Sẽ phải trả giá nếu ép tín dụng
Giới chuyên môn cảnh báo, nếu ép tín dụng tăng để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng đề ra cho cả năm là 15 - 17%, có thể nền kinh tế năm 2013 phải trả giá.
Khó tăng trưởng 15 - 17%
Quý I/2012, tín dụng tăng trưởng âm đã khiến hàng chục nghìn doanh nghiệp bị phá sản, giải thể. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ đạo hạ lãi suất, tái cơ cấu nợ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Nhưng dường như, các giải pháp này chỉ “vỗ béo” cho ngân hàng, kéo dài sự trì trệ của doanh nghiệp nhà nước, bởi dòng vốn này vẫn chỉ loanh quanh trong các ngân hàng và các doanh nghiệp nhà nước mà chưa bơm ra được nền kinh tế. Trước tình hình này, nhiều ý kiến cho rằng, NHNN nên có các giải pháp mạnh tay hơn để khơi thông nguồn vốn, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình tỏ ra lạc quan: “Tháng 3/2012, tín dụng đã bắt đầu tăng trưởng dương 1%. Với đà này, mỗi tháng tới, tín dụng tăng 1,5 - 2%/tháng, thì cuối năm, tăng trưởng tín dụng hoàn toàn có thể đạt 15 -17% như mục tiêu đề ra”.
Dù vậy, ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, với tình hình sức khỏe doanh nghiệp và tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện nay, khả năng tăng trưởng tín dụng 15 -17% trong năm nay là rất khó. “Nếu tăng mạnh lắm thì quý II/2012 tín dụng tăng 5- 6%; 6 tháng cuối năm tín dụng không thể đạt 12-13% để cuối năm đạt tổng tăng trưởng tín dụng 15-17% được. Nếu cứ cố ép tín dụng tăng, thì khả năng nền kinh tế sẽ phải trả giá đầu năm 2013”, ông Ngoạn cảnh báo.
Đồng quan điểm, PGS -TS Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, tình hình kinh tế từ nay đến hết tháng 6/2012 rất khó khăn, việc mỗi tháng tăng trưởng tín dụng hơn 2% khó đạt được.
Theo ông Vũ Viết Ngoạn, cần lường trước những hệ lụy do tăng trưởng tín dụng thấp đối với nền kinh tế để có giải pháp khắc phục, như là chủ động “mở” chính sách tài khóa, bởi dù kiên định chính sách tiền tệ, tài khóa chặt chẽ, nhưng cần linh hoạt trong phối hợp chính sách.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, không nhất thiết ép tín dụng năm nay phải tăng trưởng 17% vì còn phụ thuộc mục tiêu kiềm chế lạm phát. Song nếu “thắt” tín dụng thì phải mở linh hoạt các chính sách khác để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo tăng trưởng kinh tế hợp lý.
Thanh khoản, trần lãi suất làm tắc tín dụng
TS. Vũ Đình Ánh nhận định, vấn đề hiện nay không phải là thiếu vốn, mà đồng vốn đang bị tắc. Vì vậy, cần phát hiện vốn bị tắc ở đâu để khơi thông.
Còn theo ông Vũ Viết Ngoạn, sở dĩ tín dụng chưa tăng trưởng được như mục tiêu dù lãi suất đã giảm có nguyên nhân từ thanh khoản. “Nói thanh khoản dồi dào là không chính xác. Vẫn còn một bộ phận ngân hàng kém thanh khoản, chứ không chỉ 6% yếu kém thanh khoản như lời của NHNN. Nếu không giải quyết được thanh khoản của bộ phận này, sẽ ảnh hưởng đến toàn hệ thống, không hạ lãi suất được”.
Đồng quan điểm, TS. Phạm Đỗ Chí, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, Thống đốc NHNN nói chỉ 6% ngân hàng thiếu thanh khoản, nhưng “sự thực không phải thế”. “Nhiều ngân hàng thiếu thanh khoản do không thu hồi được nợ xấu để trả các khoản gửi lãi suất cao và trả khoản vay tái cấp vốn. Do vậy, lãi suất cao, ngân hàng vẫn phải huy động vốn để trả các khoản nợ. Chắc chắn 6% ngân hàng yếu không thể gây ra tình trạng thanh khoản yếu hiện nay. NHNN cần tìm hiểu xem, vốn đó đã và đang đi đâu, nếu không thì không thể giải quyết được vấn đề thanh khoản”, ông Chí nói.
Một vấn đề khác khiến thanh khoản bị tắc, theo các chuyên gia kinh tế, là trần huy động. Vì thế, có ý kiến cho rằng, NHNN chỉ cần áp trần cho vay, chứ không cần áp trần huy động. Trong khi đó, ông Trịnh Quang Anh, Giám đốc nghiên cứu kinh tế, Ngân hàng Hàng hải lại đặt vấn đề, việc bỏ trần lãi suất đã nguy hiểm, nhưng đặt thêm trần lãi suất cho vay càng sai lầm, vì rất dễ lách.
“Áp trần lãi suất cho vay sẽ vô tác dụng, vì không thể ép ngân hàng, thà không cho vay mà vẫn còn tiền, hơn là cho vay mà có thể mất”, ông Quang Anh khuyến nghị.
Thùy Liên
Đầu tư
|