Có dễ gọi vốn quốc tế trong năm nay?
Trong năm nay, để có thêm nguồn vốn hoạt động, ngoài vốn vay từ ngân hàng và phát hành cổ phiếu huy động vốn trong nước, nhiều doanh nghiệp đã tiếp tục tìm vốn trên thị trường quốc tế thông qua phát hành trái phiếu. Tuy vậy, theo các chuyên gia và doanh nghiệp, không dễ để gọi vốn bằng hình thức này trong năm nay.
Nhiều kế hoạch phát hành
Trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông của Vietcombank vừa được tổ chức, cổ đông đã thông qua chủ trương về việc Vietcombank sẽ phát hành tối đa 1 tỉ đô la Mỹ trái phiếu quốc tế trong năm 2012 hoặc một thời điểm phù hợp, với kỳ hạn tối đa 10 năm và lãi suất phù hợp với điều kiện thị trường tại thời điểm phát hành.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng Giám đốc của Vietcombank, cho biết hoạt động ngoại hối có vai trò quan trọng đối với ngân hàng. Huy động vốn ngoại tệ chiếm 30% tổng huy động từ nền kinh tế, tín dụng ngoại tệ chiếm 32,43% tổng dư nợ tín dụng. Tỷ lệ tín dụng ngoại tệ trong tổng huy động vốn ngoại tệ xấp xỉ 83,77%, vì vậy, việc bổ sung nguồn vốn từ phát hành trái phiếu là rất cần thiết. Cũng theo ông Thanh, nhiều tổ chức nước ngoài đang đánh giá cao hoạt động của ngân hàng này nên ông cũng tin vào khả năng là hoạt động phát hành của ngân hàng sẽ thành công.
Trong khi đó, ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng cho biết ACB sẽ phát hành trái phiếu có giá trị khoảng 100 triệu đô la Mỹ. Dự kiến, kế hoạch này sẽ được thực hiện vào cuối quí 2. Ông Hải cho biết khả năng thành công của đợt phát hành này là rất cao do đã tìm được đối tác mua.
Trước đó, Vietinbank cũng đã tổ chức nhiều buổi giới thiệu phát hành trái phiếu quốc tế ở Singapore, Hong Kong, London, Boston, New York… những thị trường đầu tiên mà Vietinbank hướng tới. Thực tế, kế hoạch phát hành trái phiếu đã được Vietinbank đưa ra từ cuộc họp đại hội đồng cổ đông năm ngoái, nhưng do tình hình thị trường chưa thuận lợi nên kế hoạch trên mới bắt đầu được thực hiện từ đầu năm nay. Trong đợt đầu tiên Vietinbank sẽ chào bán 500 triệu đô la Mỹ trái phiếu thường, thời hạn 5 năm. Ngân hàng HSBC và Barclays là đơn vị tư vấn cho kế hoạch này.
Ngoài các ngân hàng trên thì trong năm nay, Công ty cổ phần Vincom (VIC) có kế hoạch sẽ phát hành ít nhất là 150 triệu đô la Mỹ trái phiếu chuyển đổi quốc tế. Sau gần 2 tháng triển khai, vào ngày 27-3-2012, Vincom đã phát hành thành công 185 triệu đô la Mỹ. Mục đích huy động là để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, thực hiện đầu tư các dự án
Không dễ thành công
Trong năm 2011, nhiều tập đoàn lớn như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Than & Khoáng sản Việt Nam, Điện lực Việt Nam đều đã phải hoãn lại các chương trình gọi vốn quốc tế bằng trái phiếu. Theo Ông Spencer Lake, đồng giám đốc toàn cầu khối tiền tệ và thị trường vốn của Tập đoàn HSBC thì sự thất bại trên là do tình hình thị trường không thuận lợi. Thị trường vốn quốc tế bị ảnh hưởng nhiều bởi khủng hoảng nợ công bắt đầu và đi theo chiều hướng xấu đi tại Mỹ và khu vực đồng tiền chung châu Âu. Thứ hai là tình hình kinh tế trong nước không thuận lợi, cả ba tập đoàn kinh tế đều đã được đánh giá tín nhiệm bởi S&P và Moody’s nhưng sau đó bị hạ bậc tín nhiệm do vụ Vinashin, sự ảnh hưởng bao gồm cả trực tiếp lẫn gián tiếp thông qua quan ngại về khả năng chính phủ hỗ trợ cho các tập đoàn trả nợ.
Trong năm 2012, những biến chuyển của kinh tế vĩ mô chưa thực sự tích cực, kinh tế thế giới chưa khởi sắc vẫn là rào cản đối với doanh nghiệp trong việc phát hành trái phiếu quốc tế. Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, đơn vị đã huy động được vốn từ trái phiếu trong năm 2011, cho biết tình hình huy động vốn năm nay đã khó khăn hơn. Thị trường bất động sản trầm lắng cũng ảnh hưởng đến kết quả xếp hạng tín nhiệm của Hoàng Anh Gia Lai, và vì thế ông Đức cho biết năm nay sẽ không phát hành trái phiếu quốc tế mà dự kiến sẽ chỉ huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu trong nước.
Đánh giá về tình hình phát hành trái phiếu 2012, ông Spencer Lake cho rằng thị trường trái phiếu quốc tế sẽ vẫn tiếp tục khó khăn, biến động mạnh và sẽ xấu hơn nhiều trước khi khởi sắc trở lại do tình hình khủng hoảng nợ công tại châu Âu và Mỹ. Tuy vậy doanh nghiệp vẫn có thể tìm vốn từ kênh này tùy vào thời điểm nhất định, “các cơ hội này có thể chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nên các doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng tiếp cận thị trường vốn quốc tế bất cứ khi nào có cơ hội”, ông Spencer Lake nói.
Cho đến thời điểm này thì Vincom là doanh nghiệp đầu tiên phát hành thành công trái phiếu chuyển đổi quốc tế. Theo ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Vincom, doanh nghiệp đã phải mất nhiều thời gian chuẩn bị, từ lập hồ sơ, tiếp cận, giới thiệu với nhà đầu tư. Tuy vậy, ông Hiệp cũng cho rằng việc thành công của Vincom là do doanh nghiệp sở hữu một lượng tài sản lớn, khả năng sinh lời cao trong lĩnh vực bất động sản và du lịch. Đồng thời công ty cũng đã chú trọng sự minh bạch trong hoạt động kinh doanh, điều mà các nhà đầu tư quốc tế rất quan tâm. Và có khoảng 60% là các nhà đầu tư đã mua trái phiếu chuyển đổi của Vincom đợt trước, họ đã hiểu rõ công ty nên việc phát hành trái phiếu có thuận lợi hơn.
Ông Spencer Lake của HSBC cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam muốn gọi vốn quốc tế trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, ngoài việc hoạt động hiệu quả, thì còn phải làm tốt báo cáo tài chính của mình. Khi hoạt động nội tại ổn định, việc mời các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đánh giá hoạt động của mình để có xếp hạng tín nhiệm quốc tế chính thức là một bước đi tiếp theo cần thiết.
Đồng thời khi tiến hành huy động vốn trên thị trường quốc tế, một yếu tố quan trọng là phải chọn được ngân hàng đối tác tin cậy, người có thể cung cấp những thông tin về thị trường, nhu cầu của các nhà đầu tư và thời điểm thích hợp để ra thị trường huy động vốn. Sự chuẩn bị sẵn sàng (về cáo bạch, thông tin cho nhà đầu tư, tiếp xúc với các nhà đầu tư, tài liệu phát hành v.v…) để có thể tận dụng ngay cơ hội của thị trường khi cơ hội xuất hiện là điều hết sức cần thiết vì đôi khi cơ hội chỉ xảy ra trong thời gian rất ngắn.
Thanh Thương
tbktsg
|