Nông sản chờ diễn biến thị trường
Mặc dù trong quí 1-2012 nhiều mặt hàng như thủy sản, điều, gạo… gặp khó khăn về đầu ra nhưng các hiệp hội cho rằng họ vẫn giữ chỉ tiêu xuất khẩu cho cả năm như dự kiến ban đầu và muốn theo dõi sát thêm về diễn biến từ thị trường.
Chờ thông tin về lãi suất, thị trường
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), nhiều khả năng mục tiêu xuất khẩu 6,5 tỉ đô la Mỹ của ngành thủy sản khó đạt được. Tuy nhiên, mới chỉ qua 3 tháng đầu năm nên ít nhất phải hết tháng 6 thì Vasep mới có những dự báo chính thức về kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả năm 2012.
“Ngành thủy sản muốn điều chỉnh kim ngạch xuất khẩu ở con số bao nhiêu thì phải hết tháng 6 khi thị trường có những dấu hiệu rõ ràng hơn về lãi suất, nguồn vốn, thông tin thị trường cũng nguồn cung cá tra, tôm từ người dân. Lúc đó, mới có những số liệu để điều chỉnh lại chỉ tiêu xuất khẩu của ngành”, ông Hòe nói.
Ông Hòe cho biết, trong quí 1-2012, những thị trường truyền thống của ngành thủy sản Việt Nam như châu Âu, Mỹ sức mua giảm hơn so với cùng kỳ những năm trước. Vasep cho biết, năm 2011 giá cá tra bán qua Mỹ ở mức 4 đô la Mỹ/kg, nhưng sang năm 2012, giá bán của nhiều doanh nghiệp đã giảm thấp hơn mức giá nói trên.
Giá tôm xuất khẩu cũng có chiều hướng đi xuống như giá cá tra. Ông Hồ Quốc Lực, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta (Fimex VN) cho biết, giá tôm xuất khẩu trung bình sang Nhật năm 2011 ở mức 14 đô la Mỹ/kg nhưng năm 2012 chỉ còn lại 12 đô la Mỹ/kg.
“Nếu doanh nghiệp thủy sản nào muốn đạt doanh thu như năm 2011 thì phải xuất khẩu với số lượng nhiều hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh có khả năng thiếu nguyên liệu chế biến thì doanh thu nhiều doanh nghiệp sẽ khó đạt được nếu so với năm 2011”, ông Lực nói.
Ngành điều cũng đang trong tình cảnh giống khó khăn như ngành thủy sản khi nguồn cung về hạt điều nhân trên thị trường thế giới liên tục giảm và hầu như không có những giao dịch mua bán nào giữa doanh nghiệp điều trong nước với các nhà nhập khẩu từ châu Âu, Mỹ.
Hiện Mỹ là thị trường chiếm hơn 50% lượng điều xuất khẩu của Việt Nam, châu Âu là 35%, còn lại là những thị trường khác. Vì thế, khi hai thị trường Mỹ, châu Âu ngưng mua thì lập tức, doanh nghiệp không dám mua điều thô nên khiến giá điều thô đang ở mức trên 20.000 đồng/kg vào thời điểm đầu năm 2012 giảm xuống còn 17.000 đồng/kg hiện nay. Nhiều khi không có người mua nên nông dân buộc phải đem dự trữ.
Chưa thể dự báo về thị trường
Cả Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas) và Vasep đều cùng chia sẻ nhận định là với những gì đang diễn ra hiện nay doanh nghiệp hầu như không thể dự báo được thị trường trong những tháng tới sẽ như thế nào. “Với tình hình như hiện nay, không một ai dám khẳng định về sức mua của thị trường trong vài tháng tới”, ông Hòe nói.
Giống như Vasep, Tổng thư ký Vinacas Đặng Hoàng Giang cho biết, hiện Vinacas vẫn chưa đưa ra một con số cụ thể cho ngành điều trong năm nay. "Muốn thay đổi chỉ tiêu xuất khẩu của năm nay, ban chấp hành hiệp hội phải họp và dựa trên thông tin thị trường rồi mới có con số cuối cùng”, ông nói.
Theo ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa), lâu nay, thị trường cà phê hay thị trường những mặt hàng nông-lâm-thủy sản khác đều chưa phản ánh đúng quy luật cung cầu. Thường những tin tức về dự báo sản lượng do một tổ chức nào đó đưa ra chủ yếu để phục vụ cho người mua.
Vào cuối năm 2011, một số tổ chức dự báo Việt Nam được mùa cà phê, mức tiêu thụ của thế giới không cao để nhằm hạ giá cà phê Việt Nam bán ra. Với những thông tin đó, nhiều người dự báo giá cá phê của Việt Nam sẽ xuống 1.500 đô la Mỹ/tấn. Nhưng thực tế, chỉ sau một vài tuần giảm thì giá cá phê đã ở mức 2.000 đô la Mỹ/tấn.
“Mức giá này có thể sẽ duy trì trong suốt năm nay, ngành cà phê sẽ đạt mục tiêu 2 tỉ đô la Mỹ”, ông Tự nói. Như vậy, so với ngành điều và thủy sản nhiều khả năng ngành cà phê sẽ không điều chỉnh lại kim ngạch xuất khẩu.
Năm 2011, Việt Nam thu về 3,2 tỉ đô la Mỹ từ xuất khẩu cao su. Trong quí 1-2012, ngành cao su xuất khẩu 223.000 tấn, tăng gần 38% về sản lượng nhưng lại giảm 8% về giá trị nếu so với cùng kỳ 2011.
“Hiện tại, không ai dự báo được diễn biến của thị trường nông sản nên việc thay đổi chỉ tiêu xuất khẩu của ngành cao su lúc này còn sớm bất chấp những dấu hiệu khó khăn về thị trường mà ngành cao su Việt Nam đã trải qua trong quí 1-2012”, bà Trần Thị Thúy Hoa, Tổng thư ký Hiệp hội cao su Việt Nam (VRA) cho hay.
Theo bà Hoa, năm nay, giá cao su sẽ giao động ở mức 3.700 đô la Mỹ/tấn. Kim ngạch xuất khẩu cao su sẽ ở mức 2,7- 3 tỉ đô la Mỹ.
Theo Bộ Công Thương, mặt hàng gạo xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm đạt 1,3 triệu tấn, giá thị thu về là 681 triệu đô la Mỹ, giảm 32% về lượng và 29,5% về giá so với cùng kỳ năm 2011. Tuy nhiên, cũng như mọi năm Hiệp hội lương thực Việt Nam đưa ra mục tiêu xuất khẩu cả năm từ 6,5- 7 triệu tấn gạo chứ không đạt mục tiêu giá trị thu về. Năm 2011 Việt Nam xuất khẩu được 7 triệu tấn gạo, thu về 3,5 tỉ đô la Mỹ.
Năm nay, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 25,5 - 26 tỉ đô la Mỹ. Trong quí 1, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông-lâm-thủy sản đạt 5,9 tỉ đô la Mỹ, gần bằng cùng kỳ năm 2011.
Ngọc Hùng
TBKTSG
|