Nỗi lo mới với lãnh đạo khối CTCK
Vụ cựu Chủ tịch HASC ra đi và để lại khoản nợ kếch sù từ một năm trước đã kết thúc. Tuy nhiên, câu chuyện này mở ra những băn khoăn khác...
Kết luận của Cơ quan An ninh điều tra và Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội đã khép lại những lùm xùm xung quanh sự vụ ông Trương Duy Sơn, nguyên Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Hà Thành (HASC) ra đi và để lại khoản nợ kếch sù từ một năm trước. Tuy nhiên, câu chuyện này mở ra những băn khoăn khác...
Khép lại một vụ kiện tụng
Theo thông tin từ HASC, ngày 22/2/2012, Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội đã ra Quyết định số 08/QĐ/VKS-P2 hủy bỏ Quyết định khởi tố bị can đối với Trương Duy Sơn và yêu cầu Cơ quan An ninh điều tra chấm dứt mọi hoạt động điều tra đối với Trương Duy Sơn.
Cùng ngày, Cơ quan An ninh điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án số 02/ANĐT-DD1, đình chỉ điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại HASC. Như vậy, câu chuyện phức tạp kéo dài cả năm trời trong mối quan hệ 3 bên: ông Trương Duy Sơn - HASC - SeABank đã khép lại.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Tổng giám đốc HASC cho biết, về bản chất, hợp đồng bảo lãnh ông Sơn ký với tư cách đại diện pháp luật cho HASC để bảo lãnh khoản vay của NĐT là trái quy định, nên trước pháp luật phải bị xử vô hiệu, do không có căn cứ nào chứng minh HASC có chức năng bảo lãnh.
“Về bản chất, phía ngân hàng cấp tín dụng là cho NĐT, chứ không phải cho CTCK. CTCK chỉ là đơn vị trung gian, nên trách nhiệm trả nợ phải là của khách hàng. Hai quyết định trên cũng chỉ thể hiện mối quan hệ pháp lý đi kèm với khoản tín dụng giữa Seabank và NĐT, chứ không ràng buộc tài chính với HASC”, ông Thắng nhấn mạnh.
Ông Thắng chia sẻ, do tận dụng được các con sóng thị trường từ đầu năm đến nay nên Công ty đã khắc phục được toàn bộ các khoản lỗ lũy kế. “Chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ năm 2012 và giờ có thể yên tâm. Việc đưa Công ty ra khỏi khó khăn, hoạt động có lãi là bằng chứng đối với cổ đông, khách hàng về sự tồn tại của HASC”, ông Thắng nói.
… nhưng mở ra nỗi lo khác
Từ đầu tháng 5/2011, thông tin ông Trương Duy Sơn, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật của HASC bỏ trốn, để lại khoản nợ do thua lỗ chứng khoán lên tới trên 100 tỷ đồng, một loạt nghĩa vụ tài chính tiềm tàng đã được đưa ra xem xét để phân định trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong mối quan hệ giữa ông Sơn, HASC và tổ chức cho vay.
Trong đó, bao gồm khoản hơn 121 tỷ đồng nợ gốc, 540 triệu đồng tiền lãi và 14,427 tỷ đồng tiền lãi quá hạn (đến 30/6/2011) tiền bảo lãnh khách hàng vay của Ngân hàng SeABank; hơn 30 tỷ đồng nợ gốc và 3,2 tỷ đồng nợ lãi (đến 30/6/2011) khoản khách hàng vay tại Công ty Tài chính Điện lực (EVNFC). Các khoản vay này đều được HASC bảo lãnh theo hợp đồng do ông Sơn ký với tư cách người đại diện theo pháp luật của HASC.
Tuy nhiên, trong suốt quá trình xảy ra sự việc, Ban lãnh đạo HASC cho rằng, đây là sai sót mang tính cá nhân, phải do cá nhân ông Sơn chịu trách nhiệm. Trả lời báo chí, ông Bùi Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT HASC cho biết, Công ty đã làm việc với các bên để đưa ra phương án giải quyết các khoản nợ bằng tài sản của ông Sơn.
Với phương án xử lý bằng tài sản của ông Sơn, có thể thấy, dù ông Sơn, với cương vị người đại diện theo pháp luật của HASC đã ký hợp đồng bảo lãnh các khoản vay của nhóm tài khoản NĐT cá nhân, nhưng trách nhiệm của khoản vay vẫn thuộc về NĐT cá nhân và ông Sơn. Với kết luận của cơ quan điều tra nêu trên, sự việc của HASC đã khép lại, nhưng lại gợi lên những e ngại cho không ít cá nhân, tổ chức về trách nhiệm pháp lý các khoản vay đã và đang tồn tại giữa CTCK, NĐT và tổ chức tín dụng.
Ngoài vụ việc trên, ngay câu chuyện kiện tụng giữa CTCP Tài chính Công đoàn Dầu khí (PVFI) với CTCP Chứng khoán Phố Wall (WSS) vừa qua cũng xuất phát từ việc các bên không thống nhất với nhau về nghĩa vụ tài chính đối với khoản cho NĐT vay để giao dịch chứng khoán.
Lãnh đạo một CTCK niêm yết chia sẻ, hiện CTCK nơi ông đang điều hành có khoản vay hơn 300 tỷ đồng cho khách hàng là tiền vay giao dịch chứng khoán, trong đó gần 80 tỷ đồng là khoản nợ khó đòi. Sau câu chuyện của HASC, bản thân ông rất băn khoăn, không biết mình và ban điều hành có phải chịu trách nhiệm cá nhân về khoản nợ này không, bởi về lý, thời điểm năm 2010 trở về trước, mọi hoạt động cho khách hàng đầu tư đòn bẩy đều chưa được pháp luật cho phép (dù không cấm).
Thực tế, hàng loạt mối quan hệ tài chính giữa NĐT với tổ chức tín dụng thông qua CTCK đã được thực hiện và có tới hàng ngàn tỷ đồng chưa được thu hồi. Những câu chuyện bên lề cho thấy, thị trường đang tồn tại những công ty mà vốn chủ sở hữu có thể sẽ âm rất lớn, nếu họ thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính đối với ngân hàng, do các khoản bảo lãnh cho NĐT vay giao dịch chứng khoán. Nếu các CTCK khác căn cứ vào trường hợp của HASC để “giũ sạch” những vết đen tài chính ở lĩnh vực này, thì điều gì sẽ xảy ra? Liệu tín dụng cho lĩnh vực chứng khoán có vì thế mà trở nên eo hẹp?
Trở lại câu chuyện của HASC, ở góc độ pháp lý, HASC có lý khi cho rằng, SeABank đã tin vào một hợp đồng không có giá trị pháp lý, bởi HASC không có chức năng bảo lãnh. Nhưng nếu quy trình kiểm soát rủi ro nội bộ tốt, liệu ông Sơn có thể tự ý làm sai quy trình? Đặc biệt, nếu SeABank không tin ông Sơn ở vai trò người đại diện theo pháp luật của HASC, thì họ có thể tin vào ai? Làm thế nào để phân định rõ ràng ranh giới giữa trách nhiệm cá nhân và tổ chức trong các hợp đồng dạng trên?
Bùi Sưởng
đầu tư chứng khoán
|