Thứ Hai, 09/04/2012 06:21

Mua tạm trữ không “cứu” được giá lúa

Đến tuần đầu tháng 4.2012, các doanh nghiệp thành viên hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã mua đạt khoảng 60% chỉ tiêu trong tổng số 1 triệu tấn gạo tạm trữ. Chương trình tạm trữ 1 triệu tấn gạo nhằm giữ và nâng giá lúa gạo khi vào vụ thu hoạch rộ. Tuy nhiên, thực tế giá lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long lại giảm trong khoảng thời gian mua tạm trữ.

Ông Lý Khoa, chủ doanh nghiệp tư nhân xay xát và chế biến gạo ở Sóc Trăng cho biết, hiện các doanh nghiệp lúa gạo không dám mua lúa phẩm cấp thấp IR 50404. Lúa dài – nguyên liệu sản xuất gạo 5% tấm, hiện giá cũng chỉ 5.000 đồng/kg. Mức giá này thấp hơn 200 – 300 đồng/kg so thời điểm đầu tháng 4. Theo ông Khoa, tâm lý chung các doanh nghiệp tư nhân cung ứng gạo nguyên liệu cho các đơn vị xuất khẩu là rất dè dặt, không dám mở kho mua lúa ở những thời điểm giá lúa cao hồi đầu năm (khoảng 6.000 đồng/kg). Đến khi giá lúa xuống mức 5.400 đồng/kg, các doanh nghiệp mới bắt đầu mua và dự trữ. Tuy nhiên lượng lưu kho ngày càng lớn, trong khi đầu ra gặp khó khăn. “Chính vì vậy khi giá lúa giảm xuống mức như hiện tại, thậm chí thấp hơn nữa, dù có muốn mua thêm doanh nghiệp cũng đã hết vốn và lúa gạo đầy kho”, ông Lý Khoa nói.

Tại Cần Thơ, ông Hồ Minh Khải, giám đốc công ty TNHH một thành viên nông nghiệp Cờ Đỏ – COAGRICO (Cần Thơ), cho biết, tới thời điểm này đơn vị gần như đã hoàn thành chỉ tiêu mua tạm trữ 8.000 tấn gạo. Tuy nhiên, theo ông Khải, các quốc gia xuất khẩu gạo như Ấn Độ, Pakistan… đang hạ thấp giá bán loại gạo 25% tấm để cạnh tranh và giành giật thị trường châu Phi. Mặt khác, năm nay các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam rất ngại mua các loại lúa, gạo nguyên liệu phẩm cấp thấp. Điều này khiến nông dân khó bán lúa. Thương lái Út Phương ở Đồng Tháp than phiền: “Hầu hết các doanh nghiệp hiện đều hạn chế thu mua lúa, gạo nguyên liệu”.

Theo cân đối của VFA, kết thúc vụ sản xuất lúa đông xuân này sẽ có thêm khoảng 3,5 triệu tấn gạo phục vụ cho xuất khẩu (tương đương khoảng 7 triệu tấn lúa). Như vậy, sau khi kết thúc đợt thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo, còn khoảng 5 triệu tấn lúa nông dân buộc phải trữ lại, chưa biết sẽ về đâu (?). Trước tình trạng trên, có ý kiến cho rằng việc mua tạm trữ về thực chất không khác hoạt động mua bán bình thường. Nó không mang lại nhiều lợi ích cho nông dân, nhưng doanh nghiệp lại tận dụng được nguồn vốn vay rẻ nhờ lãi suất ưu đãi.

Ngọc Tùng

Sài Gòn Tiếp thị

Các tin tức khác

>   Các nhà rang xay Indonesia có thể mua cà phê Việt Nam (06/04/2012)

>   Dự báo giá tiêu giảm xuống 6.000 đô la/tấn (05/04/2012)

>   Cà phê giảm giá, cacao ở mức thấp nhất 3 tháng (05/04/2012)

>   ĐBSCL: Lúa gạo lại giảm giá (05/04/2012)

>   Thu phí xuất khẩu cà phê: Doanh nghiệp chưa thông (05/04/2012)

>   Nông sản chờ diễn biến thị trường (04/04/2012)

>   Giao dịch hàng hóa trầm lắng (04/04/2012)

>   Thông tin thị trường cà phê thế giới ngày 3/4 (04/04/2012)

>   Giá cà phê tăng, cacao, đường giảm (04/04/2012)

>   Khó đầu ra, nông dân nản với sản xuất nông sản GAP (03/04/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật