Thứ Bảy, 07/04/2012 20:00

Lớp nhà đầu tư mới: Kỳ vọng từ sinh viên!

Ra đời được hơn 11 năm, tuy chưa phổ biến như hai kênh đầu tư vàng và bất động sản, nhưng chứng khoán đã tiếp cận gần hơn với dân chúng. Cơ cấu nhà đầu tư cũng mở rộng hơn với nhiều thành phần trong xã hội. Trong đó có cả những bà nội trợ, anh xe ôm, bác nông dân “cổ cồn trắng”… và đặc biệt là tầng lớp còn ngồi trên ghế giảng đường: Sinh viên!

Những chú cừu non…

Sinh viên- những người trẻ, nhiều tham vọng, chấp nhận rủi ro đã nhanh nhạy tìm đến kênh đầu tư chứng khoán. Nhưng dẫn bước chân sinh viên lên sàn, cũng có muôn nẻo con đường…

Nhiều sinh viên đến với sàn chứng khoán vì kỳ vọng làm giàu trong chớp mắt; nhất là vào thời kỳ mà sau một đêm, danh mục tăng thêm vài điểm phần trăm giá trị. Thời ấy báo chí lại có nhiều bài viết mô tả sinh viên sau vài tháng tham gia đặt lệnh đã có trong tay tiền tỷ, thành triệu phú chỉ trong một đêm… Với những đầu óc non nớt, lại hay huyễn hoặc về khả năng của mình thì sinh viên khó cưỡng nổi ma lực từ đồng tiền, nhất là đa phần trong số họ (và chúng ta) đều mong muốn giàu có một cách nhanh chóng mà lại… nhàn hạ. Sinh viên tìm đến chứng khoán bằng con đường này cũng cùng lối tư duy của những người tham gia hội thảo… bán hàng đa cấp.

Lại có những sinh viên lên sàn với mục đích đầu tư cho tương lai. Cái họ cần không phải là những đồng tiền nhảy múa trong danh mục, mà là những kiến thức, kinh nghiệm có được trên sàn chứng khoán. Họ không ham hố đổ nhiều tiền, vay mượn bạn bè hay cay cú ăn thua, mà thậm chí còn vui vẻ khi mất tiền vì coi đó là học phí cho những bài học đắt giá không có trên giảng đường. Trong số này, có nhiều sinh viên chứng khoán - đa phần đều mong muốn trở thành broker trong tương lai- tham gia trải nghiệm trên thị trường, nắm bắt kiến thức, tích lũy kinh nghiệm để phục vụ trực tiếp cho học tập và công việc sau này.

Tuy tiếp cận chứng khoán từ những góc độ khác nhau, nhưng những sinh viên lên sàn cũng chỉ là… sinh viên. Họ có tâm lý non nớt khá giống với những nhà đầu tư nhỏ lẻ, rất dễ hoang mang trước thị trường và hành động vô thức theo bầy đàn. Nhưng họ chỉ tầm độ tuổi 19, 20 nên nguy hiểm ở chỗ là khả năng… bất chấp rủi ro.

Nhiều sinh viên chỉ có vài trăm nghìn, vài triệu lên sàn, mua bán có khi chỉ… một đơn vị giao dịch nên mất mát của họ không lớn. Tuy nhiên cũng có những sinh viên tài khoản lên đến hàng chục, hàng trăm triệu. Một hai phần trăm lên xuống của cổ phiếu nắm giữ cũng bằng tiền bố mẹ chu cấp cho cả tháng, nên khả năng tổn thương của họ rất lớn. Nhất là những sinh viên vay mượn bạn bè, cầm cố đồ đạc để đổ tiền vào sàn chứng…

Biên Phòng, sinh viên Học viện Tài Chính, háo hức kể: trước tết tài khoản chỉ có 3.5 triệu; nhưng trong con sóng vừa rồi, Phòng dùng margin, mua cổ phiếu HCM hồi còn 15.5, bán tại mức 19.5, và một vài mã khác mang lại cho chàng trai Tuyên Quang này vài chục phần trăm lợi nhuận, hiện nay tài khoản của cậu tầm 6 triệu. Biên Phòng cũng kể về một vài bạn cùng lớp cũng đầu tư chứng khoán với danh mục 20 triệu nhờ… xoay sở từ gia đình và bạn bè (!?)… cũng ăn đậm trong vài tháng vừa qua.

Không biết chúng ta nên mừng, hay… toát mồ hôi khi nhớ về những bi kịch đối với nhiều nhà đầu tư (trong đó có sinh viên) trong năm vừa qua?

Sinh viên: kỳ vọng của lớp nhà đầu tư mới. Ảnh minh họa

Nhưng chính họ là kỳ vọng của lớp nhà đầu tư mới!

Chứng khoán và xổ số khác nhau ở chỗ, đầu tư chứng khoán thì phải học, tức là phải có kiến thức, chứ không phải phó thác tiền bạc cho xác suất như xổ số hay cờ bạc…

Nhưng rất nhiều nhà đầu tư tại thị trường chứng khoán Việt Nam lại tiếp cận bảng điện dưới góc độ… cờ bạc. Chúng ta có thể thấy rõ điều này trong thời kỳ chứng khoán hưng thịnh những năm 2006, 2007…

Bi kịch đối với nhà đầu tư cờ bạc cũng đã được phơi bày trần trụi trong hai năm vừa qua, khi thị trường lao dốc không phanh. Nhiều nhà đầu tư phá sản, tan nát gia đình và thậm chí vào viện tâm thần cũng xuất phát từ sự tiếp cận kiểu cờ bạc, không có kiến thức đối với thị trường chứng khoán.

Chính vì vậy, tầng lớp nhà đầu tư sinh viên – cũng là tầng lớp nhà đầu tư lớn tiềm năng trong tương lai- được kỳ vọng cho một lớp nhà đầu tư mới. Với kiến thức tiếp thu được trên giảng đường, trau dồi được trên thị trường trong suốt quãng đời sinh viên thì họ sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn, tỉnh táo hơn và làm chủ được bản thân khi đầu tư chứng khoán trong tương lai.

Biên Phòng cũng cho biết, tham gia thị trường với muc đích chính là học tập, sau này ước muốn trụ lại Hà Nội vừa làm broker, vừa đầu tư cho chính mình. Tuy theo dõi bảng điện hàng ngày nhưng Phòng cũng không hề sao nhãng việc học hành. Cậu biết rằng, những kiến thức trên giảng đường không hề vô ích, nhất là đối với thị trường chứng khoán mới nổi như Việt Nam.

Cứ sau một thời kỳ thăng trầm của thị trường, một thế hệ nhà đầu tư mới sẽ được sinh ra, trong đó chúng ta hi vọng nhiều vào tầng lớp sinh viên, vốn được đào tạo bài bản về kiến thức. Hi vọng về một Warren Buffett của Việt Nam có thể là xa vời, nhưng hi vọng những bi kịch với nhà đầu tư trong hai năm qua không xuất hiện trong tương lai là có cơ sở…

        Đoàn Xuân Thạo (Vietstock)

Finfonet

Các tin tức khác

>   Sẽ hạ hệ số rủi ro cho vay BĐS và CK từ 250 xuống 150%? (06/04/2012)

>   NVT giải trình giá giảm sàn liên tiếp (06/04/2012)

>   TTC được đưa ra khỏi diện cảnh báo (06/04/2012)

>   MMC vào diện cảnh báo và không được giao dịch ký quỹ (06/04/2012)

>   UBCK: Xử phạt hành chính không có nghĩa là kết thúc nghi vấn (06/04/2012)

>   PVGas có thể trở thành trụ cột mới cho thị trường (06/04/2012)

>   “Danh sách đen” cổ phiếu sẽ dài thêm (06/04/2012)

>   Tại sao nhiều chỉ báo kỹ thuật không hiệu quả? (06/04/2012)

>   TTCK khởi sắc quý I, thách thức quý II (06/04/2012)

>   CTG chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục Quỹ ETF (06/04/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật