Kịch bản nào cho kinh tế Việt Nam 2012?
“Sẽ có rủi ro khi nới lỏng chính sách quá nhanh trong khi lạm phát vẫn đứng ở hai con số”.
Đó là thông điệp được ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn với ĐTCK bên lề buổi công bố Báo cáo triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2012.
Diễn biến kinh tế vĩ mô đang cho thấy những dấu hiệu tích cực như CPI giảm tốc, đầu tư công giảm, tín dụng giảm… Tuy nhiên, có một hệ lụy là số lượng DN phá sản tăng rất cao so với mức trung bình, tình trạng đình đốn sản xuất đang trở nên phổ biến. Bức tranh này, theo ADB, nên lạc quan hay cần cẩn trọng?
Những dấu hiệu tích cực cho thấy, Chính phủ đã đạt được một số kết quả khả quan trong ổn định kinh tế vĩ mô. Chính sách thắt chặt tiền tệ đã kéo giảm lạm phát, ổn định tỷ giá hối đoái, góp phần cải thiện dự trữ ngoại hối… Mặc dù vậy, nó cũng có tác động không tránh khỏi là làm tăng trưởng chậm lại. Mặc dù Chính phủ khẳng định tiếp tục ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2012, nhưng các cơ quan chức năng cũng đã bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ ở một mức độ nhất định vào đầu năm 2012 và đưa ra thông điệp sẽ nới lỏng hơn nữa nếu lạm phát tiếp tục giảm tốc.
Trên thực tế, khi các chính sách kinh tế được thắt chặt sau nhiều năm mở rộng đầu tư thì tăng trưởng kinh tế chậm lại trong ngắn hạn là điều không thể tránh được. Tuy nhiên, đây là điều kiện cần thiết để kéo giảm lạm phát. ADB vẫn luôn lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam trong dài hạn vì những lợi thế so sánh mạnh mẽ như cơ cấu dân số, tài nguyên thiên nhiên và vị trí địa lý thuận lợi.
Mặc dầu vậy, có nhiều ý kiến cho rằng, tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế đang được tiến hành quá chậm, thưa ông?
Chính phủ đã cam kết và đưa ra những thông điệp rõ ràng về chủ trương tiến hành tái cấu trúc nền kinh tế và chúng ta cũng đã chứng kiến một số bước đầu tiên trong tiến trình cải cách lĩnh vực ngân hàng - tài chính. Về mặt chuyên môn, tái cấu trúc nền kinh tế mà cụ thể hơn là cải cách lĩnh vực tài chính và quản trị DN là những nhiệm vụ mang tính lâu dài, phức tạp và cần phải hiểu rõ các bước đi thích hợp. Cải cách DNNN và tái cấu trúc ngành tài chính - ngân hàng đòi hỏi phải có tiến trình được hoạch định một cách thận trọng. Tuy nhiên, chúng tôi cũng khuyến nghị Chính phủ đưa ra những thông tin cụ thể hơn về thời hạn, ngân sách và mục tiêu của những cải cách này. Theo chúng tôi, tăng cường sự minh bạch trong hiệu quả hoạt động tài chính của các DNNN như việc công bố một số kết quả thanh tra các tập đoàn lớn gần đây, sẽ đưa ra tín hiệu mạnh mẽ với thị trường rằng Chính phủ thực sự cam kết cải cách.
NHNN vừa tiếp tục cắt giảm thêm mức 1%/năm lãi suất huy động - một trong những động thái nhằm “hà hơi, thổi ngạt” khối DN đang gặp nhiều khó khăn. Theo ông, việc này có đạt kết quả như mong muốn?
Có thể thấy, tăng trưởng tín dụng chưa phản ứng tích cực như mong đợi với việc cắt giảm lãi suất. “Sức khỏe” của nhiều tổ chức tài chính, tín dụng đang có vấn đề, vì thế chỉ cắt giảm lãi suất không thôi thì không đủ để đảm bảo làm tăng nhu cầu tín dụng. Chúng ta hy vọng những bước cải cách nền kinh tế của Chính phủ trong năm 2012 có thể làm giảm đi các rủi ro không mong muốn và khuyến khích đầu tư khu vực tư nhân tăng lên. Những biện pháp mà NHNN đưa ra trong quý I/2012 cho thấy quan điểm nới lỏng chính sách ở một mức độ nhất định. Điều này có thể hiểu được, bởi lạm phát đã được kéo giảm mạnh và các hoạt động kinh tế đang chậm lại một cách rõ rệt. Tuy nhiên, sẽ có rủi ro nếu nới lỏng chính sách quá nhanh trong khi lạm phát vẫn đứng ở hai con số. Quan điểm của chúng tôi là cho đến khi lạm phát được kiểm soát chặt chẽ, cần phải thận trọng giữ lãi suất thực dương ở mức thấp nhất từ 1 - 2% để không ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường ngoại hối. Chúng ta cũng nhận thấy dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn chảy vào Việt Nam. Điều này cho thấy các nhà đầu tư tiếp tục quan tâm đến Việt Nam và việc tái cấu trúc nền kinh tế một cách quyết liệt sẽ khiến lòng tin của họ được củng cố hơn.
Có quan điểm cho rằng, tiến trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng chủ yếu nhằm xử lý tình trạng nợ xấu đang tăng mạnh khi nền kinh tế gặp khó khăn. Ý kiến của ông về vấn đề này?
Tự thân việc hợp nhất, sáp nhập các ngân hàng yếu không thể giải quyết được vấn đề nợ xấu. Để giải quyết vấn đề này, cần có những cải cách toàn diện hơn, trong đó việc quan trọng là củng cố lòng tin của công chúng đối với lĩnh vực ngân hàng, bên cạnh việc cung cấp các giải pháp hỗ trợ hoạt động kinh doanh của khối DN để họ có thể trả nợ ngân hàng. Cũng như các đối tác khác, chúng tôi luôn khuyến nghị Chính phủ nên cung cấp nhiều hơn nữa thông tin chi tiết về nguồn ngân sách và thời hạn tái cấp vốn cho các ngân hàng. Cần tăng cường năng lực giám sát của NHNN đối với các nguy cơ rủi ro trong lĩnh vực ngân hàng và cải thiện các tiêu chuẩn kế toán. Bên cạnh đó, có thể nâng tỷ lệ an toàn vốn của cả hệ thống để tránh các nguy cơ dễ tổn thương.
Hệ thống ngân hàng Việt Nam được đánh giá là chất chưa theo kịp lượng. Theo ông, đâu là nguyên nhân?
Tăng trưởng tín dụng nhanh và kéo dài nhiều năm, đột ngột bị thu hẹp tín dụng trong năm 2011 và xấu đi hơn nữa vì sự sụt giảm của thị trường bất động sản, TTCK, đã làm gia tăng căng thẳng cho các ngân hàng. Tỷ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ ước đạt 3,4% đã là quá cao theo các tiêu chuẩn kế toán quốc tế. Những ngân hàng có quan hệ với các DNNN hoạt động dàn trải và không hiệu quả cũng đặt ra các câu hỏi về sự an toàn vốn, đặc biệt là đối với các ngân hàng nhỏ. Mặt khác, tỷ lệ vay vốn USD tăng 16% trong năm 2011 đã làm tăng rủi ro về ngoại hối cho các ngân hàng. Những yếu kém trong quản lý rủi ro của các ngân hàng và khiếm khuyết trong khuôn khổ chỉ đạo và điều hành cũng tạo ra những rủi ro khác. Tuy nhiên, chúng ta chưa thể có được bức tranh rõ ràng cho đến khi kế hoạch đánh giá tổng thể lĩnh vực tài chính - ngân hàng được thực hiện theo dự kiến vào đầu năm 2013.
Báo cáo của ADB vừa đưa ra dự báo tăng trưởng của Việt Nam sẽ chậm lại ở mức 5,7% trong năm 2012, sau đó tăng lên 6,2% trong năm 2013 nhờ sự cải thiện triển vọng phát triển toàn cầu đối với thương mại, đầu tư và khả năng tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm tới. Lạm phát trung bình có thể giảm xuống mức dưới ngưỡng hai con số, với điều kiện các chính sách được duy trì đủ chặt chẽ, nhưng sau đó được dự báo sẽ tăng lên 11,5% trong năm 2013, song hành với tăng trưởng kinh tế và dự báo giá lương thực thế giới tăng cao. Tài khoản vãng lai được dự báo ở mức thâm hụt tương đương với 1,5% GDP trong năm 2012 và 2,2% trong năm 2013, chủ yếu do xuất khẩu sụt giảm.
Mặc dù dự trữ ngoại tệ đã được khôi phục một phần song vẫn ở mức thấp, khiến nền kinh tế dễ bị tổn thương với những cú sốc từ bên ngoài. Về khía cạnh tài chính, chi phí của việc tái cấp vốn cho các ngân hàng, tái cơ cấu các DNNN và nâng lương cho công chức để bù đắp cho lạm phát tăng nhanh, đặt ra những rủi ro về chi tiêu công. |
Hồng Dung thực hiện
đầu tư chứng khoán
|