Thứ Ba, 03/04/2012 06:47

Giá sắn rớt thê thảm

Tỉnh lộ 1 về các huyện Buôn Đôn, Ea Súp (Đắk Lắk) ngang qua những rẫy sắn bạt ngàn, rải rác hai bên đường là những bãi sắn khô đang phơi trắng lóa.

Lao động phần lớn là phụ nữ, trẻ em, từng nhóm nhỏ che bạt cần mẫn xắt sắn củ dưới cái nắng chói chang của mùa khô. Giữa một đống sắn ngồn ngộn, chị H’Len ở buôn Dhung, xã Ea Nuôl, H.Buôn Đôn, không giấu vẻ mệt nhọc: “Nhà chỉ trồng được 5 sào sắn nhưng một mình phải tự nhổ củ, xắt phơi khô, nếu thuê người làm thì tiền bán sắn cũng không đủ trả công”.

H.Buôn Đôn là một trong những địa bàn phát triển sắn vượt quy hoạch của Đắk Lắk, với diện tích trồng hơn 1.700 ha, so với kế hoạch 600 ha. Những năm trước, vào mùa thu hoạch, các nhà máy sắn đến mua củ tươi tận rẫy nhưng năm nay lượng sắn quá lớn, việc tiêu thụ ỉ ôi nên người dân phải sơ chế, phơi khô mới bán được. Cả tháng nay, anh Y Du Bkrông ở buôn Kô Ea Dung, xã Ea Huar, H.Buôn Đôn, vất vả thuê bà con trong buôn thu hoạch, xắt lát, phơi hơn 50 tấn sắn. Y Du cho biết: “Thấy năm ngoái giá sắn khô 5.000 đồng/kg tôi liền vay tiền trồng 2 ha, gấp hai lần vụ trước. Ai ngờ năm nay giá tụt xuống chỉ còn hơn 2.000 đồng, gắng đợi giá lên thì sợ sắn già, năng suất thấp, đành phải thuê người thu hoạch nhanh”. Y Du nhẩm tính, mỗi héc ta sắn anh phải bỏ chi phí thuê máy cày đất, mua phân bón, thuê công làm cỏ, thu hoạch hết 20 triệu đồng, trong khi thu được hơn 10 tấn sắn khô, với giá bán hiện tại chỉ được 25 triệu đồng. “Coi như thua lỗ nặng vì số tiền trên chưa tính công sức bỏ ra của gia đình gần một năm trồng trọt”, Y Du than.

Ở H.Ea Súp, diện tích sắn vượt trên 4.000 ha, so với vụ trước chỉ 1.500 ha; khá nhiều diện tích rừng đã biến thành rẫy sắn. Ông Nguyễn Đình Toản, Phó chủ tịch UBND H.Ea Súp, đánh giá: “Việc phát triển diện tích sắn tự phát và ồ ạt của người dân đã bất chấp khuyến cáo của chính quyền và ngành nông nghiệp. Ở nhiều xã vùng sâu, giao thông đi lại khó khăn, nông dân bị ép bán sắn với giá thấp hơn nhiều nơi khác. Người trồng sắn không còn lãi như năm trước, thậm chí bị lỗ; có nơi người dân không muốn thu hoạch vì công thuê cao hơn tiền bán sắn”.

Một số thương lái cho biết, không rõ lý do gì hiện nay phía Trung Quốc chậm nhập khẩu mặt hàng này nên thị trường tiêu thụ chật vật, giá đầu mối xuất khẩu giảm buộc giá mua sắn nguyên liệu cũng phải giảm theo.

Theo thống kê của Sở NN-PTNT Đắk Lắk, niên vụ 2011-2012, tỉnh có diện tích sắn khoảng 35.000 ha, tăng hơn 30% so với niên vụ trước, sản lượng sắn tươi ước đạt gần 1 triệu tấn. Phần lớn khối lượng sản phẩm này phụ thuộc thị trường ngoài tỉnh và xuất khẩu do các nhà máy tinh bột sắn trên địa bàn chỉ tiêu thụ hơn 200.000 tấn.

Trung Chuyên

Thanh Niên

Các tin tức khác

>   ICO: Xuất khẩu cà phê thế giới giảm (02/04/2012)

>   Giá gạo, tiêu tăng; điều giảm nhẹ (02/04/2012)

>   Niên vụ cà phê 2011-12: Nửa chặng đường nhìn lại (02/04/2012)

>   Giá cao su xuất khẩu chỉ bằng 50% giá thế giới (01/04/2012)

>   Doanh nghiệp khó mặn mà với đường nội (31/03/2012)

>   Cà phê, đường, cacao cùng giảm (30/03/2012)

>   Vietcombank dành 4.000 tỷ đồng cho vay mua gạo tạm trữ (29/03/2012)

>   Dồn dập hợp đồng xuất khẩu gạo (29/03/2012)

>   Giá cà phê tăng vọt, nông dân vẫn chưa bán (29/03/2012)

>   Doanh nghiệp cà phê nợ lớn do đầu tư dàn trải (28/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật