Cổ phiếu ngân hàng, động lực từ STB
Các cổ phiếu ngân hàng niêm yết như bừng tỉnh kể từ sau vụ việc một nhóm cổ đông mở chiến dịch thâu tóm nhằm sở hữu cổ phần chi phối STB.
Thanh khoản lớn, giá tăng dần - dường như ánh hào quang đang trở lại với cổ phiếu ngân hàng.
Cổ phiếu STB có 6 phiên tăng giá liên tiếp từ 23.000 đồng lên 26.000 đồng/CP. Ngoài thông tin về việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm lãi suất huy động và nới một số loại hình tín dụng thì giá STB được cộng hưởng bởi thông tin nhóm cổ đông sáng lập cùng cổ đông lớn cũ đã chấp nhận bán toàn bộ cổ phiếu cho NĐT nằm trong nhóm cổ đông có đại diện là EIB với giá 35.000 đồng/CP.
Tin đồn này sau đó tăng độ xác thực khi STB xin gia hạn thời gian tổ chức ĐHĐCĐ đến muộn nhất là vào 31/5. Đồng thời, những cổ đông thân cận nhất của STB như Sacomreal, SBT và ông Chang Hen Jui - chồng của Phó chủ tịch HĐQT STB đồng loạt đăng ký bán hơn 58 triệu cổ phiếu. Tiếp theo là CTCP Thành Thành Công đăng ký bán hơn 22 triệu cổ phiếu STB. Thời gian bán đều bắt đầu từ trước khi chốt danh sách cổ đông tham dự đại hội.
Với 7 vạn cổ đông, việc tổ chức ĐHĐCĐ của STB có khối lượng công việc cực lớn, nhưng đó có lẽ không phải là lý do thuyết phục để xin lùi đại hội đến 1 tháng. Đằng sau việc lùi thời gian tổ chức ĐHĐCĐ này, chắc chắn có sự thay đổi lớn về cơ cấu cổ đông của STB, mà hệ quả đương nhiên là sự thay đổi nhân sự trong HĐQT Ngân hàng này.
Ngày 13/4/2012, trong thông báo đăng trên Báo ĐTCK, STB đã công khai quan điểm bầu bổ sung 7 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2011 - 2015 và nhận đăng ký ứng viên đến ngày 20/4/2012.
Nếu sự rút lui khỏi STB của nhóm cổ đông sáng lập là thật, thì chắc chắn, trong thỏa thuận này cũng có những điều khoản thỏa hiệp khác. Khi được hỏi về vụ việc STB, giới kinh doanh trên thị trường có những nhận định khá giống nhau, cổ đông sáng lập để mất “đứa con cả STB” vì đã không nuôi dạy “đứa con SBS” đến nơi đến chốn và quá nuông chiều “đứa con út SCR”. Tuy nhiên, thông tin trên thị trường cho biết, cổ đông sáng lập STB vẫn giữ trọng trách ở các liên doanh của STB ở Lào và Campuchia. Và nguồn lực từ thoái vốn khỏi STB rất có thể được tập trung phát triển thị trường mới này ở mảng ngân hàng và tiếp sức cho SCR.
Trở lại với TTCK, tin đồn về giá thỏa thuận chuyển nhượng STB là động lực giúp STB tăng giá và những cổ phiếu ngân hàng khác tăng theo. Giới đầu tư hôm 12/4 còn hy vọng, nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ giúp VN-Index vươn tới những đỉnh mới. Phiên ngày 13/4, STB giảm giá, nhưng các cổ phiếu ngân hàng khác vẫn có động lực tăng giá riêng.
Trước tiên, phải kể đến VCB, đang được NĐT nước ngoài tích cực gom mua, nhiều phiên chiếm 50% khối lượng giao dịch. Có những thời điểm, khối ngoại mua đến 90% khối lượng giao dịch hoặc mua khối lượng lớn vào cuối phiên đủ để VCB không giảm sâu. Việc niêm yết cổ phiếu thuộc sở hữu của cổ đông Nhà nước có thể là động lực chính khiến khối ngoại mua VCB, cùng với khoản thặng dư lớn từ phát hành cổ phần cho đối tác Nhật, giúp lợi nhuận của VCB năm nay khả quan. Sau khi niêm yết 1,7 tỷ cổ phiếu thuộc sở hữu Nhà nước, VCB sẽ vào Top 5 trụ cột của VN30-Index.
Cổ phiếu ngân hàng khác mà tên tuổi nổi lên gần đây là SHB, sau một thời gian tích lũy ở giá trên dưới 11.000 đồng/CP đã xuất hiện lực mua trở lại. Việc SHB và HBB cùng tổ chức ĐHĐCĐ vào một ngày (28/4/2012) cho thấy, khả năng 2 ngân hàng này sáp nhập là lớn. Cho đến nay, SHB là ngân hàng niêm yết nhóm 1 duy nhất mà giá dưới 12.000 đồng/CP (từng giảm xuống 5.800 đồng/CP). Trong khi đó, EIB là cổ phiếu lớn trong VN30-Index nhưng không còn là trụ cột tăng giá, vì hết room cho NĐT nước ngoài.
Ngoài những yếu tố mang tính kỹ thuật thì giá cổ phiếu ngân hàng như ACB và MBB được xem là cổ phiếu đầu tư cơ bản. Ở mặt bằng giá hiện nay, ACB có P/E là 7,5 lần, MBB có P/E là 6,9 lần… Mức P/E này hợp lý với mặt bằng giá cổ phiếu hiện nay, thậm chí thấp hơn P/E của một số cổ phiếu ngành sản xuất đang được ưa chuộng trên thị trường.
Quá trình tái cơ cấu ngân hàng tiếp tục diễn ra, theo đó, thị phần của ngân hàng nhỏ sẽ chuyển sang ngân hàng lớn và các ngân hàng quy mô lớn, quản trị tốt sẽ ngày càng mở rộng hoạt động. Trải qua các đợt suy thoái của nền kinh tế, những ngân hàng nhóm đầu vẫn luôn kinh doanh hiệu quả, nên những khoản tiền lớn được đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng có lý do hợp lý.
Thành Nam
đầu tư chứng khoán
|