Trần lãi suất, cần có lộ trình giảm tiếp
Với những thay đổi gần đây trong chính sách nới lỏng tiền tệ, ANZ dự báo, lãi suất sẽ tiếp tục được NHNN cắt giảm thêm, khoảng hơn 4% trong cả năm.
Trong khi ý kiến đưa ra từ các chuyên gia tài chính nước ngoài cho rằng, động thái giảm trần lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gần đây là quá nhanh, thì một số thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nhận định, lãi suất giảm là phù hợp trong bối cảnh thị trường hiện nay và cần có lộ trình giảm tiếp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Mặt bằng lãi suất đang trên đà giảm dần khi trần lãi suất huy động tiếp tục được NHNN cắt giảm thêm mức 1%, xuống 12%/năm. Tuy lãi suất cho vay chưa giảm về mức kỳ vọng, nhưng so với tháng trước, hiện mặt bằng lãi vay đã giảm trên dưới 2%/năm. Đặc biệt, các khoản vốn cho vay trong lĩnh vực được ưu tiên (xuất nhập khẩu, sản xuất - kinh doanh), lãi suất nhiều ngân hàng áp dụng chỉ còn 15 - 16%/năm. Chẳng hạn, tại VietinBank (CTG), Vietcombank (VCB), lãi suất thấp nhất còn 15,5%/năm. Còn tại Eximbank (EIB), Sacombank (STB), lãi suất cho vay ưu đãi ở mức thấp nhất từ 16 - 16,5%/năm.
Theo PGS. TS Trần Hoàng Ngân, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP. HCM, đồng thời là thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, trần lãi suất giảm là phù hợp trong bối cảnh hiện nay, khi các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, thách thức và cần được chia sẻ về mặt lãi suất vay vốn từ ngân hàng.
Ông Ngân cho rằng, ít nhất mỗi quý, lãi suất huy động phải giảm 1%/năm. Khi đó, ngân hàng mới có điều kiện tiết giảm chi phí đầu vào, hạ lãi suất đầu ra.
Theo ông Ngân, xu hướng lạm phát đang có chiều hướng đi xuống và khả năng kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2012 ở mục tiêu kỳ vọng một con số là hoàn toàn khả thi, khi tình hình nhập siêu trong 3 tháng đầu năm nay chỉ ở mức 250 triệu USD so với cùng kỳ năm trước là 3 tỷ USD. Bên cạnh đó, thị trường ngoại tệ đang trong chiều hướng ổn định, tỷ giá khó biến động mạnh. Đồng thời, NHNN tiếp tục siết cho vay ngoại tệ. Đây chính là những yếu tố tác động tích cực đến CPI. Một khi CPI giảm sẽ tác động tích cực đến lãi suất. Do đó, việc điều chỉnh trần lãi suất huy động thời gian qua của NHNN là phù hợp với diễn biến thực tế thị trường.
Trao đổi với ĐTCK, TS Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia chia sẻ nhận định, lãi suất đang giảm trên cơ sở hạ nhiệt của xu hướng lạm phát và điều đó hoàn toàn phù hợp với tình hình thị trường. Lạm phát tháng 3 tính theo năm còn 14% và dự báo hết tháng 4 sẽ ở mức 13%. Vì vậy, theo TS Kiêm, không có lý do gì không giảm trần lãi suất huy động tiền đồng để dần giảm lãi suất cho vay nhằm “cứu” doanh nghiệp.
Trên thực tế hiện nay, dù tăng trưởng dư nợ 3 tháng qua liên tục âm, nhưng các ngân hàng vẫn khó cắt giảm được chi phí huy động vốn (kể cả những nhà băng đang thừa tiền), nếu NHNN không giảm trần lãi suất huy động. Bởi theo ông Kiêm, trong hệ thống NHTM Việt Nam hiện nay không đồng đều về quy mô, do đó các ngân hàng nhỏ thanh khoản yếu phải cạnh tranh bằng mọi giá để thu hút tiền gửi. Khi đó, các nhà băng lớn dù thừa vốn khả dụng cũng ngại cắt giảm lãi suất huy động, vì sợ tiết kiệm chuyển hướng sang ngân hàng áp dụng lãi suất huy động cao hơn, dẫn đến cuộc cạnh tranh thu hút tiết kiệm gay gắt.
Do vậy, việc giảm trần lãi suất huy động hiện nay là cơ sở để giảm lãi suất cho vay. Khi lãi suất huy động giảm, lãi suất cho vay cũng phải giảm thì các doanh nghiệp mới có cơ hội tiếp cận vốn vay để sản xuất - kinh doanh. Ông Kiêm cho rằng, các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn và khó khăn lớn nhất chính là thiếu vốn. Nhưng do lãi suất cho vay thỏa thuận còn cao nên doanh nghiệp không thể vay được, khiến hoạt động sản xuất phải co lại, dẫn đến đình trệ, khả năng phá sản tăng. Vì thế, lãi suất phải giảm thêm, giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng với chi phí hợp lý để thúc đẩy sản xuất phát triển.
Tuy nhiên, một số ý kiến được đưa ra từ các chuyên gia tài chính, kinh tế nước ngoài lại cho rằng, việc điều chỉnh trần lãi suất huy động giảm thêm mức 1% của NHNN trong ngày 11/4 vừa qua là quá nhanh và nếu không thận trong sẽ tác động lạm phát tăng cao trở lại.
Ngân hàng ANZ đánh giá, đợt cắt giảm trần lãi suất lần thứ hai (xuống 12%/năm) tính từ đầu năm đến nay, sau đợt cắt giảm mức lãi suất 1% vào giữa tháng 3 (xuống 13%/năm) vừa qua của NHNN là một bước đi khá bất ngờ. Chính sách cắt giảm lãi suất này là kết quả của mức tăng trưởng GDP thấp hơn so với dự đoán trong quý I/2012 (4%, mức thấp nhất kể từ quý I/2009) và điều này cũng dẫn đến dự báo tăng trưởng kinh tế thấp hơn trong cả năm nay. Đồng thời, lạm phát giảm cũng là nhân tố ảnh hưởng đến quyết định giảm trần lãi suất huy động.
“Mặc dù chính sách giảm lãi suất không làm thay đổi nhận định của chúng tôi rằng, lạm phát sẽ xuống mức một con số vào cuối năm 2012, nhưng tốc độ điều chỉnh quá nhanh của chính sách bình ổn tiền tệ không khỏi làm chúng tôi lo ngại. Thứ nhất, việc nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh tay này có thể sẽ khiến kỳ vọng lạm phát tăng cao trở lại và gây khó khăn cho việc duy trì mức lạm phát trong tầm kiểm soát như hiện nay. Thứ hai, lạm phát suy giảm gần đây chủ yếu là do giá cả thực phẩm giảm. Trong khi đó, giá cả của các mặt hàng phi thực phẩm, đơn cử như xăng dầu vẫn tương đối cao và vừa mới tăng thêm. Vì thế, chúng tôi hy vọng, NHNN sẽ giữ nguyên chính sách lãi suất trong quý II để có thời gian đánh giá những ảnh hưởng của đợt giảm lãi suất vừa rồi đối với tốc độ phát triển kinh tế”, chuyên gia ANZ, ông Paul Gruenwald nói.
Song, với những thay đổi gần đây trong chính sách nới lỏng tiền tệ, ANZ dự báo, lãi suất sẽ tiếp tục được NHNN cắt giảm thêm, khoảng hơn 4% trong cả năm nay. Tuy nhiên, vẫn cần quan sát kỹ các biến động của lạm phát để có chính sách hợp lý nhất.
Thùy Vinh
Đầu tư chứng khoán
|