Thứ Tư, 18/04/2012 13:14

Công cụ để bảo vệ các doanh nghiệp xuất khẩu

Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu là công cụ bảo vệ nhà xuất khẩu trước rủi ro thương mại của nhà nhập khẩu như mất khả năng thanh toán nợ, phá sản, chậm thanh toán và một số rủi ro thương mại nhất định.

Trong bối cảnh suy thoái kinh tế thế giới tác động tiêu cực tới Việt Nam, khiến cho phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu phải chịu những áp lực tài chính ngày một gia tăng, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu cần được xem là công cụ chiến lược thúc đẩy xuất khẩu. Tuy nhiên, việc phát triển mạnh loại hình bảo hiểm tín dụng này tại Việt Nam vẫn còn là thách thức lớn.

Công cụ thúc đẩy xuất khẩu

Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu là công cụ giúp các nhà xuất khẩu giảm rủi ro về thanh toán của người mua bên kia bởi không phải lúc nào nhà nhập khẩu cũng hoàn toàn thực hiện đúng bản chất tài chính trong hợp đồng thương mại. Tuy nhiên, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu là sản phẩm đặc thù tương đối mới nên nhiều doanh nghiệp còn e dè khi tham gia.

Chính phủ đã có đề án cụ thể nhằm hỗ trợ mang tính chất thí điểm cho các doanh nghiệp xuất khẩu tại Quyết định 2011/QĐ-TTg ngày 5/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện thí điểm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, được xem là giải pháp đảm bảo an toàn về tài chính cho các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài. Với mục tiêu thí điểm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu đạt tối đa 3% kim ngạch xuất khẩu, đây chính là một trong những chính sách thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu là nguồn tín dụng có ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, góp phần giảm bớt khó khăn và nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu còn là chỗ dựa rất lớn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh tình hình tài chính, tín dụng còn nhiều khó khăn như hiện nay.

Mặc dù, khi doanh nghiệp tham gia bảo hiểm tín dụng xuất khẩu sẽ được được hưởng ưu đãi hỗ trợ 20% phí bảo hiểm gốc của hợp đồng và doanh nghiệp đóng 80% phần còn lại nhưng số doanh nghiệp tham gia vẫn rất ít, kể cả doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn, chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Ông Trịnh Thanh Hoan - Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài Chính) cho rằng doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam thường không nghĩ đến lợi ích lâu dài nên không “mặn mà” với bảo hiểm tín dụng xuất khẩu. Trong thời kỳ kinh tế khó khăn, rủi ro luôn luôn rình rập doanh nghiệp, khả năng trì hoãn thanh toán, mất khả năng thanh toán, từ chối nhận hàng... của bên nhập khẩu luôn có thể xảy ra. Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu là vấn đề mới đối với cơ quan quản lý nhà nước, mới đối với doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp bảo hiểm, vì thế, không thể thực hiện một cách nóng vội mà phải từng bước.

Và những thách thức

Nói về những khó khăn trong quá trình thực hiện thí điểm đề án bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, ông Phạm Đình Trọng - Cục phó Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho rằng bảo hiểm tín dụng xuất khẩu ở Việt Nam là sản phẩm bảo hiểm mới đối với nhà quản lý, doanh nghiệp bảo hiểm và cả doanh nghiệp xuất khẩu. Đối với doanh nghiệp bảo hiểm, đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, chi phí đầu tư phần mềm lên đến hàng triệu USD. Số lượng hợp đồng bảo hiểm tín dụng xuất khẩu ít, khó đảm bảo quy tắc số đông bù số ít.

Do chưa có thói quen mua bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, chưa chuẩn bị ngân sách cho việc mua bảo hiểm, các doanh nghiệp vẫn sử dụng các phương thức thanh toán truyền thống để tự bảo vệ mình. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp còn có tâm lý mua bảo hiểm xuất khẩu sẽ làm tăng thêm chi phí, dẫn đến tăng giá thành khi thực hiện xuất khẩu.

Hiện tại có 7 doanh nghiệp bảo hiểm được Bộ Tài chính “chọn mặt gửi vàng” triển khai thí điểm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, gồm: Tổng công ty bảo hiểm Bảo Việt, Tổng công ty cổ phần Bảo Minh, Tổng công ty bảo hiểm PVI, Công ty liên doanh bảo hiểm Bảo Việt Tokio Marine, Công ty bảo hiểm QBE Việt Nam, Công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm Chartis Việt Nam, Công ty bảo hiểm Liên hiệp.

Bộ Tài chính đang nghiên cứu để không chỉ giới hạn trong 7 doanh nghiệp bảo hiểm nòng cốt này mà mở rộng ra 29 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ khác nhằm tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu thỏa mãn điều kiện, không phân biệt thương nhân nước ngoài hay trong nước miễn có xuất khẩu 23 mặt hàng quy định trong Thông tư 2011 của Thủ tướng Chính phủ tham gia bảo hiểm tín dụng xuất khẩu được hỗ trợ 20% phí bảo hiểm.

