Doanh nghiệp khó mặn mà với đường nội
Trong lúc hiệp hội Mía đường phản ánh các nhà máy đang chịu lỗ khá nặng, đường ế thừa, thì bộ Công thương lại thông tin các nhà tiêu thụ đã làm đơn xin quota nhập khẩu 268.000 tấn đường.
Các nhà tiêu thụ đường lớn như Vinamilk, Friesland Campina, Coca Cola, Tân Hiệp Phát, Kinh Đô, Vinacafé đã làm đơn xin quota nhập khẩu đường. Ở thời điểm hiện nay, giá đường nội địa cho dù đã giảm, các nhà máy than lỗ, nhưng vẫn còn cao hơn 3.000 – 4.000 đồng/kg so với đường nhập khẩu. Đây là nguyên nhân khiến các nhà tiêu thụ lớn quay lưng lại với đường nội.
Ông Mai Hoài Anh, người phụ trách mua nguyên liệu đường của Vinamilk còn cho biết, không chỉ bán cao hơn mà giá đường nội luôn không ổn định. Vào đầu vụ giá thấp, giữa vụ giá tăng, đến cuối vụ thì tăng đột biến. Mức chênh lệch đầu vụ, cuối vụ thường từ 4.000 – 5.000 đồng/kg. “Trung bình mỗi năm Vinamilk sử dụng 110.000 – 120.000 tấn đường, tỷ lệ tăng trưởng 15 – 20%/năm nhưng chúng tôi rất khó tiếp cận nguồn sản xuất trong nước”, ông Anh bức xúc. Nhiều doanh nghiệp khác như Friesland Campina, Coca Cola, Tân Hiệp Phát, Kinh Đô, Vinacafé, Bibica cũng bức xúc khi cho hay mặc dù đã chấp nhận trả giá đường RE 16.500 đồng, cao hơn 2.000 đồng so với đường ngoại nhưng nhà máy vẫn từ chối vì họ đang chốt giá 18.500 đồng.
Hầu hết nhà máy khẳng định nếu hiện nay hạ giá đường về mức 16.000 đồng/kg, chắc chắn họ sẽ lỗ nặng. Vài năm trở lại đây, ngành đường có sự tăng trưởng vượt bậc về sản lượng, nhưng sản phẩm đường của Việt Nam có giá thành luôn cao hơn so với mặt bằng chung của thế giới từ 15 – 20%. Theo tính toán của bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, bình quân 5 nhân khẩu/hộ sở hữu chưa tới 0,7ha mía. Tỷ lệ này thấp hơn cả trăm lần so với Thái Lan. Diện tích trồng nhỏ, nên không thể áp dụng đồng bộ phương tiện kỹ thuật, dẫn đến năng suất mía tại Việt Nam thấp hơn 10 – 15% so với trung bình thế giới là 70 tấn/ha. Cũng vì sở hữu ít nên để đảm bảo cuộc sống cho người trồng mía, thì lợi nhuận tính trên mỗi ký mía nguyên liệu phải đạt ít nhất 500 – 600 đồng. Mức lợi nhuận này của nông dân Thái Lan chỉ xoay quanh 200 – 300 đồng. Cộng thêm chi phí sản xuất khoảng 500 – 650 đồng/kg, tính ra giá mía để dân sống được phải tương đương 1.000 – 1.200 đồng/kg loại 10 chữ đường. Với cách tính tỷ lệ thu hồi ở mức 11kg mía cho 1kg đường, nhân 3.000 đồng chi phí chế biến, giá thành đường nội địa đã ngang bằng giá bán đường ngoại nhập.
Nói như vậy không có nghĩa các nhà máy đường hết cách tiết giảm giá thành. Nếu Nhà nước để các nhà máy đường tự bơi, cạnh tranh bằng chính năng lực bằng việc dỡ bỏ hạn ngạch, dỡ bỏ thuế nhập khẩu, thì lúc đó các nhà máy buộc phải thay đổi từ việc đầu tư vùng nguyên liệu, tăng năng suất mía, tăng tỷ lệ thu hồi đường, đến tổ chức lại khâu phân phối.
Đường là nguyên liệu cho một số ngành sản xuất khác nên việc bảo hộ đường còn làm đội giá thành các ngành khác do phải dùng nguyên liệu giá cao.
Hoàng Bảy
Sài Gòn Tiếp thị
|