Góc nhìn tuần 16-20/04: Xu hướng điều chỉnh không quá lo ngại
Hầu hết các công ty chứng khoán vẫn tin tưởng xu hướng tích cực của thị trường trong tuần tới bất chấp áp lực điều chỉnh trong phiên cuối tuần.
Vùng kháng cự đe dọa thị trường
Công ty Chứng khoán ACB (ACBS): Trong các phiên tới, xu hướng trên có thể tiếp tục hoặc thậm chí VN-Index có thể đảo chiều. Với các chiến lược lướt sóng, chúng tôi khuyến nghị bán.
Tuy nhiên, nếu vượt qua 470-480 điểm, VN-Index sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho nhà đầu tư ngắn và dài hạn. Theo đó, về dài hạn, VN-Index có thể hồi phục về vùng kháng cự 520-530 hoặc thậm chí chinh phục lại đỉnh năm 2009 ở 633 điểm.
Tuy nhiên, 470-480 điểm là vùng kháng cự mạnh tồn tại hơn 1 năm qua. Do đó, các bẫy tăng điểm có thể sẽ xảy ra đặc biệt là sau khi thị trường đã tăng khá nóng trong thời gian qua. Nhà đầu tư nên thật cẩn thận trước các tín hiệu mua vào trong thời gian tới. Ở chiều giảm, chỉ số có thể quay về đáy nhỏ trước ở 436 hoặc xa hơn là vùng hỗ trợ 415-425.
HNX-Index cũng đang tạm dừng trước vùng kháng cự quan trọng 79-82 điểm. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, đây là lần thứ 3 vùng này được kiểm nghiệm nên nhiều khả năng sẽ bị phá vỡ. Nếu tình huống trên xảy ra, HNX-Index có thể sẽ chuyển qua xu hướng tăng dài hạn và hướng tới vùng giá 95-100 hoặc xa hơn là 130-140.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện hiện tại, nhà đầu tư ngắn hạn nên chọn giải pháp an toàn là đứng ngoài thị trường cho đến khi các breakout xảy ra. Ở chiều ngược lại, nếu vùng kháng cự 79-82 vẫn đứng vững, HNX-Index có thể giảm trở lại về mức đáy trước ở 72 điểm hoặc xa hơn là vùng hỗ trợ 64-65. Với quan điểm HNX-Index đã tạo đáy dài hạn, sóng điều chỉnh, nếu có, là cơ hội mua vào tốt cho nhà đầu tư dài hạn.
Nên xem xét bán ra
CTCP Chứng khoán FPT (FPTS): Sau sáu phiên tăng điểm liên tiếp, Vn-Index đang đối măt với áp lực chốt lời lớn, mặc dù tình hình vĩ mô đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên đã được phản ánh đầy đủ vào đợt tăng điểm mạnh từ 335-468. Trong ngắn hạn Vn-Index dễ bị tác động bởi mô hình hai đỉnh nhỏ.
Do đó đối với nhà đầu tư lướt sóng ngắn hạn nên xem xét bán ra khi Vn-Index quay trở lại kiểm tra ngưỡng 468 và chờ đợi mua lại khi Vn-Index tiến về vùng 450. Đối với nhà đầu tư lướt sóng chưa nắm giữ cổ phiếu nên kiên nhẫn chờ Vn-Index kiểm tra vùng 450 thì xem xét mua vào. Đối với nhà đầu tư dài hạn vẫn có thể dải ngân vào các mã cơ bản tốt.
Điều chỉnh không quá lo ngại
CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVS): Trong một xu hướng tăng, chúng tôi cho rằng việc thị trường xuất hiện 1-2 phiên điều chỉnh là không quá lo ngại. Những phiên này có thể là cơ hội tốt để nhà đầu tư thực hiện cơ cấu lại danh mục và gia tăng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu với mức giá hợp lý. Thị trường tuần tới nhiều khả năng tiếp tục có diễn biến tích cực, tuy nhiên sự phân hóa và đổi nhóm cổ phiếu dẵn dắt có thể xảy ra. Không loại trừ một phần dòng tiền sẽ chốt lời ở các mã bất động sản và tìm kiếm cơ hội ở các nhóm khác. Theo quan điểm của BVS, đây vẫn là giai đoạn thích hợp để lựa chọn các cổ phiếu bluechips, các cổ phiếu có cơ bản tốt cho chiến lược mua và nắm giữ.
Nến tuần tăng điểm của VN-Index và HNX-Index củng cố xu hướng tăng điểm trung hạn được xác lập từ khi VN-Index cắt lên SMA 200 tuần và HNX-Index cắt lên đường xu hướng giảm dài hạn. Sự gia tăng thuyết phục của khối lượng khớp lệnh tuần lên mức trên 450 triệu cổ phiếu mỗi sàn, tương đương với mức cao nhất từ đầu sóng tăng, cho thấy đà tăng của giá được hỗ trợ rất tốt bởi sự gia tăng của tiền.
Các tín hiệu đo dộ mạnh xu hướng trung và dài hạn tiếp tục đi lên trên đồ thị ngày của 2 chỉ số (đặc biệt là nhóm chỉ báo momentum). Sự đồng thuận đi lên của các chỉ báo ở các chu kỳ khác nhau là một tín hiệu ít gặp nên rất có ý nghĩa trong việc đánh giá độ mạnh của xu hướng hiện tại. Tuy nhiên, yếu tố quyết định khả năng mở rộng sóng vẫn là thanh khoản thị trường. Định hướng cho tuần tới, nếu giá tăng, thanh khoản cần tiếp tục cải thiện trong từng phiên so với tuần này và trên 450 triệu cho cả tuần. Nếu không, chúng tôi cho rằng sẽ không có cơ sở để lạc quan vào khả năng đi lên tiếp của thị trường.
Cơ hội gia tăng tỷ lệ nắm giữ
CTCP Chứng khoán Dầu khí (PSI): Sự thay đổi lớn trong chính sách điều hành tiền tệ, đặc biệt là việc “cởi trói” tín dụng bất động sản, dần dần sẽ tạo sự hỗ trợ gián tiểp, nới dư địa cho tín dụng vào chứng khoán. Điều này cũng đồng bộ với dự thảo sửa đổi TT13 khi hạ hệ số rủi ro của BĐS và chứng khoán từ mức 250% xuống 150% trong khoảng thời gian trước đó. Chính sách sẽ mất khoảng thời gian khá lâu mới tạo được những ảnh hưởng đáng kể tới thị trường, tuy nhiên thời điểm hiện tại, tâm lý thị trường đã tỏ ra rất tích cực.
Về mặt kỹ thuật, chỉ số hai sàn đã break out khỏi mô hình trung gian xu thế, và đang trong giai đoạn điều chỉnh nhẹ (retest) kiểm chứng lại các ngưỡng hỗ trợ mới thiết lập, cụ thể là 455 điểm với VN-Index, và 78 điểm với HNX-index. Trong điều kiện thanh khoản thị trường đi theo chiều hướng tăng dần, nhà đầu tư nên tận dụng những cơ hội điều chỉnh để gia tăng tỷ lệ cổ phiếu trong danh mục, tuy nhiên nên ưu tiên các mã cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng, hoặc tiềm năng phục hồi mạnh mẽ trong tương lai.
Có thể mở vị thế mua mới
CTCP Chứng khoán Kim Eng Việt Nam (KEVS): Thị trường phiên cuối tuần giảm nhẹ trên cả hai sàn sau phiên bứt phá trước đó. Nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn là nhóm mạnh nhất trên thị trường do các thông tin ủng hộ vừa được ban bố. Khối lượng giao dịch vẫn duy trì ở mức cao, phản ánh rằng dòng tiền tiếp tục ở trong thị trường
Dù thị trường điều chỉnh nhẹ, KEVS cho rằng VN-Index đã trở lại xu hướng tăng. Chỉ số HNX-Index tích cực ở mức độ vừa phải và yếu hơn một cách tương đối so với VN-Index.
Xét về phân tích kỹ thuật, với việc VN-Index tạo ra điểm bứt phá, khả năng thị trường đã trở lại xu hướng tăng giá. KEVS cho rằng các nhà đầu tư có thể mở các vị thế mua mới, tăng tỷ lệ cổ phiếu nắm giữ trong danh mục… Còn trên sàn Hà Nội, điểm phá vỡ mô hình tam giác trên đồ thị của HNX-Index chưa hoàn toàn rõ ràng. Do vậy, dù ngả về phía lạc quan, KEVS cho rằng chỉ số này vẫn chưa tích cực được như VN-Index. Vì thế, các vị thế mua mới nên mở với tỷ lệ thận trọng…
Viết Vinh tổng hợp (Vietstock)
finfonet
|