Mặc dù lợi ích của bảo hiểm tín dụng xuất khẩu đã rõ ràng nhưng số doanh nghiệp tự nguyện tham gia bảo hiểm tín dụng xuất khẩu chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Ông Nguyễn Văn Thành - Tổng giám đốc Tống công ty cổ phần Bảo Minh cho rằng Việt Nam là thị trường mới nên việc triển khai bảo hiểm tín dụng xuất khẩu không được nóng vội, phải dần dần để rút kinh nghiệm, tìm được giải pháp thích hợp hơn.

Thực tế, các nước trên thế giới triển khai loại hình bảo hiểm này đã lâu nhưng cũng không dễ dàng, chỉ có một số nước đang triển khai tốt nghiệp vụ này như Pháp, các nước châu Mỹ, châu Âu. Tại thị trường châu Á, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu vẫn chưa thể thực hiện được. Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam chưa hiểu được hết tác dụng của bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, ngoài việc đảm bảo an toàn khi người mua không thanh toán, trong quá trình xuất khẩu, công ty bán bảo hiểm cũng sẽ tư vấn những vấn đề liên quan đến rủi ro như thị trường, khách hàng.

Mặc dù là một trong những doanh nghiệp bảo hiểm đầu tiên được Bộ Tài chính chọn triển khai thí điểm, đến nay Bảo Minh chỉ có gần 10 doanh nghiệp triển khai bảo hiểm tín dụng xuất khẩu với giá trị phí bảo hiểm khoảng 10 tỷ đồng.

Theo ông Thành, rủi ro luôn luôn rình rập, kinh tế càng khó khăn, mức độ rủi ro càng cao nên những doanh nghiệp xuất nhập khẩu muốn bảo toàn vốn liếng của mình phải quan tâm đến bảo hiểm tín dụng xuất khẩu.

Cùng là một trong 7 doanh nghiệp được lựa chọn triển khai thí điểm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu nhưng đến thời điểm hiện nay, Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt vẫn chưa có hợp đồng nào của loại hình bảo hiểm này.

Ông Quách Thành Nam - đại diện Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt cho biết Bảo Việt đang trong giai đoạn cuối cùng thương thảo khách hàng, hiệu chỉnh đầu tư phần mềm bởi chi phí đầu tư rất công phu, tốn kém và mất nhiều thời gian. Dự kiến đến 1/6/2012 sẽ hoàn thiện cơ sở dữ liệu và có những khách hàng đầu tiên.

Theo ông Nam, giá trị gia tăng nổi bật nhất khi doanh nghiệp tham gia bảo hiểm tín dụng xuất khẩu là doanh nghiệp được trao quyền tự truy cập vào hệ thống cơ sở dữ liệu trên nền tảng Internet để theo dõi tất cả các đơn hàng mà họ đăng ký bảo hiểm hoặc những quy định cấp hạn mức tín dụng…

Đối tượng khách hàng của Bảo Việt, ngoài những khách hàng đầu tiên theo trọng tâm của 23 nhóm ngành hàng trong đề án, thuộc chương trình tài trợ xuất khẩu của các ngân hàng, một số ngành hàng như thủy sản, càphê...

Rõ ràng, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu không chỉ là giải pháp an toàn đối với doanh nghiệp xuất khẩu mà còn là công cụ thúc đẩy xuất khẩu, gia tăng tính cạnh tranh.

Sắp tới Cục Quản lý, Giám sát Bảo hiểm sẽ tiếp tục làm việc với hiệp hội ngành hàng để tuyên truyền bảo hiểm tín dụng xuất khẩu đến với từng doanh nghiệp./.

Việt Âu

vietnam+

Các tin tức khác

>   Nghịch lý thị trường liên ngân hàng (18/04/2012)

>   Đồng tiền thời "vay cũng chết, không vay cũng chết" (18/04/2012)

>   Hướng tới thành lập Ngân hàng Hợp tác xã (18/04/2012)

>   Trần lãi suất: Dồn NH yếu vào bước đường cùng (18/04/2012)

>   Quyền chọn USD/VND: Bán áo bông ngày hè? (18/04/2012)

>   DN dám mặc cả với ngân hàng? (18/04/2012)

>   Thông tư 10: TCTD phải hạn chế tăng trưởng tín dụng nếu nợ xấu 10% liên tục 3 tháng (17/04/2012)

>   Gia tăng dự phòng rủi ro TCTD (17/04/2012)

>   Tính đến 26/03, tăng trưởng tín dụng giảm 1.96% (17/04/2012)

>   Tuần từ 09-13/04: Doanh số giao dịch bằng USD giảm 55% (17/04/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật