Thứ Tư, 11/04/2012 09:36

Chặn nỗi lo DN “mất lúc nào không biết”

Đưa cổ phiếu vào niêm yết, DN được tiếp cận với một kênh huy động vốn, nhưng cùng với đó, DN phải đối diện với sự phân tán về quyền sở hữu.

Qua Báo Đầu tư Chứng khoán, Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển đô thị Từ Liêm (NTL) đã thể hiện nỗi lo chung về tình trạng DN Việt Nam, nhất là những DN mạnh, đang bị thâu tóm ngầm bởi những người mua không lộ danh, có chân rết là người Việt.

Không riêng ông Kha, nhiều người đứng đầu DN khác cũng có chung cảm nhận tương tự, một cảm giác chơi vơi khi quyền quản lý DN niêm yết tách lập khỏi quyền quản lý và quyết định danh sách cổ đông.

Tại một DN niêm yết ngành tiêu dùng, 2 kỳ ĐHCĐ gần đây không đưa nội dung phát hành cổ phiếu huy động vốn vào xin ý kiến cổ đông, ngoại trừ việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức. Trong khi đó, DN này đang phải vay ngân hàng một khoản bằng vốn điều lệ để tài trợ cho 2 dự án tại Hà Nội và TP. HCM.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, Chủ tịch HĐQT DN này chia sẻ, mặc dù có một số tổ chức đầu tư đến đặt vấn đề DN phát hành thêm và họ sẽ mua cổ phiếu, nhưng ông chưa dám quyết việc này, vì nếu phát hành, tỷ lệ sở hữu của ông sẽ giảm xuống, đồng nghĩa với việc ông không thể giữ vững quyền quản lý DN như hiện nay.

Ở một ngân hàng niêm yết đang chịu áp lực bị sáp nhập, khi Đầu tư Chứng khoán đặt câu hỏi về khả năng “tự phòng vệ” chống lại áp lực bị sáp nhập để tiếp tục “sống độc lập”, lãnh đạo ngân hàng này chia sẻ, họ không thể làm nổi, vì 2 lý do. Thứ nhất, lượng cổ phần hiện hữu họ kiểm soát được chỉ chưa đầy 30%, trong khi lượng cổ đông đại chúng sau khi lên sàn lại quá lớn (gần 20.000 cổ đông) và không có cổ đông lớn nào chịu lộ diện. Câu chuyện sáp nhập hay không, vì thế phụ thuộc rất nhiều vào thái độ của các cổ đông bên ngoài.

Ở Sacombank (STB), dư luận vẫn âm thầm bàn thảo về khả năng đổi chủ khi Chủ tịch HĐQT Eximbank đã công khai công bố Eximbank (EIB) được nhận ủy quyền đến trên 51% cổ phần Sacombank và yêu cầu HĐQT Sacombank phải thực hiện nhiều “nhiệm vụ” không mong muốn. Trong khi đó, sở hữu thực tế của Eximbank tại Sacombank chỉ chưa đầy 10%...

Đưa cổ phiếu vào niêm yết, DN được tiếp cận với một kênh huy động vốn từ đại chúng, nhưng cùng với đó, DN phải đối diện với một thực tế là sự phân tán về quyền sở hữu DN và khả năng lãnh đạo đương nhiệm phải chia sẻ quyền quản lý khi quyền sở hữu tập trung vào một hoặc một số cổ đông lớn bên ngoài.

Trong con mắt của các nhà đầu tư tài chính chuyên nghiệp, “cuộc chơi” trên TTCK mang bản chất của “cuộc chơi” đối vốn, ai nhiều tiền sẽ thắng. Trong “cuộc chơi” này, dư luận cần hiểu rõ rằng, quyền quản lý và quyền sở hữu DN là hoàn toàn tách biệt. Quyền quản lý là quyền của người đi làm thuê, còn quyền sở hữu là quyền của cổ đông - những ông chủ thực sự. Tuy nhiên, ở Việt Nam, do nhiều DN, người lãnh đạo là người sáng lập và gây dựng từ đầu, nên 2 quyền không được phân định rõ. Cần nhiều thời gian nữa, sự khác biệt này mới trở nên rõ nét và để dư luận hiểu rằng, mất quyền quản lý DN không có nghĩa là mất DN, không có nghĩa người lao động mất việc làm, mà đơn giản, đó là sự “đổi chủ” trên cơ sở người nắm nhiều sở hữu hơn sẽ có số phiếu quyết định quyền quản lý tại DN nhiều hơn.

Thỏa hiệp với cổ đông lớn, đó là một nét mới của mùa đại hội năm nay khi tại nhiều DN, để giữ trạng thái “trong ấm, ngoài êm”, lãnh đạo đương nhiệm đã buộc phải tìm đến cổ đông lớn để lắng nghe và thỏa hiệp.

Tạm chưa bình luận đến khía cạnh tích cực và tiêu cực của yếu tố mới này, nhưng thông tin mà các DN cần biết là Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) hiện cung cấp một dịch vụ cho người đứng đầu DN “tìm ra” cổ đông lớn của DN mình là ai vào bất kỳ thời điểm nào, trên cơ sở VSD đã quản lý được “tận chân” từng tài khoản trong hơn 1 triệu tài khoản được mở.

Sự cởi mở trong cung cấp dịch vụ của VSD sẽ giúp các lãnh đạo DN niêm yết có một điểm tựa khi cần thông tin về cổ đông lớn (nhưng chưa đến mức 5% để phải công bố công khai), từ đó, tìm kiếm sự ủng hộ hoặc thỏa hiệp khi cần, để củng cố quyền quản lý của mình và hạn chế nỗi lo “mất lúc nào không biết”.

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   SD6 sắp phát hành hơn 1.7 triệu cp để hoán đổi cổ phiếu S64 và SSS (10/04/2012)

>   VIC: Từ 04/04 trái phiếu chuyển đổi quốc tế giao dịch trên SGX (09/04/2012)

>   Sáp nhập vào SHB: 14.000 cổ đông HBB có chấp thuận? (07/04/2012)

>   Thực phẩm Bích Chi thưởng cổ phiếu tỷ lệ 2:1 (07/04/2012)

>   LHG thoái 25% vốn tại Công ty Bourbon An Hòa (06/04/2012)

>   PVF: Phát hành 8,000 tỷ đồng trái phiếu và không niêm yết tại Singapore (06/04/2012)

>   Có dễ gọi vốn quốc tế trong năm nay? (06/04/2012)

>   Saigonbank phát hành 46.6 triệu cp, tăng vốn lên 3,500 tỷ đồng (06/04/2012)

>   HBB sáp nhập vào SHB, ai lợi? (06/04/2012)

>   BCI hoàn tất chuyển nhượng 70% vốn tại PPIP (05/04/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật