu tại ngân hàng. Mỗi đơn vị vay nợ lớn nhưng chưa thể hiện lãi vay vào chi phí và lãi lỗ trong quyết toán là một quả bom nổ chậm trên sàn.
Cổ phiếu những công ty chứng khoán, niềm kỳ vọng lớn của nhà đầu tư thời gian qua đã tạm có kết quả. Đa phần các công ty đều có lãi trong quý 1/2012 nhưng dừng lại ở những khoản lãi ít ỏi, tượng trưng.
Quý 1, sau khi đã bán ra cổ phiếu tự doanh, hoàn nhập dự phòng giảm giá chứng khoán, các công ty chứng khoán giờ đây không còn tiềm lực lớn nữa, số lãi còm cõi trong quý cũng chỉ giúp giảm một phần bé nhỏ trong số lỗ lũy kế hiện tại.
Số lỗ lũy kế lớn này sẽ rất khó gỡ từ hoạt động môi giới, tư vấn vì mảng kinh doanh này chỉ đủ cân đối tiền lương và chi phí công ty.
Lỗ lớn từ tự doanh thì chỉ bù đắp được bằng lãi lớn từ tự doanh, nhưng nay điều đó là xa vời nên nhiều công ty chứng khoán sẽ hoạt động với khoản lỗ lũy kế đáng kể trong thời gian rất dài. Từ đó, nhà đầu tư không mong đợi sẽ thu được cổ tức từ khoản đầu tư của mình vào đây.
Đây là là nỗi trăn trở của nhà đầu tư khi không so sánh được sự sinh lợi giữa cổ tức và lãi suất ngân hàng.
Trước nỗ lực hỗ trợ thị trường bất động sản thời gian qua của Chính phủ thông qua hạ lãi suất, tháo bớt hạn chế cho vay bất động sản thì thị trường có khởi sắc và mang lại hiệu quả cho nhà đầu tư không? Có lẽ là chưa vì những hỗ trợ chưa đủ lượng mà chỉ giúp về niềm tin là chính.
Thị trường thời gian qua đã đánh lên cổ phiếu bất động sản nhằm đón đầu cơ hội. Nay, khi kết quả kinh doanh quý 1 dần được công bố, dù là muộn màng vì kết quả không khả quan thì một thực tế ai cũng biết là rất ít doanh thu và đương nhiên lợi nhuận nếu có cũng khiêm tốn.
Một câu hỏi cần được các nhà đầu tư đặt ra tại những công ty bất động sản nợ lớn là doanh thu ít, vay nợ nhiều thì tại sao công ty không rơi vào thua lỗ?! Chi phí lãi vay đang nằm ở đâu, bao giờ thì công khai và có khả năng gây ra vụ “nổ bom” với nhà đầu tư hay không?
Giải cứu thị trường bất động sản là điều Chính phủ sẽ thực hiện, tốc độ và quy mô giải cứu là nhận định đầy thú vị với nhà đầu tư vì sau cuộc giải cứu này, có thể những công ty bất động sản không nợ lớn, còn tiền mặt để đầu tư nhà ở phù hợp nhu cầu xã hội (nhà diện tích nhỏ, giá trị thấp), sẽ có vận hội khôi phục và phát triển, thay chân một số doanh nghiệp chìm ngập và quỵ hẵn trong nợ nần.
Khi thị trường khởi sắc, hàng hóa của những công ty bất động sản không vay lớn sẽ được tiêu thụ đầu tiên vì trong giá vốn không có lãi vay, giúp công ty luân chuyển được vốn.
Ngược lai, ở công ty vay nợ lớn, lãi vay đội giá vốn nên giá thành bất động sản cao, không cạnh tranh được và công ty cũng chần chừ không bán hàng bởi lo sợ bán ra sẽ công khai thua lỗ lớn vì lãi vay đã để ẩn trước nay.
Một thực tế đáng quan tâm tại một số doanh nghiệp lớn là thị giá cổ phiếu vẫn ở mức khá cao bất chấp vay nợ lớn. Các doanh nghiệp này vẫn có doanh thu tuy ít ỏi, hay không lỗ hoặc lỗ ít vì lãi vay ngân hàng còn ẩn mặt.
Tháng Năm, nhà đầu tư sẽ có khoảng tĩnh trên thị trường, cùng trăn trở về khả năng đứng dậy, phục hồi và phát triển của doanh nghiệp mình gởi gắm vốn đầu tư.
Thực nghiệm trên thế giới chỉ ra rằng, sau đợt thắt chặt tiền tệ, nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản và biến mất. Để ra quyết định đầu tư phù hợp, với cổ phiếu penny, nhà đầu tư cũng cần tính toán về tương lai của cổ phiếu mình đang nắm giữ, về khả năng tồn tại trong quá khứ và tương lai.
Thị trường hiện nay chưa có sự phân hóa rõ nét về thị giá giữa những cổ phiếu không nợ, ít nợ với những cổ phiếu ngập trong nợ nần cũng như chưa phân hóa rõ nét thị giá cổ phiếu dựa trên EPS.
Nhà đầu tư lạc quan sẽ an tâm trước kết quả kinh doanh ngành ngân hàng trong quý 1, ở đó, chênh lệch lãi suất huy động và cho vay cao được thể hiện. Tuy nhiên, nhà đầu tư nhiều thận trọng sẽ đứng trước câu hỏi: hiệu quả đã thể hiện hết, vậy rủi ro đã thể hiện hết chưa?
Số liệu huy động vốn và tiền mặt là tiền thật vì ngân hàng sẽ thanh toán mọi khoản rút ra của người gởi, trong khi dư nợ đang cho vay vẫn chỉ là cái bóng của đồng tiền, chỉ là tiền thật khi thu đủ nợ.
Thật khó đánh giá là cán cân thị giá cổ phiếu ngân hàng hiện nay có hợp lý hay không. Những ngân hàng có kết quả kinh doanh thấp không hẳn là có giá trị. Biết đâu, đây lại chính là những ngân hàng mạnh dạn công khai, bù đắp rủi ro nợ xấu mà những ngân hàng khác chưa làm được điều này thì sao?
Bên cạnh các khoản nợ xấu từ các vụ DVD, Vinashin, THV, Thủy sản Bình An …, những khoản nợ xấu từ vụ Huyền Như và những công ty khó khăn khác sẽ giúp nhà đầu tư có những thông tin cần thiết trong quyết định của mình.
Trước vận hội lãi suất sẽ giảm, nhà đầu tư nào thận trọng, không sử dụng magin, có sức bền về chờ đợi, không kỳ vọng lớn khi phiêu lưu sẽ nghiên cứu việc đầu tư vào những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ổn định, không vay nợ hoặc bị chiếm dụng nhiều, có cổ tức ổn định và tăng theo thời gian. Đây là những cổ phiếu hưởng lợi do thay đổi cán cân lãi suất – cổ tức và sẽ đứng lên phát triển hơn nữa trong môi trường nới lỏng tiền tệ.
Nguyễn Đình Dũng (Vietstock)
Finfonet
|