Kiều hối “chực chờ” vào chứng khoán
Kiều hối năm 2012 có thể đạt 12 tỷ USD và một trong những kênh đầu tư mà giới Việt kiều hướng tới là TTCK.
Đó là nhận định của ông Nguyễn Tiến Thành (ảnh), Tổng giám đốc Công ty Gardner&Partners Investment trong cuộc trả lời phóng vấn Báo Đầu tư Chứng khoán.
Ông đánh giá về dòng kiều hối của Việt Nam hiện nay như thế nào?
Những năm gần đây, lượng kiều hối không ngừng tăng lên, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của nền kinh tế nói chung. Theo thống kê dựa trên những số liệu chính thức của Ngân hàng Thế giới (WB), lượng kiều hối năm 1999 là 1,2 tỷ USD, chiếm khoảng 4% GDP; đến năm 2010 là gần 8 tỷ USD, chiếm 7,7% GDP và đạt kỷ lục trên 9 tỷ USD vào năm 2011, chiếm khoảng 9% GDP.
Theo ông, dòng kiều hối này được sử dụng vào những mục đích nào? TTCK có cơ hội đón nhận dòng tiền này hay không?
Cách đây 5 - 7 năm, dòng tiền chủ yếu tập trung vào tiêu dùng. 5 năm trở lại đây, chất lượng cuộc sống nói chung của Việt Nam tăng lên. Đồng thời, với sự phát triển nhanh của nền kinh tế, Việt kiều làm ăn ở nước ngoài đã để ý nhiều hơn đến các cơ hội đầu tư sinh lời tại Việt Nam. Họ không chỉ gửi tiền về đơn thuần để phục vụ tiêu dùng, mà bắt đầu dịch chuyển sang các hoạt động đầu tư như bất động sản, kinh doanh nhà hàng, khách sạn…
Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, năm 2011, khoảng 50% lượng kiều hối đã đổ vào thị trường bất động sản. Kết quả này khá trùng khớp với cuộc khảo sát của chúng tôi đối với một nhóm Việt kiều tại Mỹ, Canada, châu Âu, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Trong quá khứ, lượng kiều hối đầu tư vào TTCK rất nhỏ. Tìm hiểu nguyên nhân, chúng tôi nhận thấy có hai lý do chính khiến các Việt kiều chưa mặn mà với TTCK Việt Nam. Thứ nhất, thị trường còn ở giai đoạn sơ khai, hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, tính đầu cơ cao, mức độ hiểu biết của các NĐT Việt Nam tương đối thấp. Hệ quả là diễn biến thị trường thất thường, nhiều khi không phụ thuộc vào các yếu tố cơ bản. Thứ hai, TTCK Việt Nam có nhiều “chiêu trò”, điển hình là đầu cơ làm giá, thông tin nội gián. Thậm chí, có những lãnh đạo doanh nghiệp tranh thủ nhiệm kỳ của mình để kiếm lời.
Một số Việt kiều đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào TTCK Việt Nam chia sẻ, họ không có nhiều thời gian để có thể tự đầu tư thường xuyên. Nhưng đối với việc uỷ thác đầu tư, họ có cảm giác dễ bị lợi dụng nếu khoản tiền đầu tư đủ lớn. Bởi thực tế cho thấy, một số nhà quản lý tài sản ở Việt Nam dễ sử dụng tài sản của khách hàng để trục lợi. Khả năng phát hiện các hành vi này cũng như mức độ xử phạt còn hạn chế. Trong khi đó, tại các thị trường phát triển, vấn đề đạo đức kinh doanh rất được coi trọng và những trường hợp vi phạm như trên có thể bị đào thải khỏi ngành vĩnh viễn, thậm chí bị truy tố.
Ông nhận định gì về dòng chảy kiều hối vào TTCK Việt Nam năm nay?
Theo dự báo của chúng tôi, dòng kiều hối năm 2012 không dưới 12 tỷ USD, chỉ cần 10 - 20% trong số này được đầu tư vào TTCK cũng đã là một nguồn vốn rất đáng kể so với quy mô hiện tại của thị trường (vốn hoá thị trường năm 2011 khoảng trên 24 tỷ USD, chiếm trên 20% GDP), góp phần giúp TTCK Việt Nam trở thành kênh huy động vốn cho doanh nghiệp bền vững và ổn định hơn. Nói là dòng kiều hối trực chờ, nhưng sẽ cần một khoảng thời gian để những Việt kiều xa xứ tin tưởng và đầu tư tích cực hơn vào TTCK Việt Nam. Khoảng thời gian này phụ thuộc vào tốc độ và mức độ thành công trong việc tái cơ cấu thị trường.
Năm 2012 là một năm đặc trưng của tái cấu trúc TTCK nói riêng và nền kinh tế nói chung. Đã có những tín hiệu tích cực thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ trong việc tái cơ cấu nền kinh tế. Tuy nhiên, mức độ thành công đến đâu sẽ cần thêm thời gian để chứng minh. Nếu thị trường minh bạch hơn, hành lang pháp lý chặt chẽ hơn sẽ thu hút được sự quan tâm của dòng kiều hối nhiều hơn.
Quang Sơn thực hiện
đầu tư chứng khoán
|