Thứ Tư, 25/04/2012 11:54

Kinh tế 4 tháng đầu năm: Nhìn đâu cũng thấy khó

Nhìn vào kim ngạch xuất nhập khẩu, sản xuất công nghiệp, đều thấy nền kinh tế đang gặp khó. Đã vậy, niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp lại giảm điểm.

Nhập siêu đã quay trở lại với nền kinh tế Việt Nam trong tháng 4/2012, với con số gần 400 triệu USD, sau quý I xuất siêu. Như vậy, tính chung trong 4 tháng đầu năm, Việt Nam đang nhập siêu khoảng 176 triệu USD, tương đương 0,5% kim ngạch xuất khẩu.

Khi con số này được công bố, một nghịch lý dường như đang xảy ra, đó là mọi người lại thở phào, vui mừng, trong khi bao nhiêu năm nay, lúc nào cũng chỉ lo tìm giải pháp để kiềm chế nhập siêu. Mừng  bởi mức xuất siêu hơn 220 triệu USD của quý đầu năm không khỏi khiến các chuyên gia kinh tế lo lắng. Xuất siêu đồng nghĩa với suy giảm nhập khẩu nguyên vật liệu cho sản xuất, cũng có nghĩa là sản xuất đang đình trệ.

Chính Tổng cục Thống kê, khi phân tích về con số nhập siêu của quý I/2012 cũng đã phải thừa nhận rằng, đó không phải là một tín hiệu đáng mừng. “Hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu là nguyên nhiên vật liệu phục vụ cho sản xuất, nhưng trong những tháng gần đây, nhập khẩu tăng không cao phần nào thể hiện hoạt động sản xuất trong nước còn cầm chừng, doanh nghiệp còn có những khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng”, Tổng cục Thống kê đã nhận định như vậy và cho rằng, các nhà quản lý cần có những biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn, cũng như tìm kiếm đơn hàng để thúc đẩy sản xuất, đặc biệt với những doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu.

Có lẽ, không cần phải nói nhiều tới khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian qua, bởi sản xuất suy giảm, tiêu thụ chậm, hàng tồn kho tăng cao, số lượng doanh nghiệp phải đóng cửa, ngừng sản xuất lớn (tới hết tháng 3/2012 là 14.000 doanh nghiệp) là điều nhìn thấy rõ. Chính bởi vậy mà đầu tuần này, tại TP.HCM, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đã chủ trì cuộc họp để tìm ra biện pháp gỡ khó cho doanh nghiệp. Còn ngày mai (26/4), tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tổ chức hội thảo để “ đưa ra cách giải cứu doanh nghiệp nhỏ và vừa”.

Câu chuyện, như Thứ trưởng thường thực Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh đã từng nói, đó là, với mức nhập khẩu thấp thế này, thì sản xuất trong những tháng tới sẽ ra sao, tăng trưởng kinh tế sẽ thế nào? Đó chính là nỗi lo lớn nhất.

Số liệu thống kê cho thấy, trong tháng 4, nhập khẩu các mặt hàng nguyện liệu phục vụ cho sản xuất như bông, vải, dây điện và cáp điện thậm chí còn giảm so với tháng 3. Còn nếu tính chung 4 tháng, rất nhiều mặt hàng phục vụ sản xuất có mức nhập khẩu giảm mạnh. Chẳng hạn, sợi dệt 19% (102 triệu USD), vải 6,7% (144 triệu USD), xăng dầu 21,9% (803 triệu USD)…

Nhập khẩu giảm sẽ kéo theo xuất khẩu một số mặt hàng giảm. Số liệu của Tổng cục Thống kê đã cho thấy, so với thực hiện tháng 3, xuất khẩu tháng 4 ước chỉ đạt 8,6 tỷ USD giảm 9,3% (879 triệu USD). Nguyên nhân dẫn tới sự sụt giảm này là do doanh nghiệp gặp khó khăn về đơn hàng cũng như giá xuất khẩu các mặt hàng nông sản giảm.

Tuy nhiên, tính chung 4 tháng, cả nước hiện vẫn xuất khẩu được khoảng 33,4 tỷ USD, tăng 22,1% (6 tỷ USD) so với cùng kỳ. Đây là một kết quả tích cực. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, khi nhập khẩu vẫn duy trì trạng thái không mấy khả quan, thì có thể thấy rõ rằng, sản xuất vẫn đang trong giai đoạn khó khăn và vì thế, tăng trưởng xuất khẩu khó có thể bứt phá trong những tháng sắp tới. Đáng quan tâm hơn nữa, đó là, trong khi khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhập khẩu 17,4 tỷ USD, tăng 26% (3,6 tỷ USD), thì nhậâp khẩu của khu vực kinh tế trong nước lại giảm 11,9% (2,2 tỷ USD). Điều này cho thấy, doanh nghiệp nội đang gặp nhiều khó khăn hơn doanh nghiệp nước ngoài.

Trong bối cảnh ấy, sản xuất tiếp tục cầm chừng là xu hướng dễ hiểu. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4 và 4 tháng đầu năm, tuy đã có cải thiện hơn, song vẫn ở mức thấp, tương ứng tăng 7,5% và 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Tháng đầu tiên của quý II đã như vậy, trong khi chưa có dấu hiệu được cải thiện trong những tháng tiếp theo, thì đúng như ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, khó có thể kỳ vọng tăng trưởng GDP quý II sẽ tăng mạnh. Và vì thế, khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm là rất khó.

Khi hệ thống doanh nghiệp gặp khó, nền kinh tế tất nhiên cũng gặp khó khăn. Báo cáo Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI), do Công ty Dịch vụ Thông tin Tài chính WVB Việt Nam (WVB FISL) tiến hành từ ngày 12/3 đến tuần đầu tháng 4/2012, vừa công bố cách đây ít ngày cho thấy, niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp.trong quý I/2012 đã giảm 3 điểm so với quý IV năm 2011. Và con số này được WVB FISL cho rằng, đã phản ánh tâm lý của doanh nghiệp đang bị dao động trước những diễn biến khó đoán định của tình hình kinh tế trong nước và quốc tế.

Cộng thêm chuyện tăng giá xăng vừa rồi, được cho là một cú “knock-out” với doanh nghiệp, xem ra, doanh nghiệp đã khó càng thêm khó, và nền kinh tế - đúng là nhìn đâu cũng thấy khó.

Đầu tư

Các tin tức khác

>   Đề xuất bán tàu Hoa Sen (25/04/2012)

>   Nỗi lo chi phí sản xuất tăng theo giá xăng (25/04/2012)

>   Xuất khẩu của Việt Nam sang Mexico tăng mạnh (25/04/2012)

>   Doanh nghiệp cà phê vỡ nợ hàng loạt (25/04/2012)

>   Nhiều loại thuốc tăng giá 45% (25/04/2012)

>   Nhập than đã khó sẽ càng khó (25/04/2012)

>   Hà Tĩnh sẽ có nhà máy nhiệt điện 2,3 tỷ USD (25/04/2012)

>   Siêu thị vắng hoe (25/04/2012)

>   “Thủ phủ” đồ gỗ đang chết mòn (25/04/2012)

>   Tăng giá: Chẳng đặng đừng (24/04/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật