CTCK - UBCK, VSD và HNX: Cuộc đối thoại thẳng thắn và sòng phẳng
Lâu lắm rồi, lãnh đạo cấp cao của khối CTCK mới có cuộc đối thoại thẳng thắn và bình đẳng với UBCK, VSD và HNX.
Những tràng pháo tay đồng loạt vang lên khi Tổng giám đốc Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD), bà Phương Hoàng Lan Hương nói xong vế thứ nhất về giải pháp trước mắt cho phép người mua chứng khoán được bán ngày T+3 thay vì T+4 như hiện nay tại Hội nghị thành viên vừa được Sở GDCK Hà Nội (HNX) tổ chức.
Tuy nhiên, khi bà Hương nói đến vế thứ hai là để nhà đầu tư được bán chứng khoán ngày T+3, điều kiện bắt buộc là CTCK phải hoàn tất việc chuyển tiền cho VSD trước 4h chiều T+2, không khí hội trường có phần trầm xuống khi những lãnh đạo cao nhất của khối CTCK ngay lập tức phải tính toán lợi ích cho mình, cho khách hàng trước khi thống nhất theo phương án mới của VSD...
Lâu lắm rồi, lãnh đạo cấp cao của khối CTCK mới có dịp hội ngộ trong một bầu không khí làm việc vừa cởi mở, vừa thẳng thắn, vừa bình đẳng giữa 4 thành phần quan trọng cấu thành nên thị trường là khối CTCK, UBCK, VSD và HNX.
Chủ tịch UBCK, ông Vũ Bằng khẳng định, thông lệ quốc tế có tới 90% thị trường cho phép CTCK được mở tài khoản tổng để quản lý tiền gửi cho nhà đầu tư và TTCK Việt Nam được định hướng phát triển theo thông lệ này.
Tuy nhiên, trước sức ép từ dư luận, UBCK hiện đưa ra 2 phương án để các thành viên và chính nhà đầu tư lựa chọn. |
Cuộc hội ngộ ban đầu được thiết kế để tổng kết công tác thành viên năm 2011 và bàn kế hoạch triển khai năm 2012 của HNX, nhưng sau đó, đã trở thành một diễn đàn mở để các bên đối thoại về nhiều vấn đề nóng liên quan đến hoạt động của CTCK, như quan điểm xây sản phẩm mới, hiện trạng quản lý rủi ro thanh toán, quan điểm về tái cấu trúc CTCK, tách bạch tiền gửi nhà đầu tư tại ngân hàng, chế tài xử phạt sai phạm và có cần thiết hay không một thái độ kiên quyết với các sai phạm từ UBCK để lập lại trật tự thị trường…
Không gian của đối thoại
Mở đầu cuộc đối thoại, Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng nói rằng, ông rất mừng khi thấy nỗ lực của UBCK, HNX trong việc thúc đẩy TTCK trở nên hấp dẫn hơn, được nhiều người quan tâm hơn, trong đó có việc phát triển sản phẩm mới. Tuy nhiên, việc xây dựng nên một sản phẩm mới, dù là sản phẩm hấp dẫn đến mức nào, nhưng nếu chỉ nhắm vào việc tạo công cụ cho nhà đầu tư lướt sóng là sẽ thất bại.
“Hãy nhìn sang sàn vàng, cơ chế giao dịch trên sàn này chẳng khác gì sòng bạc, do các mối quan hệ trên thị trường không rõ ràng, không minh bạch”, ông Hưng nói.
Theo ông Hưng, nhà quản lý xây sản phẩm gì cũng được, nhưng cần xây dựng trên cơ sở các nhân tố tham gia vào thị trường được đối xử công bằng, minh bạch và được pháp luật bảo vệ. Đối với một sản phẩm tài chính, thiếu tính gì cũng được, nhưng không được thiếu tính thị trường, tức là người mua sản phẩm khi muốn bán phải bán được và sản phẩm phải tạo ra cơ hội sinh lời chính đáng cho những người tham gia.
Kiến nghị với Chủ tịch UBCK, Chủ tịch SSI cho rằng, muốn ngành chứng khoán phát triển mạnh, thị trường cần phải có những CTCK mạnh. Nhà nước không cấp tiền cho các công ty hoạt động thì phải tạo cơ chế cho các công ty được phát triển tốt nhất.
Thời gian qua, UBCK đã nỗ lực để phát triển loại hình công ty này, nhưng nếu cơ chế vẫn bó như hiện nay (CTCK chỉ được thực hiện 4 nghiệp vụ và bị hạn chế về tỷ lệ đầu tư vào các DN) thì loại hình CTCK rất khó tiến bộ thêm được nữa.
“Nếu bị ràng buộc bởi các quy định chặt chẽ, CTCK sẽ không mở rộng đầu tư được, mà khi không đầu tư được thì cũng không huy động vốn để làm gì”, ông Hưng nói. Theo ông Hưng, điều cần nhất với CTCK bây giờ là một khung pháp lý đủ rộng, để hỗ trợ CTCK lành mạnh tiếp tục phát triển. Chỉ khi CTCK phát triển thì TTCK mới phát triển được.
Một vấn đề ít ai nói đến, đó là thái độ ứng xử của cơ quan quản lý trước các vi phạm trên thị trường, ông Hưng cho rằng, tham gia TTCK, trách nhiệm minh bạch, tuân thủ luật pháp là trách nhiệm quan trọng nhất của các thành viên. Tuy nhiên, thực tế là khi DN làm sai thường có tâm lý đến “xin” cơ quan quản lý và điều này gây ra những sự khó xử nhất định.
Theo ông Hưng, TTCK cần một thái độ kiên quyết và nhất quán trong việc xử lý sai phạm, nhất là những sai phạm cố ý, để khẳng định tính công bằng, minh bạch thực sự. “Với tôi, nếu sai, hãy xử, tôi không có ý định đi xin ai hết”, ông Hưng nói.
Cùng chung “mạch” góp ý về sự minh bạch, Tổng giám đốc CTCK Tân Việt (TVSI), ông Nguyễn Văn Dũng cho rằng, để xác lập niềm tin của thị trường, trước hết, các Sở phải nghiêm túc buộc DN công bố thông tin minh bạch, chuẩn mực, đúng thời hạn.
“Chúng ta từng thấy một số DN có tình trạng người đứng đầu công bố thông tin rồi, nhưng sau kiểm toán, con số chênh lệch lại quá lớn. Vậy trách nhiệm của người công bố thông tin ở đâu?”, ông Dũng đặt câu hỏi. Theo ông Dũng, ở nước ngoài, trong những trường hợp như vậy, nhà đầu tư có quyền kiện DN, nhưng ở Việt Nam, nhà đầu tư hình như “đã chịu khổ quen rồi”, nên mức độ phản ứng là rất nhẹ.
Đến từ TP. HCM, ông Bùi Việt, Tổng giám đốc CTCK Ngân hàng Đông Á (DAS) có 2 kiến nghị rất đáng chú ý. Kiến nghị đầu tiên là HNX, UBCK cần làm tốt công tác truyền thông về TTCK, không thể để tình trạng báo chí đưa tin lệch lạc, dùng những từ ngữ thiếu chuyên nghiệp hoặc quá sai lệch, làm lu mờ hết những giá trị mà TTCK đã tạo nên, thậm chí có lúc gây hoang mang trong công chúng.
Ở vai trò nhà quản lý, thông điệp đầu tiên mà Chủ tịch UBCK Vũ Bằng trao đổi với thành viên là “cuộc chơi” cần phải trên tinh thần thượng tôn luật pháp. |
“Nhiều nhà đầu tư tiềm năng, những người có tiền, chưa hiểu rõ vai trò của TTCK, nên rất dè dặt với kênh đầu tư này. Trong khi đó, thực tế là không có cách nào để TTCK phát triển được nếu vai trò của nó không được định rõ trong nền kinh tế”, ông Việt nói.
Tuy là một vấn đề mang tính kỹ thuật, nhưng kiến nghị thứ hai của ông Việt cũng liên quan đến… báo chí. Ông Việt cho rằng, sức ép báo chí vừa qua về việc buộc CTCK phải tách bạch tiền gửi của nhà đầu tư tại ngân hàng là hết sức sai lệch, vì thực tế, đại đa số TTCK lớn trên thế giới thì CTCK luôn thực hiện quản lý tiền cho nhà đầu tư.
Mô hình phát triển chung nhất của CTCK trên thế giới là trở thành định chế tài chính dạng Investment bank (ngân hàng đầu tư) và để đi đến đó, việc quản lý tiền của nhà đầu tư là trách nhiệm đương nhiên của CTCK. Nếu tiền của nhà đầu tư chuyển sang ngân hàng quản lý thì CTCK sẽ mãi mãi là nhà môi giới thuần túy, mãi mãi chỉ ở tầm nhỏ bé.
“Chúng tôi nói điều này có thể báo chí chưa hiểu, chưa nghe, nhưng Sở cần nói, UBCK cần nói để cả xã hội hiểu rõ bản chất của một mô hình. Việc một vài CTCK chậm thanh toán tiền cho nhà đầu tư, làm mất tiền của nhà đầu tư, đó là lỗi của chính họ, không phải lỗi cơ chế. Vì thế, không thể vì ngăn chặn một hiện tượng sai phạm tại một vài CTCK mà chúng ta phải thay đổi cơ chế, đi ngược lại xu thế phát triển chung của một mô hình”, ông Việt nói.
