Thứ Năm, 19/04/2012 13:46

Hạ lãi suất: "Sân chơi" chỉ dành cho những ông lớn

Quyết định hạ lãi suất của NHNN được ví như mở cửa thoát hiểm cho các ngân hàng thương mại, nhưng còn doanh nghiệp vẫn phải chờ thêm.

Ngay sau khi NHNN tuyên bố hạ tiếp 1 điểm phần trăm (gọi tắt là 1%) lãi suất huy động (LSHĐ), nhiều NHTM tuyên bố không chỉ hạ LSHĐ mà cả lãi suất cho vay. Tại sao các NHTM lại sốt sắng như vậy? Có hay không "cuộc đua" giảm lãi suất? Lợi và hại trong cuộc đua này?

"Sân chơi" chỉ dành cho những ông lớn

Đúng như Doanh Nhân kỳ trước dự báo, NHNN đã quyết định "gỡ" những nút thắt tín dụng bằng cách mở van tín dụng cho bất động sản (BĐS) và cho vay tiêu dùng. Theo lời Thống đốc Nguyên Văn Bình, tín dụng phi sản xuất đã mở đến 50% và không loại trừ khả năng sẽ được mở tiếp. Tuy nhiên, các NHTM vẫn phải tuân thủ giới hạn tỷ lệ cho vay phi sản xuất ở mức không vượt quá 16%/tổng dư nợ. "Được lời như cởi tấm lòng", lập tức các NHTM đua nhau cắt giảm lãi suất cho vay, không chỉ cho các đối tượng thuộc diện được ưu tiên, mà với cả lĩnh vực phi sản xuất. Tiên phong vẫn là BIDV. Ngay trong chiều ngày 11/4 - ngày NHNN tuyên bố hạ tiếp 1% lãi suất huy động, NHTM này đã công bố: Cho vay bất động sản (BĐS) áp dụng như cho vay thông thường, và giảm đến 2,5%/năm so với mức áp dụng ở thời điểm đó (ngắn hạn còn từ 14,5%/năm; 16%/năm đối với cho vay trung, dài hạn). BIDV cũng giảm 1%/năm lãi suất cho vay đối với tín dụng tiêu dùng và chứng khoán. Cùng với BIDV, một số NHTM khác cũng công bố các gói tín dụng lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp. Ví dụ, ABBANK dành nguồn vốn 2.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu với lãi suất ưu đãi giảm đến 2%/năm so với lãi suất cho vay thông thường. Lãi suất cho vay thông thường hiện khoảng 20%/năm, nên xem ra, dù đã giảm, doanh nghiệp vẫn phải vay với mức lãi suất 18%/năm.

Techcombank áp dụng mức lãi suất từ 15%/năm với nguồn tín dụng 4.000 tỷ đồng dành cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, nông nghiệp nông thôn, hàng tiêu dùng thiết yếu, các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng truyền thống…

Cùng với BIDV, nhiều NHTM khác cũng công bố điều chỉnh biểu lãi suất huy động. Nhưng điểm dễ nhận thấy nhất là các kỳ hạn từ 1 - 12 tháng vẫn có cùng mức 12%/năm - mức trần theo quy định. Các NHTM chỉ điều chỉnh giảm mạnh ở các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Tại kỳ hạn dài này mới có sự phân nhóm rõ rệt. Một số NHTM đưa về mức 10%/năm. Tại ngân hàng ACB, lãi suất tối đa chỉ áp dụng cho kỳ hạn 12 và 13 tháng, từ 1 - 9 tháng lãi suất 11,88%/năm. Tại Eximbank, kỳ hạn từ 1 - 11 tháng lãi suất 11,95%/năm, từ 12 - 60 tháng lãi suất ở mức tối đa 12%/năm.

Lãi suất cho vay phổ biến đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu ở mức 14,5-16%/năm, thấp nhất 13,5%/năm áp dụng đối với khách hàng doanh nghiệp cam kết bán ngoại tệ cho ngân hàng; cho vay sản xuất - kinh doanh khác 16,5 - 20%/năm, thấp nhất 15%/năm, cho vay lĩnh vực phi sản xuất 20 - 25%/năm.

Mức chênh lệch giữa lãi suất đầu vào và đầu ra ở mức 2,5% được cho là "chấp nhận được". Như vậy, nếu lãi suất huy động bình quân của ngân hàng nào ở quanh mức 12%/năm thì họ có thể cho vay với mức lãi suất 14,5% đến 16%/năm - đúng như tuyên bố của Thống đốc NHNN.

Thế nhưng, thực tế hiện chỉ có một số ít NHTM lớn đủ tự tin giữ lãi suất huy động ở mức 12%/năm, còn lại nhiều NHTM vẫn phải chấp nhận tìm mọi cách có thể để thu hút vốn huy động vì thanh khoản của họ chưa thực sự được cải thiện. Theo công bố của NHNN, tuần đầu tháng 4 này, lãi suất đã giảm nhưng tổng doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng bằng VND đạt xấp xỉ 182.747 tỷ đồng, bình quân khoảng 36.549 tỷ đồng/ngày. Các giao dịch tập trung chủ yếu vào các kỳ hạn ngắn là qua đêm và 1 tuần (chiếm 68% tổng doanh số giao dịch bằng VND). Điều đó cho thấy thanh khoản của một số NHTM chưa thực sự được cải thiện. Và họ sẽ là những người đứng ngoài cuộc chơi giảm lãi suất cho vay.

Hai kịch bản chưa có hồi kết

Câu hỏi đặt ra trong nhiều tháng nay vẫn là ai được vay ở mức lãi suất ưu đãi? Tại sao nhiều doanh nghiệp tỏ ra thờ ơ với việc giảm lãi suất?

Khi tung ra các gói tín dụng ưu đãi, các NHTM đều nói rất rõ dành cho những đối tượng nào. Các ngân hàng chủ yếu dành cho những đối tượng được ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ. Cụ thể là doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), doanh nghiệp xuất khẩu và nông nghiệp nông thôn. Thế nhưng, dù là đối tượng nào đi nữa, đặc biệt đối với những khách hàng muốn vay với mức lãi suất thấp thì phải là những doanh nghiệp "khỏe mạnh". Xét trong từng nhóm đối tượng này, các DNVVN lâu nay vẫn "nổi tiếng" về sổ sách kế toán "nhiều chế độ", đã và đang chống chọi với thời kỳ sản xuất kinh doanh đầy khó khăn… Vậy có bao nhiêu DNVVN vẫn còn khỏe mạnh để đáp ứng được các điều kiện của ngân hàng? Với đối tượng tam nông sẽ lại càng khó khăn hơn khi đòi hỏi họ chuẩn hóa được các quy định về tài chính, quy mô hoạt động, chưa nói tới khả năng am hiểu các quy định pháp luật nói chung và ngân hàng nói riêng để có thể tiếp cận vốn ngân hàng. Nhóm đối tượng ưu tiên thứ ba - các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu. Mức lãi suất cho đối tượng này tương đối hấp dẫn, như Techcombank đang cho vay là 14%/năm. Nhưng để được vay, doanh nghiệp sẽ phải đáp ứng các điều kiện về mua bán ngoại tệ của ngân hàng; đồng thời ngân hàng có nhã ý "mời" doanh nghiệp sử dụng trọn gói các sản phẩm dịch vụ kèm theo. Đây chính là một trong những lý do NHNN quyết định nới tín dụng phi sản xuất ra, mở cửa thoát hiểm cho các NHTM ngay lúc này. Lấy một NHTM lớn làm ví dụ. Tăng trưởng phi sản xuất của ngân hàng này năm 2011 là 9,54%, trong đó bất động sản chiếm 6,57%, chứng khoán 0,34% và tiêu dùng 2,63%. Với tổng dư nợ tín dụng lên đến hơn 270.000 tỷ đồng, số dư nợ thực tế vào bất động sản của ngân hàng này khá lớn. Việc NHNN mở van tín dụng bất động sản sẽ tạo điều kiện để họ xử lý những món nợ hiện tại, đặc biệt là cho vay đáo hạn để đảm bảo vốn cho doanh nghiệp tái sản xuất và duy trì hoạt động kinh doanh. Không những thế, họ sẽ cơ cấu lại các kỳ hạn trả nợ, thời gian trả nợ cho doanh nghiệp, một mặt giúp doanh nghiệp sống tiếp trong bối cảnh thị trường đóng băng như hiện nay, mặt khác sẽ góp phần làm "đẹp" bảng cân đối tài sản của ngân hàng. Hơn nữa, cho vay các lĩnh vực như chứng khoán, bất động sản hay tiêu dùng sẽ phần nào bù đắp cho tăng trưởng tín dụng bị NHNN hạn chế.

Kịch bản tốt là NHTM vẫn huy động được tiền gửi dân cư ở mức trần NHNN quy định, tạo tiền đề để lãi suất cho vay tiếp tục giảm dần như Thống đốc NHNN kỳ vọng; doanh nghiệp vay được vốn, vực được sản xuất; kỳ vọng lạm phát giảm, người dân sẵn sàng vay vốn để tiêu dùng, kích thích sản xuất. Việc khó lòng kiểm soát được vốn vay tiêu dùng chảy sang chứng khoán cũng khiến thị trường chứng khoán, bất động sản có động lực để tươi trở lại…

Kịch bản xấu là từ tháng 5/2012, lương tối thiểu tăng, giá cả tăng theo, dẫn đến lạm phát tăng, VND mất giá, lãi suất tiền gửi ngân hàng âm, khiến người dân chuyển VND sang vàng, USD… Và nền kinh tế lặp lại bối cảnh lạm phát cao, sản xuất đình đốn, tăng trưởng kinh tế thấp; vàng và USD lại tiếp tục nhảy múa… Cũng cần phải nhắc lại, độ trễ chính sách thường là 6 đến 9 tháng. Vì thế, phải chờ đến thời điềm đó mới biết tác động, thực sự của chính sách lãi suất sẽ ra sao?

Thái Thanh

diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Tại sao ngân hàng Việt ồ ạt 'săn' CEO ngoại? (19/04/2012)

>   Các ngân hàng đang gặp những khó khăn gì? (19/04/2012)

>   Sẽ phải trả giá nếu ép tín dụng (19/04/2012)

>   Trần lãi suất, cần có lộ trình giảm tiếp (19/04/2012)

>   Ba phương án tăng vốn khả dĩ cho ngân hàng (19/04/2012)

>   Ngân hàng xoay xở đầu ra (18/04/2012)

>   Nhiều ngân hàng mạnh dạn cho vay lĩnh vực BĐS (18/04/2012)

>   Ngân hàng vẫn 'đi đêm' lãi suất (18/04/2012)

>   VCBS: Lãi suất có thể giảm còn 10% vào cuối năm 2012 (19/04/2012)

>   Công cụ để bảo vệ các doanh nghiệp xuất khẩu (18/04/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật