Thống đốc: “Lãi suất cho vay sẽ xuống 13% - 16%”
Sau khi lãi suất huy động VND tối đa được đưa về mức 12% thì lãi suất cho vay đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh sẽ xuống mức 13%-16%. Đó là khẳng định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình trong buổi họp báo diễn ra sáng 11/4.
-Thưa Thống đốc, từ hôm nay (11/4), trần lãi suất huy động bằng VND về mức 12%/năm thay vì mức 13%/năm như trước. Vậy, với việc lãi suất huy động giảm 1% thì lãi suất cho vay sẽ còn bao nhiêu?
Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Với việc lãi suất huy động giảm 1%, tôi cho rằng, lãi suất cho vay đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh, là lĩnh vực khuyến khích, sẽ còn mức 13%-16%.
Chiều hướng giảm lãi suất sẽ chắc chắn và không thể tránh khỏi khi mà lạm phát đang từng bước được kiềm chế và thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang có tiến triển tích cực. Điều kiện cần và đủ để giảm lãi suất đã chín muồi. Theo tôi, nhiều tổ chức tín dụng sẽ đi tắt đón đầu để hạ lãi suất nhằm thu hút khách hàng.
-Tuy nhiên, ở lần giảm lãi suất gần đây nhất, các ngân hàng ồ ạt thông báo giảm lãi suất cho vay nhưng nhiều doanh nghiệp phàn nàn họ không thể tiếp cận vốn ngân hàng với mức lãi suất như đã thông báo, ông nghĩ gì về điều này?
- Doanh nghiệp thì có nhiều loại hình doanh nghiệp khác nhau và tình hình tài chính cũng khác nhau. Nếu doanh nghiệp tốt, đủ điều kiện vay vốn đối với lĩnh vực khuyến khích theo quy định thì tôi tin hoàn toàn có thể vay với mức lãi suất 14%-16%. Tôi phải nói thêm rằng, ngân hàng cũng là doanh nghiệp. Ngân hàng cho vay ra phải có trách nhiệm vì tiền tại ngân hàng là tiền của nền kinh tế. Nếu tình hình tài chính của doanh nghiệp xấu thì ngân hàng không thể cho vay. Có trường hợp đi vay tiền ngân hàng mặc cả mức lãi suất 16%, không được thì lại đưa ra 18%, thậm chí là 25%. Với những trường hợp như vậy, chắc chắn là không thể cho vay bởi không bao giờ cho vay tiền với những người cần tiền bằng mọi giá.
|
Thống đốc: "Lãi suất cho vay sẽ về mức 13%-16%" |
- Vấn đề quan trọng hiện nay là hạ lãi suất doanh nghiệp sẽ hấp thụ được vốn của ngân hàng, tháo gỡ cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp kêu không vay được, một mặt thông cảm nhưng cũng phải xem lại vì sao họ không vay được.
-Áp trần lãi suất huy động, nhiều ngân hàng vẫn lách trần, công tác xử lý vấn đề này ra sao, thưa Thống đốc?
- Áp dụng trần lãi suất là một biện pháp hành chính hay nói cách khác là biện áp mang tính áp đặt, mà trong cuộc sống cái gì áp đặt thì cũng sẽ có người lách cái đó. Mục tiêu của chúng ta trước mắt là có đủ các chế tài để các biện pháp hành chính được thực hiện. Chúng ta phải tìm biện pháp để dần tháo bỏ biện pháp hành chính. Trước đó, NHNN đã họp với các ngân hàng lớn và được biết hiện tượng lách trần lãi suất vẫn còn, thủ đoạn lại rất tinh, vì thế chúng tôi khuyến khích các tổ chức tín dụng (TCTD) tự giám sát lẫn nhau.
Có thể thấy, trước mắt, các TCTD vì lợi ích của mình sợ mất thanh khoản, mất thị phần nên phải lách trần lãi suất. Nếu TCTD vẫn lách trần lãi suất huy động mà không cho vay ra được thì TCTD đó sẽ bị lỗ lớn và sẽ không chịu được lâu, vì vậy các TCTD sẽ phải thực hiện trần lãi suất.
- Nhân đây xin hỏi Thống đốc, có ý kiến cho rằng, Việt Nam nên lập ngân hàng để tiếp quản ngân hàng yếu kém trong cuộc tái cấu trúc ngân hàng, ý kiến của Thống đốc về vấn đề này?
- Trong cuộc tái cấu trúc ngân hàng, chúng tôi không chỉ áp dụng hình thức sáp nhập, hợp nhất, mua lại mà sẽ áp dụng các công cụ thế giới thực hiện, trong đó không loại trừ khả năng thực hiện ngân hàng tiếp quản tạm thời. Tuy nhiên, chúng ta sẽ không thành lập để tiếp quản mà sử dụng một ngân hàng nào đó đóng vai trò tiếp quản tạm thời. Việc này sẽ áp dụng cho từng trường hợp cụ thể.
- NHNN đã chấp thuận về mặt nguyên tắc cho phép Habubank (HBB)sáp nhập vào SHB, có thông tin như vậy, thưa Thống đốc?
- Trong đề án tái cấu trúc lại hệ thống ngân hàng, chia 2 giai đoạn: NHNN thanh tra toàn diện, kiểm toán đánh giá giá trị doanh nghiệp để thấy thực trạng của TCTD. Trên cơ sở đó tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng chủ động tìm biện pháp khắc phục như kêu gọi cổ động mới… Nếu TCTD không khắc phục được bằng nội lực mà sẵn sàng để TCTD khác mua lại thì NHNN thông qua đề án đó; có TCTD nội lực không làm được, không đơn vị nào hợp nhất, sáp nhập thì có thể sẽ có ngân hàng tiếp quản tạm thời để xử lý nợ xấu.
Về trường hợp SHB và Habubank (HBB), đây là quá trình tự nguyện, đang tìm hiểu, chưa đề xuất đề án với NHNN nên tôi chưa thể khẳng định có việc đó hay không.
-Xin cảm ơn Thống đốc!
Ngô Hương (ghi)
Hà Nội mới
|