Thứ Hai, 16/04/2012 06:22

Cứu doanh nghiệp, có nhiều cách cứu!

Ông C., tổng giám đốc Công ty bao bì T, vừa cho biết các khách hàng lớn chuyên đặt bao bì đóng gói hàng hóa của các ngành hóa phẩm, thực phẩm, dệt may, da giày và thủy sản đã chính thức thông báo không đặt mua bao bì của công ty ông nữa, thay vào đó họ chuyển sang nhập khẩu.

Nguyên nhân do chi phí sản xuất bao bì đóng gói trong nước đã đội lên 40.000 đồng/kg, kể từ khi áp dụng Luật thuế bảo vệ môi trường (BVMT) từ tháng 1-2012. Đối với các ngành nói trên, chi phí bao bì đóng gói chiếm 1,5-5% trong giá thành sản phẩm. Khi Luật thuế BVMT có hiệu lực, chi phí này đã tăng 30-50% nên họ buộc phải chuyển sang tìm nhập bao bì từ các nước trong khu vực với chi phí rẻ hơn.

Sau khi Luật thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực, hàng loạt vướng mắc liên quan tới DN ngành nhựa vẫn không được tháo gỡ

Trước khi có quyết định ngưng mua hàng từ các đối tác lớn này, mỗi tháng công ty ông phải nộp riêng cho khoản thuế này không dưới 32 tỉ đồng, điều này cho thấy lượng đặt hàng rất lớn. “Tụi tui đã kêu cứu khắp nơi. Hiệp hội Nhựa VN (VPA) kiến nghị khắp chốn nhưng đâu cũng hoàn đấy” - ông C. bức xúc. Thống kê mới nhất của VPA cũng xác nhận sản lượng và doanh thu của các doanh nghiệp ngành nhựa đã giảm 35% so với cùng kỳ năm trước, hơn 20% lao động nghỉ việc do lượng sản xuất sụt giảm vì không bán được hàng.

Cốt lõi của mọi vấn đề ở chỗ túi nilông thuộc diện chịu thuế mà các nhà soạn luật và thi hành luật muốn hướng tới là túi nhựa xốp, nhiều người còn gọi là túi xốp, vì cho rằng đó là loại túi không thể phân hủy được trong môi trường, càng dùng càng gây ô nhiễm. Cho nên mới có chuyện Bộ Tài nguyên và môi trường quy định trong Luật thuế BVMT “túi nilông thuộc diện chịu thuế (túi nhựa xốp) là loại túi, bao bì nhựa mỏng làm từ màng nhựa đơn HDPE, LDPE hoặc LLDPE, trừ bao bì đóng gói sẵn hàng hóa và túi nilông đáp ứng tiêu chí thân thiện với môi trường”.

Nhưng khi đi vào vận hành trong cuộc sống, các văn bản hướng dẫn thực thi luật chưa đầy đủ, rõ ràng, dẫn đến cách hiểu khác nhau giữa các doanh nghiệp, người tiêu dùng và cơ quan thi hành luật. Ngành thuế hiện cứ thu thuế ở mức tuyệt đối 40.000 đồng/kg, đối với tất cả các loại bao bì nói chung dù có thuộc diện chịu thuế hay không.

Theo ông Hồ Đức Lam - phó chủ tịch VPA, nếu đối tượng chịu thuế của Luật thuế BVMT chỉ là “túi nilông” (tức túi xốp) như mục tiêu của nghị định ban hành hướng tới, thì cơ quan thuế cần phải có văn bản quy định thật rõ ràng là các sản phẩm bao bì khác ngoài “túi nilông” đều không bị chịu thuế, dù có sử dụng nguyên liệu có gốc PE trong nguyên - phụ liệu. Còn nếu đối tượng chịu thuế “không phải túi nilông” mà là các loại bao bì, màng nhựa có nguồn gốc từ nguyên liệu PE, HDPE, LDPE, LLDPE “thì cấp thiết sửa luật, nghị định và thông tư hướng dẫn vì đây không phải là mục tiêu để đánh thuế”. Thêm nữa, ngay cả khái niệm “túi nilông đáp ứng tiêu chí thân thiện với môi trường”, doanh nghiệp có muốn sản xuất loại túi này để không bị đánh thuế cũng không biết sản xuất ra sao vì thiếu quy định, tiêu chuẩn quốc gia.

Với bao bất cập khó hiểu cộng với nhiều lần kêu cứu nhưng dường như một số cơ quan quản lý vẫn dửng dưng nhiều tháng qua. Tổng cục Thuế vẫn cứ đủng đỉnh để chi cục thuế địa phương tự ban hành công văn trả lời “mỗi nơi mỗi phách” cho doanh nghiệp, dẫn đến việc thi hành thuế không thống nhất và có khả năng không phù hợp với tinh thần luật đề ra ban đầu. Bộ Tài chính, Vụ Chính sách thuế, Bộ Công thương, Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM là những địa chỉ đã được VPA “bắn” liên tục nhiều công văn đề nghị gỡ khó khẩn cấp, “nhưng đến nay VPA vẫn chưa nhận được bất cứ phản hồi nào từ các bộ, ngoại trừ Bộ Tài nguyên và môi trường” - đại diện VPA khẳng định.

Có quá nhiều khó khăn đang vây quanh doanh nghiệp trong tình hình hiện nay, thế nhưng có những cái trong tầm với của các cơ quan quản lý lại không được tháo gỡ. Ông bà ta nói “cái sảy nảy cái ung”. Chuyện “cứu” doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay cũng có rất nhiều cách “cứu”. Vậy mà...

Quỳnh Khôi

Tuổi Trẻ

Các tin tức khác

>   Siết chặt quản lý doanh nghiệp sau đăng ký thành lập (16/04/2012)

>   Chuyện con bò sữa và doanh nghiệp (16/04/2012)

>   Doanh nghiệp phá sản hàng loạt, thất nghiệp gia tăng (15/04/2012)

>   Tái cơ cấu: Lấy độc trị độc (15/04/2012)

>   Thoát đình trệ - lạm phát: “Dung hoà” các giải pháp đối nghịch (15/04/2012)

>   Đề án tái cơ cấu kinh tế: Đâu là ưu tiên hàng đầu? (15/04/2012)

>   Phân cấp: Tỉnh chủ động quá đà, quốc gia lãnh hậu quả (15/04/2012)

>   GDP bình quân đầu người ở TPHCM sẽ đạt 8.500 USD (14/04/2012)

>   Kịch bản nào cho kinh tế Việt Nam 2012? (14/04/2012)

>   Lấy năm gốc 2010 thay 1994 làm chỉ tiêu thống kê theo giá so sánh (14/04/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật