Thứ Hai, 09/04/2012 10:05

Liều thuốc tổng lực cho chứng khoán

Liều thuốc tổng lực cho thị trường chứng khoán đang bắt đầu phát tác. Đã có thể thấy trước là ngay trong tháng 6/2012, chỉ số HNX sẽ tiến đến mức tối thiểu 95 điểm. Tuy vậy, mức kỳ vọng ở trên cao nữa - 110 hay 120 điểm, có vẻ sẽ khó để HNX với tới.

Logic của các văn bản

Liều thuốc tổng lực cho thị trường chứng khoán đang bắt đầu phát tác.

Ngay sau động thái của Chính phủ ban hành nghị định số 24 về quản lý và kinh doanh vàng, Ngân hàng nhà nước đã thực hiện một động thái khác rất đáng chú ý khi đưa ra bản dự thảo một thông tư liên quan đến các khoản cho vay của ngân hàng đối với hai lĩnh vực “không khuyến khích” là chứng khoán và bất động sản. 

Theo dự thảo trên, hệ số rủi ro với các khoản vay bất động sản và chứng khoán sẽ được hạ từ 250% xuống 150%, đồng thời nâng tỷ lệ cho vay trên vốn huy động của các ngân hàng từ 80% lên 95% và công ty tài chính từ 85% lên 100%.

Vào năm ngoái, cũng với hệ số rủi ro đã được NHNN “siết” theo chiều ngược lại: từ 150% lên 250%. Tín dụng bị thắt chặt đã khiến cho trừ vài ngân hàng đơn lẻ như ACB hay An Bình (ABBank), còn lại hầu hết các tổ chức tín dụng khác đều “đóng cửa” vô thời hạn với việc cho vay chứng khoán và bất động sản.

Như vậy, về mặt quy phạm văn bản hành chính, đã rõ là có một logic được tiến hành tuần tự từ cuối năm 2011 đến nay theo hướng nới dần tín dụng. Nếu vào giữa tháng 11/2011, công văn số 8844 của NHNN chỉ mới giải tỏa cho 4 nhóm bất động sản khỏi khu vực phi sản xuất và do đó tạo lối thoát tạm thời cho các ngân hàng - chủ nợ cũng như cho các con nợ là doanh nghiệp bất động sản, thì đúng 3 tháng sau đó - ngày 13/2, công văn số 674 cũng của NHNN đã lần đầu tiên khẳng định “không cấm cho vay” đối với các tổ chức tín dụng, khi quy định tỷ lệ cho vay tối đa 16% đối với chứng khoán và bất động sản. “Tất nhiên” hai lĩnh vực này vẫn được xếp vào loại “không khuyến khích” trong công văn 674.

Còn giờ đây, hành lang pháp lý cho vay chứng khoán và bất động sản đang được “hợp thức hóa” một cách rõ ràng hơn nhiều. Với tinh thần dự thảo của thông tư mới của NHNN dự kiến sẽ chính thức có giá trị đối với hai thị trường từ ngày 1/6/2012, luồng vốn dành cho chứng khoán và bất động sản đang được khai thông. Nếu không có những thay đổi đột biến từ chính sách đối với chứng khoán, từ đây đến cuối năm lượng margin sẽ được tái tạo và sẽ tái hiện trên thị trường. Vấn đề còn lại chỉ là thái độ mở hầu bao của từng ngân hàng là như thế nào mà thôi.

Những hoạt động khá gấp rút của NHNN về chỉ đạo hạ lãi suất và cho vay từ đầu tháng 3/2012, đặc biệt là từ đầu tháng 4/2012 đến nay cũng đang làm dấy lên dư luận về khả năng nới lỏng tín dụng lần đầu tiên sau nhiều tháng trời bị siết quá chặt. Và đó cũng là kết quả phải xảy ra khi TTCK đã có phản ứng trước từ đầu năm 2012, để đến nay đã tăng được gần 40%.

HNX sẽ đạt tối thiểu 95 điểm

Nhìn về phía trước, dĩ nhiên chứng khoán còn là một con đường khá chông gai. Tuy nhiên, có lẽ những gì chông chênh nhất đã rớt lại phía sau. Một khi tín dụng được giải tỏa phần nào, nhà đầu tư tổ chức và nhỏ lẻ có thể tạm yên tâm bỏ vốn vào TTCK, ít ra cũng trong ngắn hạn.

Như những gì đã trình bày trong những bài nhận định gần đây, người viết vẫn cho rằng thị trường đang trong quá trình phục hồi trung hạn. Nếu như con sóng tăng từ đầu năm đến cuối tháng Hai vẫn chưa chứng tỏ nhiều về khả năng phục hồi bền vững của hai chỉ số chứng khoán do điều kiện thắt chặt tín dụng vẫn còn nguyên vẹn, thì một lần hạ lãi suất huy động chính thức vào giữa tháng Ba và mới đây là khả năng hạ tiếp lãi suất vào đầu tháng Tư đã khiến cho cục diện thay đổi cơ bản. Tình hình này cũng gần giống như giai đoạn quý 2/2009 khi lãi suất huy động và cho vay được giảm dần, kéo theo sự bùng nổ của TTCK và cả một phần thị trường bất động sản.

Tuy nhiên, kỳ vọng về mức hạ lãi suất mạnh hơn có vẻ khó xảy ra. Năm 2012 này, vì không có được gói kích cầu nào như năm 2009, nên để tương ứng với năm 2009, TTCK cần được bù đắp bằng động tác hạ lãi suất dứt khoát hơn, chẳng hạn từ 14% xuống 10-11%. Khi đó, dòng tiền từ kênh tiết kiệm sẽ chảy vào chứng khoán một cách quyết đoán hơn.

Song với mức lãi suất chỉ dự kiến giảm 2% trong nửa đầu năm 2012, có thể thấy trước rằng TTCK sẽ không bật mạnh như nhiều nhà đầu tư mong mỏi. Ngay cả nghị định 24 của Chính phủ vừa ban hành vào ngày 5/4/2012 về quản lý kinh doanh vàng, mặc dù có ý nghĩa như “thuốc độc” đối với kênh vàng và trở thành “thuốc bổ” đối với kênh chứng khoán, nhưng chúng ta đều hiểu thị trường sẽ không thể bật mạnh nếu không được kích hoạt bằng dòng tiền chủ lực - tiền từ các tổ chức cầm chịch thị trường.

Yếu tố hỗ trợ tâm lý cho các nhà đầu tư nhỏ hiện nay chỉ còn là động cơ không “đánh xuống” của nhóm tạo lập thị trường. Thời gian từ giữa tháng 3/2012 đến nay là một minh chứng, khi cả hai chỉ số chứng khoán đều “được” giữ vững ngưỡng hỗ trợ bên dưới. Và dù đã tăng đến gần 40% trong sóng phục hồi đầu tiên, chỉ số HNX vẫn đang tiếp tục răng cưa đi lên, cho thấy động lực tái diễn tăng trưởng vẫn còn có ý nghĩa.

Đã có thể thấy trước là ngay trong tháng 6/2012, chỉ số HNX sẽ tiến đến mức tối thiểu 95 điểm. Tuy vậy, mức kỳ vọng ở trên cao nữa - 110 hay 120 điểm, có vẻ sẽ khó để HNX với tới.

Môt yếu tố khác mà các nhà đầu tư chứng khoán cũng phải tính đến là bóng dáng của một kẻ ăn theo chứng khoán - thị trường bất động sản - đang hiện dần ra. Cũng như năm 2009, nhà đất cũng được hưởng lợi về giảm lãi suất và nới lỏng cho vay trong thời gian tới. Cùng với một số chính sách có tính hỗ trợ thị trường này như khả năng Nhà nước bỏ tiền mua lại nhà chung cư, bất động sản sẽ có thể bớt đi cái tư thế cúi gằm mặt của nó.

“Bình thông nhau” giữa chứng khoán và bất động sản cũng vì thế sẽ khởi động trong thời gian tới. Chứng khoán càng tăng cao, độ rủi ro càng lớn, lượng nhà đầu tư chốt lãi càng nhiều hơn. Đến một thời điểm, khi chứng khoán đã tăng được 50-60%, trong khi thực chất giá bất động sản vẫn còn nằm ở vùng đáy, hẳn sẽ có một bộ phận nhà đầu tư chứng khoán tự chọn cho mình con đường không tiếp tục mạo hiểm hơn nữa với cổ phiếu.

Việt Thắng (Vietstock)

Finfonet

Các tin tức khác

>   CTCK - UBCK, VSD và HNX: Cuộc đối thoại thẳng thắn và sòng phẳng (09/04/2012)

>   Siết vàng, kiểm soát NH: Chứng khoán tiếp tục tăng? (09/04/2012)

>   09/04: Bản tin đầu tuần (09/04/2012)

>   Tiếng nói nhà đầu tư: Không có gì hấp dẫn bằng chứng khoán? (08/04/2012)

>   APG, ORS, S27 đồng loạt bị đưa vào diện cảnh báo (08/04/2012)

>   HNM ra khỏi diện cảnh báo từ 09/04 (08/04/2012)

>   Giao dịch buổi chiều góp 30% thanh khoản toàn thị trường (08/04/2012)

>   Lớp nhà đầu tư mới: Kỳ vọng từ sinh viên! (07/04/2012)

>   Sẽ hạ hệ số rủi ro cho vay BĐS và CK từ 250 xuống 150%? (06/04/2012)

>   NVT giải trình giá giảm sàn liên tiếp (06/04/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật