Tái cơ cấu: Lấy độc trị độc
Trong giai đoạn khó khăn và cấp bách hiện nay, phải có liệu pháp đặc biệt, theo nguyên lý “lấy độc trị độc”. Trong đó, cần một kịch bản hành động mạnh, rõ ràng, theo đúng tinh thần tái cơ cấu là nhiệm vụ chính của 2012, coi tái cơ cấu cũng là cách tiếp cận chủ đạo của kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, phục hồi các cơ sở cho quá trình tăng trưởng mới (hiện đại).
|
Tránh không áp dụng tùy tiện các loại phí, gây ra tình trạng “loạn phí”, ảnh hưởng tiêu cực đến lòng tin xã hội, tạo thêm gánh nặng cho DN |
Trước hết, phải bắt tay ngay vào hành động tái cơ cấu thực sự ba lĩnh vực ưu tiên mà Hội nghị Trung ương 3 đã khẳng định (đầu tư công, hệ thống ngân hàng thương mại, khu vực doanh nghiệp nhà nước). Tuy nhiên, cần xác định trước hết khuôn khổ tái cơ cấu kinh tế nói chung để định vị rõ mục tiêu tổng thể - toàn thể của tái cơ cấu, trên cơ sở đó, bảo đảm cho các quá trình tái cơ cấu bộ phận ưu tiên diễn ra đồng nhịp và nhất quán với nhau, không gây ra xung đột hay chồng chéo, làm suy giảm hiệu quả tái cơ cấu nói chung.
Điểm quan trọng cần lưu ý là không được dừng quá trình tái cơ cấu ở các bước mang tính hình thức và dễ làm nhất, ví dụ như chỉ cắt giảm đầu tư công, chỉ cổ phần hóa một số doanh nghiệp nhà nước mà không thực sự thay đổi hệ thống cơ chế phân bổ nguồn lực quốc gia theo yêu cầu mới.
Ngoài ra, cần tiến hành cải cách hệ thống lương trong khu vực nhà nước ở mức sớm nhất có thể, coi đây là phương cách quyết định để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, do đó, là cách để khôi phục lòng tin của dân; Khẩn trương cải cách hệ thống ngân sách theo nguyên lý kinh tế thị trường; Đẩy mạnh việc thay đổi Luật Đất đai, không để tình trạng Luật đất đai luôn chạy theo thực tế và cản trở quá trình đổi mới theo hướng thị trường; Tập trung ưu tiên dành vốn nhà nước để hỗ trợ xây dựng chỉ 4 khu kinh tế tự do ven biển, với thể chế hiện đại, đột phá mở đường cho 4 vùng kinh tế trọng điểm (Phú Quốc, Vũng Tàu, Đà Nẵng – Chân Mây, Hải Phòng – Quảng Ninh).
Đặc biệt, cần tập trung sức mạnh kinh tế quốc gia để “cứu” DN, trong đó, đặc biệt chú trọng đến nhiệm vụ giải cứu DN khỏi tình trạng đình đốn sản xuất – kinh doanh. Phần trách nhiệm chính trong công cuộc này phải trao cho chính sách tài khóa với các nội dung cụ thể: giảm thuế DN từ mức 25% xuống 20%, miễn hoặc giảm đáng kể các loại thuế khác (ví dụ các loại thuế nhập khẩu) thay vì “hoãn nộp thuế”; tránh không áp dụng tùy tiện các loại phí, gây ra tình trạng “loạn phí”, ảnh hưởng tiêu cực đến lòng tin xã hội, tạo thêm gánh nặng cho DN. Đồng thời, phải có phương thức và lộ trình tích cực để hạ nhanh lãi suất chứ không thể theo lộ trình tuần tự chậm chạp (mỗi quý giảm 1% lãi suất), vừa không cứu được DN, vừa gây ra những kỳ vọng không phù hợp về lãi suất, dẫn đến chỗ lựa chọn hành động gây méo mó, làm chệch mục tiêu chính sách là cứu DN trên nền tảng kiềm chế lạm phát.
Đó là những yếu tố chính của kịch bản hành động nhằm đạt được kịch bản tăng trưởng với những mục tiêu khiêm tốn hơn về tăng trưởng GDP, song khốc liệt hơn gấp bội về chống lạm phát, ổn định vĩ mô và tái cơ cấu.
Cần chú trọng đến nhiệm vụ giải cứu DN khỏi tình trạng đình đốn sản xuất – kinh doanh. |
Nhưng như vậy có nghĩa là muốn đạt được các mục tiêu trên, tạo cơ sở cho sự thay đổi mạnh thì phải dám dùng những biện pháp mạnh (lấy độc trị độc), chấp nhận nền kinh tế chịu trả giá, chịu đau mới xoay chuyển căn bản tình hình, tạo lòng tin. Không thể trông chờ vào các giải pháp mang tính chữa cháy, “dân túy”.
PGS TS Trần Đình Thiên, Viện Kinh tế VN
Diễn đàn doanh nghiệp
|