NHNN “lỡ hẹn” lịch tái cấu trúc ngân hàng
Thống đốc NHNN từng phát biểu “trong quý I/2012, sẽ có từ 5 - 8 ngân hàng tiến hành hợp nhất, sáp nhập”, nhưng tính đến nay vẫn chưa thấy đâu.
Tại Hội nghị Kinh tế đối ngoại Việt Nam ngày 11/1, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã cho biết: “Dự kiến trong quý I/2012, sẽ có từ 5 - 8 ngân hàng tiến hành hợp nhất, sáp nhập, mọi việc đều đã được NHNN và các tổ chức tín dụng chuẩn bị cụ thể”. Đây là thông tin được thị trường đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, đã 10 ngày của tháng 4 trôi qua, ngoài trường hợp của Viet Capital Bank, thông tin chính thức của NHNN về việc hợp nhất, sáp nhập 5 - 8 ngân hàng vẫn chưa thấy đâu.
Hiện tại, mới có trường hợp HBB và SHB hay Eximbank (EIB) và Sacombank (STB) “nổi” lên. Phải chăng, hoạt động hợp nhất, sáp nhập ngân hàng đang diễn ra âm thầm, lặng lẽ. Nếu không, nhiều ý kiến nhận định rằng, tiến trình tái cấu trúc đang diễn ra quá chậm. Trong khi đó, quá trình này cần phải khẩn trương để giải quyết những vấn đề cấp thiết của hệ thống ngân hàng. Trong đó, vai trò, sự tác động của NHNN phải được thể hiện rõ nét, mạnh mẽ, quyết liệt hơn, nhất là với những ngân hàng nhỏ và yếu.
“Cho đến giờ, vẫn chưa thấy động thái quyết liệt nào từ phía NHNN. Có thể nhìn nhận rằng, NHNN cũng đang đợi chờ, nhưng cũng có thể vì lý do khách quan làm thay đổi kế hoạch ban đầu. Điều này thể hiện qua việc NHNN khuyến khích các ngân hàng tự nguyện hợp nhất, sáp nhập. Song tiến trình tự thân của các ngân hàng khá trì trệ, đòi hỏi NHNN phải tính đến khả năng ‘dồn ép’ một số ngân hàng yếu và kém”, một chuyên gia ngân hàng nhận định.
Cũng có ý kiến cho rằng, Đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đã được Chính phủ phê duyệt chỉ là cái khung, còn chi tiết ra sao thì hệ thống chưa nhìn thấy, chưa biết bắt đầu từ đâu, đích đến thế nào. Ví dụ như mô hình ngân hàng sau tái cấu trúc nên là gì: ngân hàng thương mại, ngân hàng đầu tư hay ngân hàng hỗn hợp; ngân hàng đô thị hay ngân hàng nông thôn; vốn và các chỉ số cơ bản của ngân hàng sau tái cấu trúc phải là bao nhiêu…
TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định, Đề án nhìn chung đã đưa ra các giải pháp tương đối toàn diện nhằm xử lý các yếu kém, rào cản phát triển của hệ thống ngân hàng; hỗ trợ phát triển, giảm rủi ro hoạt động, tham khảo nhiều kinh nghiệm và thông lệ quốc tế và có khả năng thực thi. Tuy nhiên, nhiều giải pháp còn chưa rõ định hướng, cách làm cụ thể, không khác nhiều so với các giải pháp được đưa ra trong các chiến lược/đề án ở giai đoạn trước. Và điều quan trọng là vẫn chưa có các nhóm giải pháp mang tính bao trùm, có hệ thống và liên thông giữa các thị trường cấu thành.
“Có vẻ như chiến lược của NHNN chưa xem xét được tất cả mọi khía cạnh nên sự chậm trễ là điều dễ hiểu, nhưng một phần cũng do thị trường hiện đang ở giai đoạn có nhiều biến động, gây khó khăn cho NHNN trong việc đưa ra những biện pháp có tính cụ thể và hệ thống”, giám đốc chiến lược một ngân hàng nhận định.
Nhưng nếu ngay từ đầu, NHNN đã có kịch bản riêng và giữ kín thì thị trường cũng phải tuân thủ theo đường lối đó, còn khi NHNN đã tuyên bố có 5 đến 8 ngân hàng sẽ hợp nhất, sáp nhập trong quý I/2012 thì cần truyền tải tiếp thông điệp. Đó là những thông tin quan trọng mà không chỉ người trong ngành, mà người dân, doanh nghiệp đều muốn biết để định vị các ngân hàng họ đang làm việc.
“Nếu NHNN đi trên một chân rất rõ ràng còn một chân lại đi theo ‘đường ngầm’ thì không thể đi đến đâu, mà còn làm cho niềm tin của người dân bị suy giảm. NHNN đã chọn hướng nào thì phải triệt để theo lối đó”, ông Phan Thanh Tịnh, lãnh đạo một doanh nghiệp ở Đồng Nai nói.
Tuy nhiên, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Phó tổng giám đốc Công ty Kiểm toán Ernst & Young Việt Nam cho rằng, sự chậm trễ của NHNN là có lý do. Nhìn vào mùa họp ĐHĐCĐ năm nay, có thể thấy, lịch họp ĐHĐCĐ của những ngân hàng được cho là điểm nóng đều đang ráo riết tổ chức trong tháng 4 này. NHNN có thể đang quyết liệt “ốp” các ngân hàng tự nguyện hợp nhất, sáp nhập thông qua sự đồng thuận của các cổ đông. Trên nền tảng đó, NHNN sẽ đưa ra các biện pháp quyết liệt hơn.
Đồng quan điểm trên, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, lỡ hẹn không phải là vấn đề quá quan trọng, mà trên tất cả là cách thức tổ chức, cơ cấu, đánh giá tác động, chi phí, nguồn cho chi phí… sau tuyên bố hợp nhất, sáp nhập 5 - 8 ngân hàng sẽ là gì?
Hồng Dung
Đầu tư chứng khoán
|