Thứ Tư, 11/04/2012 11:37

Mua tạm trữ đường để làm gì?

Mua tạm trữ một số mặt hàng nông nghiệp vào thời điểm thu hoạch rộ là chính sách của Nhà nước để hỗ trợ cho nông dân. Tuy nhiên, đề xuất mua đường tạm trữ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dường như không phải muốn hướng đến đối tượng cần trợ giúp này.

Tuần trước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã gửi công văn lên Thủ tướng Chính phủ đề nghị cấp vốn cho các doanh nghiệp sản xuất đường để mua tạm trữ 200.000 tấn đường trong ba tháng theo giá 16.000 đồng/ki lô gam. Tổng số vốn cần khoảng 3.200 tỉ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất. Đây là “một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và theo bộ, lý do phải đưa ra giải pháp này là do doanh nghiệp phải vay vốn lưu động với lãi suất cao, nên việc lưu thông đường thông qua các công ty thương mại gần như không thực hiện được.

Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là mua tạm trữ đường để làm gì?

Thứ nhất, mua tạm trữ đường rất khác với các sản phẩm khác, như lúa gạo, cà phê... khi người bán là nông dân, còn người mua là các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Người nông dân không sản xuất đường, mà chỉ làm ra mía. Nếu chủ trương mua tạm trữ đường được thực hiện, thì người bán sẽ là các doanh nghiệp sản xuất đường và người mua cũng chính là những doanh nghiệp này. Như vậy, chương trình mua tạm trữ cũng không làm cho mức cầu của thị trường tăng lên, cũng chẳng giúp cho tổng lượng đường tồn kho của cả nước giảm đi. Và dù có bán cho chương trình tạm trữ, thì đường vẫn nằm yên trong kho của các nhà sản xuất.

Thứ hai, nói mua tạm trữ đường để hỗ trợ giá cho người trồng mía thì cũng không phải. Chúng ta nên biết rằng, hiện vụ mía 2011-2012 đã vào giai đoạn cuối vụ và sẽ kết thúc trong khoảng từ giữa tháng 4 đến đầu tháng 5-2012. Đến thời điểm này, nông dân đã thu hoạch và bán gần hết mía. Vì vậy, nếu đặt vấn đề hỗ trợ giá mía cho nông dân, thì chương trình tạm trữ phải được thực hiện từ cách nay hơn một tháng, thời điểm mía được thu hoạch rộ, chứ không thể để đến bây giờ mới đề xuất.

Có thể nói, đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mua tạm trữ 200.000 tấn đường thực chất là cho các doanh nghiệp mía đường vay không lãi suất 3.200 tỉ đồng. Hiện nay, hầu như không ngành nào mà không phải vật lộn với sản phẩm bị tồn kho và cũng không có nhiều doanh nghiệp thoát được sức ép lãi vay ngân hàng đang đè nặng trên vai. Nhiều ngành thậm chí còn khó khăn hơn gấp bội so với mía đường. Ít ra, cho đến nay trong tổng số 38 doanh nghiệp mía đường, chưa có đơn vị nào khó khăn đến mức phải phá sản. Vì vậy, đề xuất mua đường tạm trữ, mà thực chất là cho vay vốn không lãi suất, là không hợp lý và cũng thiếu công bằng so với rất nhiều doanh nghiệp ở các ngành khác. Đó là chưa nói đến yếu tố tồn kho của ngành đường phần lớn là tồn kho thời vụ.

Vấn đề cần giúp doanh nghiệp mía đường hiện nay chưa phải là mua tạm trữ, mà ở mối lo cung vượt cầu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng lượng đường sản xuất trong niên vụ 2011-2012, cộng với tồn kho từ vụ trước chuyển sang, sẽ thừa khoảng 70.000 tấn so với nhu cầu thị trường trong nước. Do vậy, cái cần giải quyết là ở 70.000 tấn đường dự kiến sẽ dư thừa này.

Cũng cần phải nói thêm, mức tồn kho 366.000 tấn mà các doanh nghiệp ngành mía đường công bố không phải là con số bất thường và vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với mức tồn kho gần 420.000 tấn vào giữa tháng 3 năm ngoái.

Một thông tin đáng chú ý khác là tình hình tiêu thụ sản phẩm của ngành mía đường những tháng đầu năm nay tốt hơn rất nhiều so với năm ngoái. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số tồn kho của ngành sản xuất đường tính đến đầu tháng 3-2012 giảm đến 21,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi rất nhiều ngành, như chế biến rau quả, phân bón, sắt thép, xi măng, ngành đúc có mức tồn kho tăng vọt, từ gần 60% cho đến gần 90%. Tại sao không đề xuất giải quyết khó khăn cho những ngành này, mà lại là mía đường?

Đức Hoàng

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Sản lượng cao su toàn cầu giảm nhẹ (11/04/2012)

>   Giá đậu tương toàn cầu cao nhất 7 tháng qua (10/04/2012)

>   Giá cà phê Ấn Độ có khả năng tăng do nhu cầu xuất khẩu (10/04/2012)

>   Lúa gạo: Giá tăng, thương lái than lỗ (10/04/2012)

>   Thị trường xuất khẩu gạo đang có dấu hiệu tích cực (09/04/2012)

>   Dự báo giá dừa sẽ tăng trở lại (09/04/2012)

>   Mua tạm trữ không “cứu” được giá lúa (09/04/2012)

>   Các nhà rang xay Indonesia có thể mua cà phê Việt Nam (06/04/2012)

>   Dự báo giá tiêu giảm xuống 6.000 đô la/tấn (05/04/2012)

>   Cà phê giảm giá, cacao ở mức thấp nhất 3 tháng (05/04/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật