Thứ Tư, 25/04/2012 16:24

Tiền tôi ai giữ

Trước việc mất khả năng thanh toán của một số công ty chứng khoán và việc không ít đơn vị đã không thực hiện tách bạch tiền trong tài khoản nhà đầu tư với tiền của công ty, vấn đề về nguy cơ tài khoản của nhà đầu tư bị lạm dụng đã được đặt ra.

Để tránh nguy cơ này, nhiều ý kiến cho rằng cần chuyển quyền quản lý tài khoản tiền gửi thanh toán của nhà đầu tư sang cho ngân hàng. Khi sử dụng tài khoản tách biệt, bất cứ lúc nào nhà đầu tư cũng có thể kiểm tra số dư thông qua sao kê ngân hàng hay các tiện ích như E-Banking, Mobile Banking. Nghĩa là nhà đầu tư sẽ làm chủ được tài khoản của họ.

Theo ông Bùi Việt, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á, điều này là không hợp lý, bởi tại hầu hết các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới, công ty chứng khoán luôn là người quản lý tiền cho nhà đầu tư. Ông cho rằng mô hình phát triển chung nhất của công ty chứng khoán là trở thành định chế tài chính dưới dạng ngân hàng đầu tư. Để đi đến cái đích này, việc quản lý tiền của nhà đầu tư là trách nhiệm đương nhiên của công ty chứng khoán. Nếu tiền của nhà đầu tư chuyển sang cho ngân hàng quản lý thì công ty chứng khoán sẽ mãi là nhà môi giới thuần túy, mãi ở một quy mô nhỏ bé.

Trên thực tế, các thị trường chứng khoán lớn Mỹ, Anh, Nhật, Úc, Hồng Kông đều không yêu cầu việc quản lý tiền của từng nhà đầu tư tại từng tài khoản riêng biệt đứng tên nhà đầu tư ở ngân hàng, mà yêu cầu công ty chứng khoán tách biệt tài khoản tổng giữ tiền của các nhà đầu tư với tài khoản giữ tiền của công ty chứng khoán. Tại Hồng Kông, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch kỳ hạn Hồng Kông (SFC) có quy định trong SFC Rules 2003 rằng khi nhận tiền của khách hàng, công ty môi giới phải gửi vào một hoặc một số tài khoản tổng tách biệt với tài khoản của công ty. Điều tương tự cũng được nêu tại quy định SEC Rule15c3-3 năm 1972 của Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC), hay tại điều khoản CASS 7.4.1 năm 2007 của Cơ quan Quản lý Tài chính Anh (FSA).

Nếu công ty chứng khoán ở những thị trường trên vi phạm quy định về quản lý tiền gửi của nhà đầu tư thì sẽ bị xử lý theo pháp luật của từng nước. Ví dụ, ở Mỹ có Cơ quan Giám sát Ngành tài chính (FINRA). Đây là cơ quan giám sát các hoạt động của công ty chứng khoán để đảm bảo một môi trường đầu tư rõ ràng và minh bạch. Các công ty chứng khoán phải thường xuyên báo cáo tình trạng số dư tiền của nhà đầu tư và tình trạng cân đối tiền. FINRA có quyền yêu cầu một số công ty báo cáo hằng tuần. Nếu công ty chứng khoán để xảy ra thiếu hụt tiền của nhà đầu tư mà không khắc phục được ngay thì sẽ bị rút giấy phép.

Điều các nhà đầu tư quan tâm là nếu xảy ra tình trạng trên, ai sẽ là người bảo vệ cho họ. Về vấn đề này, mỗi nước đều có những luật lệ và cơ quan thực thi riêng. Tại Mỹ, có Đạo luật Bảo vệ Nhà đầu tư Chứng khoán (SIPA) và có một số tổ chức phi lợi nhuận thực hiện vai trò bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư như SIPC.

Ở Anh thì có Đạo luật Thị trường và Dịch vụ Tài chính năm 2000, quy định việc bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư và có Đề án Bồi thường Dịch vụ Tài chính (FSCS) để hỗ trợ khách hàng của các tổ chức tài chính (bao gồm cả công ty chứng khoán) khi các tổ chức này mất khả năng thanh toán. Còn ở Hồng Kông, có Công ty Bồi thường Nhà đầu tư (ICC), trực thuộc SFC. Công ty này quản lý Quỹ Bồi thường Nhà đầu tư (ICF) nhằm hỗ trợ nhà đầu tư khi công ty môi giới làm mất tiền hoặc phá sản.

Trong trường hợp của Việt Nam, để giữ an toàn tiền gửi của nhà đầu tư, nhiều ý kiến cho rằng một giải pháp khả dĩ là để nhà đầu tư mở tài khoản tiền tại ngân hàng và đồng thời mở tài khoản chứng khoán ở công ty chứng khoán. Hoạt động giao dịch mua bán chứng khoán sẽ được thực hiện qua một hệ thống kết nối giữa ngân hàng và công ty chứng khoán.

Tuy nhiên, theo ông Việt, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á, việc một số công ty chứng khoán

chậm thanh toán tiền cho nhà đầu tư hoặc mất khả năng thanh toán là vì họ làm sai quy định, chứ không phải lỗi do cơ chế. Do đó, không thể vì ngăn chặn sai phạm tại một vài công ty chứng khoán mà phải thay đổi cơ chế, đi ngược lại xu thế phát triển chung của thế giới.

Mai Thư

nhịp cầu đầu tư

Các tin tức khác

>   CTCK bị kiểm soát đặc biệt sẽ nhiều hơn con số 6 (25/04/2012)

>   PXA ra khỏi diện cảnh báo từ 25/04 (25/04/2012)

>   Sẽ kiểm tra 20 công ty chứng khoán có ngân hàng đứng sau (25/04/2012)

>   Tiền vào ồ ạt, chứng khoán còn tăng mạnh (25/04/2012)

>   25/04: Bản tin 20 giờ qua (25/04/2012)

>   Tái cơ cấu nền kinh tế, TTCK phải mở đường (24/04/2012)

>   Tháng 5: Nỗi trăn trở trên sàn chứng khoán! (24/04/2012)

>   Hào hứng thái quá: Chứng khoán sẽ có "có biến"? (24/04/2012)

>   24/04: Bản tin 20 giờ qua (24/04/2012)

>   Vinacapital công bố danh mục đầu tư tháng 3/2012 (23/04/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật