Thứ Năm, 12/04/2012 10:17

Mở cửa nền kinh tế

Việt Nam vẫn đang “nhường” lợi ích cho bên ngoài

Có vẻ như ở thời điểm này, Việt Nam vẫn loay hoay như một người mới trong cuộc chơi thương mại với thế giới, sau cái mốc bắt đầu mở cửa hồi năm 1995. Và với đặc tính bị động, Việt Nam đang giành nhiều phần thiệt về phía mình, nhường các lợi ích cho các đối tác bên ngoài nhiều hơn.

Đó là cảm nhận chung của nhiều đại biểu dự hội thảo “Tác động của hội nhập kinh tế quốc tế đối với kinh tế và thương mại Việt Nam. Khuyến nghị chính sách thực hiện chiến lược xuất – nhập khẩu hàng hoá thời kỳ 2011 – 2020, định hướng đến năm 2030” do bộ Công thương và dự án Hỗ trợ thương mại đa biên tổ chức sáng 10.4 tại Hà Nội.

Xu hướng bảo hộ “tinh tế” hơn

Theo các chuyên gia, nên tập trung đầu tư năng lực sản xuất cho tám ngành hàng có lợi thế của Việt Nam là sản phẩm nhựa, gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ, dệt may, điện tử – điện lạnh và linh kiện, dây điện và cáp điện, sản phẩm cơ khí và vật liệu xây dựng. Ảnh: L.Q.Nhật

Ông Võ Trí Thành, phó viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) gây chú ý tại hội thảo bởi ý kiến “xúi giục” Việt Nam cần phải biết tự vệ trong một thế giới đầy “cạm bẫy”, với vô số hàng rào kỹ thuật.

Đây là điều mà thực tế các nước phát triển như Hàn Quốc, Thái Lan… đều đã thực hiện để hạn chế nhập khẩu một mặt hàng nào đó không có lợi cho họ. Chỉ có điều, Việt Nam phải làm sao cho khéo, tránh làm méo mó hình ảnh của Việt Nam về bảo hộ.

“Tư tưởng chung là chúng ta chấp nhận tự do hoá, thương mại cởi mở hơn. Nhưng cũng cần phải hạn chế các tác động tiêu cực, nhất là trong ngắn hạn. Để góp phần làm giảm nhập siêu không thể không sử dụng các biện pháp kỹ thuật cần thiết”, ông Thành nói.

Thực tế, theo báo cáo “tác động của mở cửa thị trường trong WTO và các hiệp định tự do thương mại FTA đến sản xuất, thương mại của Việt Nam” do nguyên bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển làm trưởng nhóm nghiên cứu, đến nay, Việt Nam vẫn chưa vận dụng các biện pháp phòng vệ thương mại thực sự hiệu quả. Trong khi đó, đây là những biện pháp hữu hiệu và phù hợp với cam kết WTO để góp phần bảo vệ sản xuất trong nước.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chưa xây dựng được đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và sự bất cập trong công tác kiểm tra theo các tiêu chuẩn này đối với hàng nhập khẩu để góp phần bảo hộ hợp lý sản xuất trong nước, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng phù hợp với các quy định của WTO.

Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, ông Thành nhấn mạnh, sở dĩ Việt Nam chưa tận dụng tốt được các hàng rào kỹ thuật “tinh tế” như các nước khác là vì chưa có kinh nghiệm, phải cân bằng giữa tự do hoá và bảo hộ, cần phải có nhiều tranh luận. Hơn thế nữa, khi Việt Nam muốn dựng lên hàng rào kỹ thuật thì cũng phải thoả mãn điều kiện ấy. Chẳng hạn như khi cấm nhập khẩu một chai nước mắm của một nước nào đó vì có “10 con vi trùng” trong khi hàng Việt Nam lại “có 20 con ” thì rõ ràng là không ổn.

Đưa ra cái nhìn bao quát hơn về tác động của mở cửa với nền kinh tế Việt Nam, ông Trương Đình Tuyển nêu lên bức tranh “mất nhiều hơn được” thời gian qua. Đó là hội nhập giúp Việt Nam có cơ hội lớn thu hút FDI và tăng trưởng xuất khẩu, nhưng đồng thời hai ngành này cũng khiến nhập siêu tăng mạnh, trở thành một mối nguy hại với việc ổn định kinh tế vĩ mô thời gian gần đây.

Bên cạnh đó, việc ký kết FTA với các nước ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand giúp Việt Nam được hưởng mức thuế quan thấp khi xuất hàng sang các nước này. Ngược lại, Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với việc đánh mất thị trường vào tay Trung Quốc ở một số nơi nếu như mở rộng hiệp định tự do hoá thương mại.

Xác định lại lợi thế trong chuỗi giá trị

Trả lời câu hỏi của đại diện tập đoàn Dệt may Việt Nam, trong phần thảo luận, ông Võ Trí Thành cho rằng, muốn tạo lập chỗ đứng cho hàng dệt may Việt Nam trên thị trường thế giới, cần phải xác định lại lợi thế của chúng ta.

Trong chuỗi giá trị gia tăng, thì Việt Nam được nhìn nhận là một trong ba nước ở ASEAN có tính sáng tạo. Điều đó có nghĩa hàng dệt may Việt Nam có thể đi theo hướng phát triển thiết kế thời trang. Đó mới chính là điểm tạo nên giá trị gia tăng cho doanh nghiệp Việt Nam.

Theo ông Trương Đình Tuyển, mức độ hội nhập kinh tế quốc tế càng cao thì lợi ích từ hội nhập thu được càng lớn, nhất là khi kết hợp thực hiện các cam kết hội nhập với đẩy nhanh cải cách trong nước. Tuy nhiên, hội nhập chỉ là điều kiện cần, nếu thiếu chuẩn bị, thiếu cải cách trong nước, phần lớn lợi ích lại thuộc về các đối tác thương mại khác. Về dài hạn, Việt Nam vẫn có nguy cơ rơi vào bẫy chi phí lao động thấp/bẫy tự do hoá thương mại do lợi thế tĩnh sẽ cạn dần trong khi lợi thế cạnh tranh động nhờ quy mô, cạnh tranh và cải thiện công nghệ không được tạo dựng.

Nêu đề xuất chính sách thúc đẩy xuất khẩu và giảm nhập siêu giai đoạn 2011 – 2015, ông Võ Trí Thành cho rằng kinh tế thế giới dự báo phục hồi yếu, còn rất bất định. Triển vọng kinh tế Việt Nam còn khó khăn, nhưng hội nhập về tổng thể có tác động tích cực. Nếu kết hợp cải cách trong nước sẽ mang lại lợi ích lớn hơn, cần lưu ý rủi ro tài chính và bất ổn kinh tế vĩ mô. Đặc biệt nên tập trung đầu tư năng lực sản xuất cho tám ngành hàng có lợi thế của Việt Nam là sản phẩm nhựa, gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ, dệt may, điện tử – điện lạnh và linh kiện, dây điện và cáp điện, sản phẩm cơ khí và vật liệu xây dựng.

Riêng về mục tiêu xuất khẩu 2012, ông Võ Trí Thành nói mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm nay để đạt được 13% và giá trị trên 100 tỉ là còn nhiều khó khăn. Kinh tế thế giới giảm không chỉ giảm về nhu cầu thực mà còn giá của nhiều loại hàng hoá và nhiều sản phẩm xuất khẩu cũng giảm. Tuy nhiên, với các hỗ trợ mà Chính phủ đang mong làm thì rất nhiều nhà kinh tế hy vọng đáy của kinh tế Việt Nam trong quý và trong một hai tháng tới. Như vậy cộng với lượng và giá trị xuất khẩu của quý 1 thì dù còn rất khó khăn nhưng việc đạt mục tiêu xuất khẩu nói trên hoàn toàn khả thi”.

Việt Anh

sài gòn tiếp thị

Các tin tức khác
Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật