“Sóng tăng mạnh có thể là cuối tháng, đầu tháng 5”
Đó là nhận định của ông Đào Hồng Dương, Chuyên gia phân tích CTCK Dầu khí (PSI) khi trao đổi với phóng viên ĐTCK về nhận diện cơ hội đầu tư tháng 5.
Ông Dương nói:
Những thay đổi của chính sách điều hành tiền tệ trong thời gian gần đây bao gồm nhiều động thái đồng bộ, có bản chất gần giống như một gói kích cầu nhỏ (một sự nới lỏng tiền tệ trong khuôn khổ định sẵn) nhằm ngăn chặn sự đình đốn trong nền kinh tế.
TTCK và bất động sản (BĐS) đang nhận được sự hỗ trợ mạnh và trực tiếp từ chính sách tiền tệ. Đồng thời, khi các kênh như vàng, gửi tiết kiệm đang giảm độ hấp dẫn, thì các kênh đầu tư chứng khoán trở nên thu hút mạnh đối với dòng tiền tiết kiệm trong dân. TTCK về trung hạn sẽ có chiều hướng tăng dần cả về giá cổ phiếu và tính thanh khoản.
Khoảng thời gian có xác suất xảy ra những sóng tăng mạnh có thể là cuối tháng 4, đầu tháng 5, khi tâm lý thị trường đang được hỗ trợ mạnh, kỳ vọng của NĐT đang rất lớn. Ngược lại, những hệ quả không mong muốn của chính sách (như áp lực lạm phát) có độ trễ khá lâu, sẽ chưa phản ánh vào nền kinh tế.
Trong ngắn hạn, dòng tiền nhiều khả năng sẽ tập trung vào các lĩnh vực như chứng khoán, ngân hàng, quỹ, với tiềm năng phục hồi từ các khoản hoàn nhập dự phòng đầu tư tài chính, hoàn nhập dự phòng nợ xấu và tăng trưởng tín dụng (ngân hàng), doanh số giao dịch (CTCK) hoặc thay đổi tích cực từ giá trị tài sản ròng (chứng chỉ quỹ), khi thị trường phục hồi.
Một số lĩnh vực khác có sự chuyển mình chậm hơn như BĐS, xây dựng, sau một thời gian độ trễ của chính sách sẽ tiếp cận được nguồn vốn lãi suất thấp, dần dần giảm được tồn kho, quay vòng được vốn.
Dòng tiền đầu tư trung - dài hạn sẽ chú ý đến các lĩnh vực tăng trưởng ổn định, cổ tức cao. Một số ví dụ là các lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu, dược và thiết bị y tế, khai thác khoáng sản, ngân hàng, dầu khí…, sẽ nhận được dòng tiền đầu tư trung - dài hạn (bao gồm cả dòng tiền từ khối NĐT nước ngoài).
Đầu tư chứng khoán
|