Đầu cơ chứng khoán bắt đầu rủi ro
Thị trường nhiều khả năng sẽ “bò” từ từ và đầy kiên nhẫn. Đó cũng là bối cảnh mà những nhóm cổ phiếu đầu cơ sẽ trở nên vô cùng thịnh hành, kèm theo vô số rủi ro cho các nhà đầu tư ngây thơ.
Chứng khoán không dành cho những người yếu tim. Trong lịch sử vận động của thị trường từ năm 2001 đến nay, có lẽ giai đoạn sóng tăng vừa qua mang tính tiêu biểu về thử thách lòng quả cảm của nhà đầu tư. Liên tục các phiên tăng giảm xen kẽ, trong đó không thiếu những phiên dao động với biên độ khá mạnh, càng không thiếu hình thái bulltrap hay beartrap.
Có đến ít nhất hai phần ba số phiên giao dịch mang màu sắc rất khó chịu đối với nhà đầu tư nhỏ lẻ. Khi thì hiện tượng xanh vỏ đỏ lòng được tái diễn một cách công phu và kiên nhẫn, lúc lại bán khống cổ phiếu để đánh xuống, và đặc biệt có những chuỗi phiên lao dốc không vì lý do nào xác đáng.
Trong bối cảnh đó, ngay cả những người lướt sóng chuyên nghiệp cũng trở nên mờ mịt. Chứng khoán cũng vì thế mà hàm chứa biết bao rủi ro. Nếu vào sóng tăng đầu tiên, những rủi ro như thế có thể “thông cảm” được do lời lãi chưa bao nhiêu, thì đến lúc này, khi mức tăng trưởng của thị trường đã vượt trên tỷ lệ lợi nhuận bình quân của nhà đầu tư nhỏ lẻ, có thể hiểu là mức rủi ro cũng đang tăng lên tương ứng.
Tuy nhiên, cần xác định là rủi ro sẽ nghiêng về người đầu cơ nhiều hơn so với người đầu tư. Với những người theo trường phái đầu tư tối thiểu là trung hạn, trong ngắn hạn sẽ chưa có gì phải lo lắng. Nhưng còn đối với số người chuyên “nhảy ra nhảy vào” thì chuyện bị đứt tay do bắt dao rơi hay tự chui đầu vào một cái thòng lọng nào đó là hoàn toàn bình thường.
Vì sao cổ phiếu bất động sản?
Sau ngân hàng và chứng khoán, đến lượt sóng bất động sản. Cần chú ý rằng nếu độ tăng trưởng của cổ phiếu ngân hàng còn khá điềm đạm và có thể chấp nhận được thái độ mua đuổi, thì đến cổ phiếu chứng khoán đã bắt đầu cho thấy một cái gì đó thái quá, dù rằng mức phục hồi của nhóm cổ phiếu này vẫn chưa là gì so với độ hao hụt của chúng trong năm 2011. Song, tất cả những cổ phiếu chứng khoán nào đã tăng được 50-70% thì cũng có thể “down” đến ít ra 30% nếu thị trường đảo chiều đột ngột.
Nhưng như bài học của quý 3 năm 2009, nhóm cổ phiếu gây “tai tiếng” nhất trên sàn chứng khoán chính là cổ phiếu ngành bất động sản và một số cổ phiếu ăn theo ngành này như thép, vật liệu. Lần này cũng vậy, lại rộ lên hiện tượng nhóm ngành bất động sản và vật liệu xây dựng đồng loạt tăng trần trong cả tuần qua. Dĩ nhiên, các nhà đầu tư đều biết việc tăng này là có nguyên do sâu xa của nó. Đó là cơ chế “giải cứu bất động sản” đã được Ngân hàng nhà nước chính thức công khai hóa, mang lại điều được gọi là “lý do tồn tại cuối cùng” cho các doanh nghiệp bất động sản.
Song cũng trong thời gian này, trên các diễn đàn và báo chí đã bắt đầu thấp thoáng những lời cảnh báo về hậu quả mua đuổi cổ phiếu bất động sản. Trong hàng trăm mã cổ phiếu này, tất nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng sáng sủa. Thậm chí trái ngược khá mạnh, gần hết doanh nghiệp bất động sản đã rơi vào trạng thái “chết lâm sàng”. Vậy vì sao nhà đầu tư lại ham hố lao theo?
Chỉ có thể giải thích động thái trên bằng tâm lý bầy đàn của đại đa số “khán giả”, sau khi đã được ‘đạo diễn” kích thích bởi những màn biểu diễn cụp lạc. Cũng phần lớn nhà đầu tư chỉ mua trong tâm trạng được chăng hay chớ mà không hề biết được thị trường sẽ được cho tăng trưởng đến vùng nào, càng không thể biết được nhóm cổ phiếu bất động sản sẽ được đánh lên đến mức giá nào.
Tuy thế, như tiền lệ đã có, nhóm cổ phiếu bất động sản có thể tăng với tỷ lệ phục hồi gấp đôi hoặc thậm chí hơn thế. Với mặt bằng còn khá thấp như hiện nay, cái đích gấp đôi đang kích thích lòng tham của nhà đầu tư nhỏ lẻ một cách dữ dội. Hơn nữa, chỉ số thị trường lại vừa vượt qua được một ngưỡng kháng cự quan trọng nên càng củng cố tâm lý nhà đầu tư.
Vẫn là bài học quá khứ
Một yếu tố khác làm cho nhà đầu tư hưng phấn hơn, có lẽ là nhận định của thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình. Gần đây nhất, sau khi tuyên bố đưa trần lãi suất huy động về 12%, ông Bình đã “hạ cố” giải thích thêm là chứng khoán sẽ tiếp tục tăng, dù không mạnh nhưng sẽ bền vững.
Cần lưu ý rằng nhận định trên về cách tăng của TTCK đã xảy ra lần đầu tiên ở người đứng đầu NHNN. Còn trước đó, vào đầu năm nay, Thống đốc đã chỉ nhận định chung nhất về đầu tư chứng khoán sẽ là kênh hấp dẫn nhất trong năm 2012 và thu hút các dòng tiền.
Nhưng cũng có một thái độ khác hơn của Thống đốc đối với TTCK khi ông khẳng định lĩnh vực này không cần được ưu tiên vốn tín dụng, đặc biệt là nếu dùng tín dụng dài hạn phục vụ cho đầu cơ ngắn hạn. Với cách nói đầy hàm ý như thế, có thể hiểu “ room” cho vay chứng khoán tại các ngân hàng sẽ không có chiều hướng được “xả van” như đối với bất động sản. Muốn tiếp tục tăng trưởng, chứng khoán chỉ có thể dựa vào dòng tiền tự có của nhà đầu tư. Còn muốn hơn nữa, chính các ngân hàng phải vào cuộc bằng vốn liếng của mình.
Một vài thay đổi về nhận thức và quan điểm về vận động của TTCK từ giới quan chức điều hành tính dụng đã cho thấy thị trường này sẽ khó bật mạnh trong thời gian tới, mà cụ thể là trong quý 2 năm nay. Cũng sẽ khó có khả năng chỉ trong mấy tháng tới, thị trường tái hiện kết quả tăng gấp hơn hai lần như đã từng đạt được vào năm phục hồi 2009.
Thay vào đó, thị trường nhiều khả năng sẽ “bò” từ từ và đầy kiên nhẫn, với những phiên dao động lên xuống không quá mạnh, thỉnh thoảng lại được điểm xuyết bởi một vài phiên tăng dựng ngược. Đó cũng là bối cảnh mà những nhóm cổ phiếu được đầu cơ sẽ trở nên vô cùng thịnh hành, kèm theo vô số rủi ro cho các nhà đầu tư ngây thơ, chưa từng biết đến những bài học xương máu của TTCK là gì.
Việt Thắng (Vietstock)
finfonet
|