Cũng đến từ TPHCM, ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc HSC cho biết, nhà đầu tư tại HSC có 3 nhu cầu chính, đó là nhu cầu được mua - bán chứng khoán đồng thời; nhu cầu được sử dụng đòn bẩy; nhu cầu được quản lý nhiều loại sản phẩm trong cùng danh mục đầu tư (chứng khoán, vàng, các công cụ trên thị trường tiền tệ…).
Vì thế, một sự thay đổi về chất, từ hệ thống giao dịch, cơ chế lưu ký là xu hướng chung của các TTCK khu vực, TTCK Việt Nam cần đẩy nhanh sự thay đổi này mới đủ sức cạnh tranh trong thu hút vốn.
Thông điệp của nhà quản lý
Ở vai trò nhà quản lý, thông điệp đầu tiên mà Chủ tịch UBCK Vũ Bằng trao đổi với thành viên là “cuộc chơi” cần phải trên tinh thần thượng tôn luật pháp. Nếu như trước đây, có những giai đoạn TTCK thiếu công cụ quản lý, CTCK phát triển quá nóng, để lại hậu quả là những nỗi đau chung cho cả thị trường thì nay, khi các văn bản quy phạm pháp luật để định hướng hoạt động của khối CTCK đã ban hành, yêu cầu đầu tiên với các thành viên là phải tuân thủ, phải làm đúng. Trên tinh thần này, Chủ tịch UBCK khẳng định, không chỉ với khối CTCK, quan điểm của UBCK là sẽ xử lý nghiêm tất cả những hành vi sai phạm, cố tình làm trái trên TTCK Việt Nam.
Về vấn đề tái cấu trúc CTCK, Chủ tịch UBCK nói, UBCK đánh giá cao những nỗ lực của khối CTCK, nhưng cuộc chơi này rất khốc liệt và phải chấp nhận quy luật đào thải. Việc tái cấu trúc CTCK sẽ được thực hiện kiên quyết trên tinh thần luật pháp, sắp tới, UBCK sẽ công bố danh sách những CTCK thuộc diện bị kiểm soát đặc biệt, trên cơ sở báo cáo tài chính của chính các CTCK. “Với những báo cáo có dấu hiệu không chuẩn xác, UBCK sẽ mời công ty kiểm toán vào xem xét lại toàn bộ sức khỏe tài chính của công ty”, Chủ tịch nói.
Việc tách bạch tài khoản tiền gửi của nhà đầu tư tại ngân hàng, ông Vũ Bằng khẳng định, thông lệ quốc tế có tới 90% thị trường cho phép CTCK được mở tài khoản tổng để quản lý tiền gửi cho nhà đầu tư và TTCK Việt Nam được định hướng phát triển theo thông lệ này. Tuy nhiên, trước sức ép từ dư luận, UBCK hiện đưa ra 2 phương án để các thành viên và chính nhà đầu tư lựa chọn. Chủ tịch UBCK cho rằng, không chỉ UBCK, chính các thành viên thị trường cần củng cố uy tín của mình, cần có tiếng nói để bảo vệ một mô hình vận hành theo thông lệ quốc tế của khối CTCK, chứ không nên dồn hết áp lực lên Ủy ban.
Vấn đề cuối cùng và được bàn thảo sôi nổi là các giải pháp tăng thanh khoản. Cùng với những nội dung về sản phẩm mới mà HNX giới thiệu xin ý kiến thành viên thì câu chuyện T+2, T+3 vẫn là thiết thực nhất, sôi nổi nhất trên diễn đàn. Theo Tổng giám đốc VSD, khả năng thực hiện T+2 lúc này là chưa thể được, vì thiếu 2 yếu tố cơ bản.
Thứ nhất là sức khỏe tài chính của các thành viên chưa ổn định (chính CTCK hiểu rõ nhất điều này bởi với chu kỳ thanh toán T+4 như hiện nay, VSD đã nhiều lần phải hỗ trợ CTCK mới đảm bảo thanh khoản cho toàn hệ thống).
Thứ hai, thiếu cơ chế quản lý rủi ro thanh toán khi thành viên thiếu tiền, thiếu chứng khoán. Tuy nhiên, khả năng cho người mua bán chứng khoán ngày T+3 thì VSD có thể thực hiện được, với điều kiện các CTCK phải hoàn tất việc thanh toán tiền mua trước 4h chiều T+2.
“Nếu các thành viên thống nhất, tôi sẽ trình xin ý kiến Chủ tịch UBCK ngay bây giờ phương án để thực hiện”, bà Hương nói.
Ý tưởng của bà Hương mở ra một cơ hội cải thiện bước 1 trong việc giảm chu trình thanh toán, tăng thanh khoản cho thị trường, nhưng câu chuyện chưa được khép lại ngay tại Hội nghị, vì còn cần thêm sự “cân não” của các thành viên.
Tường Vi
đầu tư chứng khoán
|