Thứ Năm, 12/04/2012 13:50

Kinh tế khó khăn, chứng khoán vẫn tăng!

Trong bối cảnh kinh tế đất nước còn rất nhiều khó khăn … thì hàn thử biểu của nó, thị trường chứng khoán, lại có mức “thăng” ấn tượng từ đầu năm đến nay!

Lý thuyết kinh điển chỉ ra rằng: thị trường chứng khoán, mà cụ thể là chỉ số giá trên thị trường cổ phiếu thứ cấp, là hàn thử biểu-cặp nhiệt độ- của nền kinh tế. Những thay đổi rất nhỏ của nền kinh tế đều được phản ánh bằng sự biến động của thị trường chứng khoán. Nhưng, trong khi tình hình vĩ mô  3 tháng đầu năm chưa có gì sáng sủa hơn so với cuối năm 2011, thì “ hàn thử biểu” lại có sự “diễn giải” ngược hoàn toàn so với sự sụt giảm trước tết.

Kinh tế vĩ mô: Còn nhiều ngổn ngang…

Nỗ lực kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô của Chính phủ từ đầu năm 2011 đến nay đã có hiệu quả rõ rệt: lạm phát sau khi lập đỉnh tháng 8/2011 đã giảm liên tiếp 7 tháng nay, đặc biệt CPI tháng 3/2012 chỉ nhích khẽ 0.16% so với tháng 2 dù có đợt tăng giá xăng 10% ngày 7/3; trần lãi suất huy động vốn nằm trong xu hướng giảm rõ rệt, hiện còn 12% áp dụng từ 11/4 và tiến tới là bỏ trần lãi suất huy động, thị trường tiền tệ dần đi vào ổn định, không có bát nháo trong hoạt động của các ngân hàng; thị trường vàng được quản lý chặt chẽ hơn, không để tình trạng đầu cơ tràn lan như trong năm 2011; thị trường bất động sản giảm dần về giá trị thực và đặc biệt là thị trường ngoại tệ ổn định, tạo thuận lợi cho việc kiềm chế lạm phát và chống đô la hóa nền kinh tế…vv. Thành tích của Chính phủ là đáng ghi nhận, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ, bài bản giữa chính sách tài khóa và tiền tệ.

Nhưng, chính sách nào cũng có mặt trái. Nhất là những can thiệp bằng công cụ hành chính thì sẽ mang lại nhiều hơn những bất cập…

Việc áp trần lãi suất huy động vốn, cùng với những chế tài mạnh mẽ, xử lý làm gương các trường hợp làm trái quy định…đã nhanh chóng thiết lập kỷ luật ngân hàng, chấm dứt cuộc đua về lãi suất giữa năm 2011, nhưng không mang lại lợi ích đáng kể cho doanh nghiệp, ngoại trừ lợi ích của một số ngân hàng thương mại lớn. Kể cả khi trần lãi suất huy động có giảm xuống 13%, rồi 12% thì lãi suất cho vay có thực giảm như lời hứa từ các ngân hàng, và số doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay giá rẻ (nếu có) có tăng hơn so với năm 2011?

Ngân hàng nói một đằng, còn doanh nghiệp thì kêu ca một nẻo. Chỉ biết rằng, những con số thống kê trong thì không biết bao biện:

Trong quý I/2012, tốc độ tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng là -2.13%; gần 12,000 doanh nghiệp trên cả nước giải thể; GDP chỉ tăng trưởng 4% so với cùng kỳ, và cùng với quý I/2009 trở thành hai quý có tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây, qua đó đe dọa trực tiếp đến mục tiêu tăng trưởng 6-6.5% trong năm nay mà Quốc hội đề ra.

Tình hình vĩ mô dần ổn định, nhưng chúng ta có thể phải đánh đổi bằng mục tiêu tăng trưởng …

Nhưng chứng khoán đã tăng hơn 3 tháng qua!

Bất chấp những khó khăn nội tại của nền kinh tế còn hiện hữu, thị trường chứng khoán đã “tăng một mạch” ấn tượng trong quý I/2012. Sau những hoài nghi ban đầu, đến nay có thể khẳng định HNX-Index đã lập đáy mức 55 và VN-Index chạm đáy 339 vào nửa đầu tháng 1/2012. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 10/4, VN-Index đạt 450.85 điểm và HNX-Index đạt 75.41 điểm, tương ứng với mức tăng 33% và 37% từ đáy, thậm chí nhiều cổ phiếu đã tăng gấp 2,3 lần so với trước Tết... Nhưng những lời mời gọi kiểu “mới ở chân con sóng lớn”, “ đổ tiền vào chứng khoán vào lúc này là lời cao”, “chứng khoán Việt Nam còn rẻ”… vẫn đang tràn ngập trên báo chí.

Thực sự không khó để đưa ra lời giải thích cho hiện tượng “lệch pha”  giữa chứng khoán và nền kinh tế trong 3 tháng vừa qua, bởi vì dự đoán đúng xu hướng trên thị trường chứng khoán thì khó, chứ giải thích tại sao thị trường nó lên hay xuống thì… sinh viên cũng có thể làm được( !?) chứ không cần những chuyên gia hàng đầu.

Điều băn khoăn bây giờ là liệu chứng khoán có phải đi trước nền kinh tế như lý thuyết chúng ta hay thừa nhận hay không? Tức là sự “lệch pha” thời gian qua phải chăng chỉ là sự “trễ pha” của nền kinh tế? Và bao nhiêu phần trăm trong số dòng tiền đổ vào chứng khoán thời gian qua là dòng vốn nóng - vì các kênh đầu tư khác đều bị bịt kín hoặc không tạo sóng, nên chỉ còn con đường duy nhất là chảy vào chứng khoán tìm lợi nhuận - vốn sẽ rút ra rất nhanh khi thị trường chớm đảo chiều?

Câu trả lời sẽ rõ hơn trong thời gian tới với những động thái cụ thể về chính sách kinh tế vĩ mô… Còn tại thời điểm hiện tại, chẳng ai nói về đỉnh của chứng khoán cả, nên chúng ta - nhà đầu tư hãy cứ tận hưởng con sóng tăng này!

         Đoàn Xuân Thạo (Vietstock)

Finfonet

Các tin tức khác

>   Hạ lãi suất: Bất ngờ và không bất ngờ (12/04/2012)

>   MIC vào diện cảnh báo và TLC bị kiểm soát từ 12/04 (12/04/2012)

>   SD8: Cổ phiếu được đưa ra khỏi diện kiểm soát (12/04/2012)

>   Nỗi lo mới với lãnh đạo khối CTCK (12/04/2012)

>   Xác định giá bình quân 15 phút cuối, hợp lý không? (12/04/2012)

>   Chiến lược giao dịch ngày 12/04/2012 (12/04/2012)

>   12/04: Bản tin 20 giờ qua (12/04/2012)

>   ASP, DRH, QCG vào diện cảnh báo kể từ ngày 13/04 (11/04/2012)

>   Phạt 100 triệu đồng cổ đông 3 công ty giao dịch chui (11/04/2012)

>   SGT vào diện cảnh báo kể từ ngày 13/04 (11/04/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật