Đối tác chiến lược: 1+1= nhiều hơn 2
Một nét nổi bật trên thị trường chứng khoán hiện nay được nhà đầu tư (NĐT) nhắc đến là chuyện các doanh nghiệp (DN) đã và đang dự định chào bán cổ phần cho NĐT nước ngoài tốt hơn hẳn mức giá thị trường. Tuy nhiên, đằng sau những thương vụ đó vẫn còn ẩn chứa nhiều điều khiến các NĐT nhỏ lẻ phải thận trọng.
Tiền rót, chấm nâng
Vào quý I/2012, các thương vụ bán cổ phần giá cao bùng nổ giúp thương hiệu của một số DN trở nên có giá dù thị trường vẫn còn ảm đạm.
Chẳng hạn, cuối tháng 3 vừa qua, Công ty CP Xây dựng Cotec (Contecon) tuyên bố phát hành riêng lẻ thành công gần 25% vốn cổ phần cho Tập đoàn Kusto Group chuyên đầu tư về các lĩnh vực khai khoáng và bất động sản. Cuộc “hôn nhân” mang về cho Contecon 25 triệu USD khi giá bán cho đối tác cao hơn hẳn giá thị trường 25%.
Hồi đầu năm, Công ty CP Kinh Đô đã bắt tay hợp tác với Tập đoàn thực phẩm Ezaki Glico của Nhật Bản. Giá cổ phiếu KDC khi đó dưới 3 chấm nhưng theo tiết lộ của ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Kinh Đô, để nắm 10,5% vốn cổ phần của thương hiệu bánh kẹo số 1 Việt Nam, đối tác Nhật chấp nhận trả tới 45.000 đồng/cổ phiếu.
Trước đó, giữa năm 2011, nhiều DN thành công trong việc bán giá cao gần gấp đôi cho đối tác nước ngoài như: Tập đoàn đồ uống Diageo Plc bỏ ra hơn 50 triệu USD để sở hữu gần 25% cổ phần của Công ty CP Cồn Rượu Hà Nội (Halico).
Tập đoàn Mỹ chuyên đầu tư vào các DN tư nhân, Kohlberg Kravis Roberts, rót 159 triệu USD vào Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan để nắm hơn 10% cổ phần...
Từ những thành công trên mà mới đây, Công ty CP Cơ điện lạnh (REE) trình Đại hội cổ đông kế hoạch phát hành hơn 550 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi, nhưng ngay lập tức bị Quỹ Đầu tư One Group phản đối gay gắt vì mức giá chuyển đổi phải là 27.000 đồng chứ không phải 22.000 đồng/cổ phiếu.
Không ít cổ đông nhỏ có mặt tại đại hội nhận xét “lòng tham” của quỹ đầu tư Mỹ này dường như không đáy. Đó là mức giá đề xuất này đã cao hơn thị giá cổ phiếu REE hiện tại gần 60%.
Chưa hết, nếu mổ xẻ từng điều kiện thì mức giá chuyển đổi không hề dễ chịu cho trái chủ. Bởi lẽ, việc chuyển đổi chỉ có thể tiến hành từ năm thứ ba và hằng năm trái tức chỉ khiêm tốn 6% trong khi giới ngân hàng (NH) dự báo lãi suất đi vay trong cả năm 2012 vẫn dao động trong khoảng 17-20%/năm.
Lòng vòng tiền chạy
Nói vậy nhưng dù sao đến nay, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT REE vẫn chưa tiết lộ gương mặt đối tác chiến lược mà chỉ cho biết “REE chưa quyết định lựa chọn đối tác cuối cùng nhưng cả Công ty và NĐT nước ngoài đều đang quan tâm đến sự hợp tác này. Hy vọng REE không chỉ tìm được đối tác chiến lược về tài chính, mà còn là đối tác đóng góp vào sự phát triển bền vững của Công ty trong tương lai”.
Tương tự, dù chưa niêm yết nhưng DongA Bank cũng đánh tiếng về việc lựa chọn đối tác nước ngoài. Tính đến nay, dù chưa biết mặt mũi đối tác nước ngoài của DongA Bank ra sao, nhưng cổ phiếu của NH đã tăng lên 1.1 sau một thời gian dài duy trì dưới mệnh giá là 0.8 trên thị trường OTC.
Có lẽ REE và DongA Bank không phải là DN duy nhất hiện nay nuôi tham vọng bán được cổ phần giá cao cho NĐT nước ngoài, mà đây có thể là xu hướng chung của các công ty trong nước hòng nâng giá trị cổ phiếu của công ty lên tầm cao mới.
Về trường hợp của REE, ông Dominic Scriven, CEO của Quỹ Đầu tư Dragon Capital, thành viên HĐQT của REE, nói rằng, nếu REE có thể tìm được đối tác chiến lược vừa giúp công ty mạnh về tài chính, vừa củng cố các hoạt động hiện nay thì giá không phải là yếu tố quan tâm hàng đầu.
Như vậy, các DN trong nước đang có những chiến lược đúng, nhưng để làm được điều đó đối với người trong cuộc là không dễ dàng. Bởi lẽ, với cuộc “hôn nhân” Kinh Đô - Ezaki Glico, điểm gặp gỡ của hai bên không chỉ nằm đơn thuần ở khía cạnh tài chính.
Theo ông Trần Lệ Nguyên, thỏa thuận hợp tác đối tác Nhật Bản sẽ hỗ trợ Kinh Đô về công nghệ để sản xuất một số sản phẩm thực phẩm. Đổi lại, Kinh Đô cho phép đối tác sử dụng hệ thống bán lẻ rộng khắp của Kinh Đô để tập đoàn thực phẩm Nhật Bản phân phối sản phẩm của họ.
Nói cách khác, Ezaki Glico chấp nhận trả một mức giá cao cho Kinh Đô với toan tính tận dụng hệ thống phân phối và uy tín của đối tác để đặt chân vào thị trường nội địa. Nước cờ này giúp sản phẩm của họ có thể mau chóng có chỗ đứng trên thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam. Sự hào phóng của Diageo Plc. dành cho Halico cũng được xem là có động cơ tương tự.
Ngọc Giang
doanh nhân sài gòn
|