Thứ Năm, 12/04/2012 13:05

Hạ lãi suất: Bất ngờ và không bất ngờ

Dù phóng viên tờ Financial Times đã bày tỏ sự ngạc nhiên về việc chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, NHNN Việt Nam đã có tới hai lần hạ lãi suất cơ bản, và ngân hàng ANZ - vốn thường nêu ra khuyến nghị về việc không nên hấp tấp giảm ngay lãi suất - có thể không mấy hài lòng, song trong thực tế, điều được gọi là “cơ chế” giảm lãi suất ở Việt Nam lại có một “ “đặc thù” hoàn toàn riêng biệt.

Điều người ngoài không thể hiểu

Có thể nhận ra “đặc thù” trên như thế nào? Trong cuộc họp báo công bố quyết định hạ lãi suất vào sáng ngày 11/4/2012, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã lần đầu tiên, kể từ thời điểm nhậm chức vào tháng 8/2011, công khai về tình hình “thanh khoản hệ thống hiện nay rất dồi dào”. Thế nhưng hình ảnh lạc quan vừa được thông báo lại khá mâu thuẫn với thực trạng “khó khăn thanh khoản” chỉ cách đây có hai tháng.

Thật thế, vào những ngày sát Tết và cả sau Tết âm lịch 2012, hầu hết giới chuyên gia và phân tích về ngân hàng chỉ được biết đến hình vẻ hệ thống ngân hàng như một cơ thể dù đẫy đà về da thịt nhưng lại không cân đối về “âm dương”. Nhiều ngân hàng nhỏ, vốn đã rơi vào tình trạng thiếu hụt thanh khoản từ giữa năm ngoái, vẫn tiếp tục cần đến sự hỗ trợ lớn lao từ các ngân hàng lớn.

Song khác hẳn với “cơn điên” lãi suất liên ngân hàng tăng vọt đến hơn 20% kèm theo thanh khoản vay mượn tăng theo vào tháng 10/2011, quý đầu của năm 2012 lại không chứng kiến một hiện tượng tương tự. Ngược lại là đằng khác, dấu ấn khủng hoảng niềm tin đã từ mối quan hệ ngân hàng - doanh nghiệp len lỏi sâu vào quan hệ giữa các ngân hàng với nhau. Ngân hàng lớn không cho ngân hàng nhỏ vay cho dù khoản vay được đảm bảo bằng tài sản thế chấp.

Hiện trạng như thế cũng dần dà đẫn đến việc nhiều ngân hàng lớn có tiền nhưng không cho vay được. Từ tháng 10/2011, hiện tượng này đã manh nha hình thành, song lúc đó hầu hết các ngân hàng lớn nhỏ còn đang say sưa với chiến thắng lợi nhuận “trên sự đau khổ của các doanh nghiệp”, vẫn chưa thể hình dung cơn bĩ cực đã bắt đầu gặm nhấm bản thân họ.

Cho đến đầu năm 2012, “gót chân Asin” của khối ngân hàng đã lộ ra khá rõ. Vào cuối quý, có lẽ không thể tiếp tục tình trạng vốn treo đó mà không cho vay được, lãnh đạo của ngân hàng ACB đã phải công bố ngân hàng này có đến 3 tỷ USD, tương đương với hơn 60,000 tỷ đồng còn đang ứ đọng. Quả thực, đó là một số vốn rất lớn, bằng nhiều lần những gói “cứu trợ” cho doanh nghiệp với “lãi suất ưu đãi” 16-17% tại một số ngân hàng.

Không thể hiểu khác hơn là những ngân hàng lớn nhất trong nhóm G12 như BIDV, Vietcombank (VCB), Vietinbank (CTG), Eximbank (EIB) cũng đang nằm trong tình thế tương tự như ACB. Có đồn đoán cho rằng đang tồn ứ đến vài trăm ngàn tỷ đồng trong các ngân hàng này, và có vẻ như cái tin vỉa hè đó không quá xa so với thực tế.

Hạ lãi suất và nguồn cơn của nó

Vốn quen kêu réo về những bất hợp lý giữa hai đầu cung - cầu vốn mà không được hồi âm thỏa đáng, báo chí lại càng có cớ để khuấy động hình ảnh “trạng chết, chúa cũng băng hà”. Một lần nữa, hình ảnh đặc trưng trong dân gian Việt Nam lại  ứng với mối quan hệ gắn liền sinh mệnh giữa ngân hàng với khối doanh nghiệp. Tình thế đình đốn sản xuất của ít nhất một phần ba doanh nghiệp ở Việt Nam đã biến thái độ ung dung hưởng lợi của nhóm ngân hàng thành một nguy cơ “tự tai biến”, với cái chết lâm sàng của kẻ này sẽ chắc chắn dẫn tới sự “hy sinh” của kẻ kia.

Đó cũng là một trong những lý do chính mà NHNN, chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, đã hai lần công bố giảm lãi suất. Nhưng trong lần giảm lãi suất vào trung tuần tháng 4/2012, giới đầu tư và doanh nghiệp có lý do để tin rằng vốn vay sẽ đến tay doanh nghiệp một cách thực chất hơn là thái độ khá miễn cưỡng của các ngân hàng trước đó.

Thực ra, nếu vấn đề bất hợp lý về cung - cầu tín dụng xảy ra ở những quốc gia như Mỹ thì có lẽ đã không quá khó để giải quyết. Song, cái đặc trưng mà chúng ta đang chứng kiến là điều đó diễn ra ở Việt Nam, nơi mà hiện tượng nhóm lợi ích đang nổi lên. Đó cũng là sự giải thích cho việc trước Tết âm lịch, có đến hơn 170,000 tỷ đồng được NHNN bơm vào hệ thống thị trường liên ngân hàng, song vốn cho vay từ con số khổng lồ đó vào doanh nghiệp lại vẫn rất nhỏ giọt.

Nhưng một khi đến cả khối ngân hàng cũng phải “bức xúc”, dù cái được gọi là khó khăn của họ chỉ bằng một phần nhỏ nhoi so với tai họa phá sản mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt, thì NHNN không thể tiếp tục làm ngơ. Mặt khác, như thống đốc Nguyễn Văn Bình đã thừa nhận, mặc dù tỷ lệ nợ xấu chỉ khoảng 3.6% (trước đây là 3.3%) trong tổng dư nợ, nhưng thực tế nợ xấu tại một số ngân hàng còn cao hơn nhiều. Trong số nợ xấu đó, dĩ nhiên bất động sản chiếm vị trí quán quân.

Cũng bởi lý do nợ xấu và tình cảnh tồn ứ không lối thoát của bất động sản, việc NHNN “tháo khoán” cho lĩnh vực này trong công văn 2056 - đi kèm với thông tư về hạ trần lãi suất huy động về 12% vừa qua - đã mặc nhiên “giải cứu” cho một đối tượng hết sức quan trọng: các dự án nhà ở trong đô thị được hoàn thành trong năm 2012 và cả sau năm 2012. Cơ chế loại trừ hết sức mới mẻ này không chỉ có ý nghĩa đối với hai phân khúc căn hộ trung cấp và bình dân, mà còn đặc biệt mang tính “sống còn” đối với cả phân khúc căn hộ cao cấp. Điều đó cũng có thể được hiểu là các dự án căn hộ cao cấp đang đói vốn vẫn có thể được tiếp tục “tài trợ” để hoàn thành nốt những gì cần phải hoàn thành.

Cho đến giờ, hẳn các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng đã nhận ra phần nào đó nguồn cơn vì sao thị trường chứng khoán lại phục hồi ấn tượng như vậy trong thời gian qua.

Việt Thắng (Vietstock)

finfonet

Các tin tức khác

>   TS Lê Thẩm Dương: Các cơ quan quản lý vẫn “nợ” doanh nghiệp! (12/04/2012)

>   Tuần đầu tháng 4, doanh số giao dịch bằng USD tăng mạnh (12/04/2012)

>   ABBank dành 2,800 tỷ đồng cho vay ưu đãi (12/04/2012)

>   Lãi suất 18,5%/năm, vay không? (12/04/2012)

>   Lãi suất huy động nhiều ngân hàng về 10-11%/ năm (12/04/2012)

>   TS Cao Sỹ Kiêm: Đừng thắt quá chặt rồi bung hết cỡ (12/04/2012)

>   Nới lỏng tín dụng cho ai? (12/04/2012)

>   BIDV hạ một loạt lãi suất cho vay (11/04/2012)

>   NHNN “lỡ hẹn” lịch tái cấu trúc ngân hàng (11/04/2012)

>   ABBank hạ lãi suất huy động xuống 12%/năm (11/04/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật