Lưỡi rìu của tiều phu!
Hóa ra, có rìu trong tay, mà cứ hăm hở chặt chém, không lo nghĩ ngợi, mài dũa thì cái lưỡi rìu ấy có cũng… phí thật!
Ơ! Thế này thì oan quá. Mình vốn chẳng tội tình gì mà vừa rồi có người viết báo, đặt tít mắng rằng: “Tại thằng họ phí”, có ý đổ lên đầu trách nhiệm về chuyện cơm không lành, canh không ngọt giữa ngành giao thông và dư luận xã hội thời gian qua…
Khổ quá, cũng bởi vì mang cái họ nhạy cảm, trùng với câu chuyện nóng đương thời là thu phí giao thông. Nhưng xưa nay, người ta chỉ lựa chọn được những vật ngoại thân, cái xe cái cộ, cái nhà cái cửa. Ai chọn được họ để mà sinh ra??? Mà ngay cả chuyện xe cộ, bây giờ muốn chọn, muốn mua cũng phải ngó trước ngó sau chứ chả đùa. Khối bác bốn bánh đang cuống cuồng tính chuyện đẩy xe đi vì sợ… cái họ của mình!
Mà kể cũng lạ, cùng là chuyện phí, trong khi nhà bác Keangnam giận dỗi trả lại quyền thu phí chung cư cho chính quyền, thì xem ra món phí đường bộ vẫn được ngành giao thông quyết giữ đến cùng. Mà cả hai bảo đều bảo phí ấy thấp lắm, dân còn chịu được. Bác tư lệnh ngành giao thông còn hồ hởi, “việc đóng phí thể hiện sự yêu nước nên người dân phải thấy hạnh phúc và tự hào”.
Mình chả có ô tô nên có muốn “hạnh phúc và tự hào” cũng chẳng ai cho. Nhưng lạ cái là thiên hạ mấy hôm nay cũng có vẻ không muốn… tự hào lắm. Người bàn vào cũng máu lửa, kẻ tán ra lại càng nhiệt huyết hơn. Đúng với phong cách… quyết liệt, máu lửa với rất nhiều động từ mạnh như “Trảm tướng…”, Cấm chơi…”… vân vân và vân vân… của bác trưởng ngành!
Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại. Ngành giao thông cũng bởi sự nhiệt tình, lo cho chuyện tắc đường, kẹt xe mà mãi chưa có cách gì khả dĩ. Thế là, ví lép thì đừng có ra đường. Chỉ có điều, như người mới tập lái xe mà đã mát tay ga thì dễ chào gốc xà cừ, hôn anh cột điện. Cái chuyện thu phí cũng phải đi chậm chậm, từng bước làm quen. Kiểu như ném con ếch vào nồi nước nóng, kiểu gì nó chả giãy dụa nhảy ra. Phải đun nóng từ từ, con ếch thấy ấm dần dần, ấm dần…, mới xuôi chứ nhỉ!
Nhưng mọi người thì sửng sốt, giãy dụa, chứ mình thấy mấy loại phí mới dự định áp cũng chẳng lạ lùng gì. Nhớ cách đây mươi năm, ngành giao thông còn có một loại phí là phí (để được) đi vào đường cấm cơ mà. Chưa kể, người ngoài ngành cũng tham gia đề xuất, kiểu như “Phí được quyền mua ô tô, xe máy” của các bác VAFI năm nào. Mình đồ rằng, đề xuất này vụt hiện ra trong óc khi người chắp bút lọt thỏm giữa đám tắc đường nắng như đổ lửa. Vốn không chuyên ngành giao thông, nhưng trước cảnh đường xá… “tắc kinh niên”, bác Tổng thư ký VAFI đã đoán định rằng, “ngành giao thông đã không còn cách nào khác, bị dồn đến chân tường rồi. Nếu không đưa ra đề xuất thu phí quyền mua ô tô, xe máy, tôi tin rằng chẳng bao lâu nữa, người dân có đủ tiền mua ô tô thì cũng không có đường mà đi”.
Dù không được áp dụng, nhưng đề xuất này của VAFI quả có tính dự đoán cao khi cho rằng, ngành giao thông đã ở chân tường và ô tô mua về rất dễ đắp chiếu. Cứ xem hoàn cảnh các bác sở hữu ô tô bây giờ thì biết. Còn cái việc “chân tường” thì… he he… nhạy cảm lắm.
Phát huy tinh thần ấy, VAFI vừa có công văn đề xuất cách cổ phần hóa tất tần tật DNNN chỉ trong một tháng mà không cần Ban cổ phần hóa, không cần kiểm kê định giá, không cần IPO... Cách làm quá đơn giản: những DNNN còn lại cứ cổ phần hóa trên giấy với 3 pháp nhân. Công đoàn nắm 1 cổ, tổ chức Đảng nắm 1 cổ, còn lại Nhà nước sở hữu tất. Chỉ bằng 1 tờ quyết định!
VAFI bảo rằng, nếu làm vậy thì lợi đủ đường. Tiền thu về từ cổ tức cả tỷ đô mà lại được tiếng là đã chuyển đổi hoàn toàn. Nếu mình nhớ không nhầm thì từ khi khởi sự đến nay, chưa năm nào kế hoạch cổ phần hóa thành công… Làm như đề xuất trên thì có khi chỉ một ngày là xong, chứ đâu cần 1 tháng. Tức là quá nhanh, mà lại dễ…
Mình vốn dân chứng khoán cò con, nhưng cũng có cái đức thích nhanh nhảu. Chỉ có điều, hôm trước đọc được mẩu chuyện “Cái rìu của tiều phu” mà cứ ngẫm nghĩ mãi. Chuyện rằng, có một anh tiều phu rất khỏe đến xin việc ở chỗ của một tay buôn gỗ. Lương lậu khá khẩm, cơm rượu tử tế nên tiều phu ta… máu lửa lắm.
Ông chủ đưa cho anh chàng tiều phu một cái rìu và chỉ cho anh khu vực làm việc. Ngày đầu tiên, anh chàng mang về được 18 cây gỗ.
“Xin chúc mừng! Cứ thế phát huy nhé!”, người buôn gỗ vui vẻ.
Lời của ông chủ như một lời khích lệ đến chàng tiều phu, anh thậm chí còn làm việc chăm chỉ hơn vào ngày hôm sau, nhưng chỉ mang về được 15 cây gỗ. Ngày thứ ba, anh càng cố gắng hơn nữa, nhưng cũng chỉ mang về được có 10 cây. Càng ngày anh càng mang về ít hơn.
“Có lẽ mình đã bị yếu đi rồi!”, anh chàng tiều phu nghĩ. Anh đã đến chỗ ông chủ để xin lỗi và nói rằng anh không hiểu có chuyện gì đang xảy ra.
Người thương gia liền hỏi: “Lần cuối cùng anh mài chiếc rìu của mình là bao giờ?”.
“Mài rìu ư? Tôi không có thời gian để làm việc đó, vì lúc nào cũng bận rộn chặt cây…”.
Hóa ra, có rìu trong tay, mà cứ hăm hở chặt chém, không lo nghĩ ngợi, mài dũa thì cái lưỡi rìu ấy có cũng… phí thật!
Phí Trọng Hiếu
đầu tư chứng khoán
|