Chuyển dịch mới từ đầu tư Nhật
Trong lúc nhiều địa phương đang cố gắng thu hút các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật vào phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, thì các doanh nghiệp Nhật hoạt động trong lĩnh vực thương mại, bất động sản, công nghệ thông tin, dịch vụ và sản xuất hàng tiêu dùng lại đang hướng vào Việt Nam ngày càng nhiều.
Xu hướng này được một số chuyên gia Nhật dự báo 3-4 năm trước và đến thời điểm này được xem là thể hiện rất rõ khi hàng loạt doanh nghiệp Nhật bước chân vào thị trường Việt Nam qua nhiều lối đi khác nhau.
Nhằm vào thương mại
Đưa nguyên liệu thô, máy móc từ Nhật đến Việt Nam và xây dựng nhà máy để sản xuất sản phẩm xuất khẩu vẫn là xu hướng đầu tư chính của doanh nghiệp Nhật. Tuy nhiên, khuynh hướng đầu tư mới của doanh nghiệp Nhật gần đây là muốn xây dựng cơ sở kinh doanh, cửa hàng bán lẻ hay cả siêu thị lớn nhằm đưa các loại sản phẩm được sản xuất tại Nhật và các nước vào kinh doanh ở thị trường Việt Nam.
Trong khi chuỗi cửa hàng tiện lợi hàng đầu của Nhật gồm Family Mart, MiniStop… đang tăng cường sự hiện diện của mình qua việc mở rộng hệ thống cửa hàng kinh doanh ở TPHCM thì mới đây tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Nhật, Aeon chính thức công bố sự hiện diện của mình tại thị trường Việt Nam, đồng thời công bố dự án xây dựng khu trung tâm thương mại đầu tiên rộng hơn 3,5 héc ta trong dự án Celadon City (phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, TPHCM) do TTJSC làm chủ đầu tư.
Theo đó, Aeon sẽ đầu tư khoảng 100 triệu đô la Mỹ để xây dựng khu thương mại này và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2014. Với thiết kế của siêu thị tổng hợp, đối tượng khách hàng mà Aeon hướng đến là tầng lớp người dân có thu nhập trung bình.
Ngoài những nhà bán lẻ trên, tập đoàn bán lẻ cao cấp của Nhật Takashimaya cũng đang hướng vào thị trường Việt Nam. Đi cùng với nhà bán lẻ này sẽ là những thương hiệu thời trang danh giá trên thế giới.
Tập đoàn Takashimaya cho biết đã hoàn thành việc ký hợp đồng thuê mặt bằng rộng 15.000 m2 tại vị trí đắc địa của trung tâm quận 1, TPHCM. Để chuẩn bị cho sự có mặt chính thức vào năm 2015 tại thị trường Việt Nam, hiện tập đoàn này đang tiến hành thành lập văn phòng dự án và làm thủ tục đăng ký mở một công ty tại TPHCM.
Việc các nhà bán lẻ Nhật hướng vào thị trường Việt Nam, theo Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật (Jetro) tại TPHCM, đã được dự báo từ năm 2009 khi Việt Nam chính thức mở cửa cho doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài kinh doanh tại thị trường trong nước.
Đánh giá về cơ hội kinh doanh tại Việt Nam, các nhà bán lẻ Nhật cho rằng dân số trẻ, mô hình bán lẻ hiện đại chưa có nhiều, nên được xem là cơ hội cho bất cứ các nhà bán lẻ nào trên thế giới, mặc dù hiện nay Việt Nam vẫn đang sử dụng nhiều biện pháp bảo vệ bán lẻ trong nước.
Tiêu dùng nội địa
Dân số trẻ, thu nhập đang được cải thiện, thị hiếu tiêu dùng gần gũi với người Nhật là những điểm khiến thị trường tiêu dùng Việt Nam đang trở nên hấp dẫn đối với doanh nghiệp Nhật. Nhìn thấy lợi thế về dân số đông và trẻ này của Việt Nam, các nhà đầu tư Nhật đang đẩy mạnh đầu tư vào ngành hàng tiêu dùng. Đây là lĩnh vực được các chuyên gia trong nước đánh giá có tốc độ tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây.
Muốn xâm nhập sớm thị trường Việt Nam, giải pháp đầu tư gián tiếp thông qua mua lại, mua cổ phần chiến lược được các doanh nghiệp Nhật chọn lựa nhiều hơn, thay vì tự đầu tư từ ban đầu nhằm tiết kiệm thời gian.
Bên cạnh đó, do đồng yên tăng giá so với đồng đô la Mỹ, các tập đoàn lớn của Nhật Bản cũng có xu hướng mua cổ phần các công ty ở Việt Nam để bảo toàn vốn cũng như mở rộng thị trường. Gần đây nhất là Tập đoàn Unicharm của Nhật Bản mua lại 95% cổ phiếu của Công ty cổ phần Diana Việt Nam với tổng giá trị khoảng 128 triệu đô la Mỹ trong năm nay nhằm mở rộng thị trường.
Các thương vụ M&A tiêu biểu khác trong lĩnh vực hàng tiêu dùng gồm Kirin Holding mua lại cổ phần chi phối tại Công ty cổ phần Thực phẩm quốc tế - Interfood (IFS), Daio Paper mua cổ phần của Giấy Sài Gòn...
Đình đám nhất cũng phải kể đến thương vụ Tập đoàn Ezaki Glico Co, Ltd - chuyên về bánh kẹo và thực phẩm tại Nhật mua khoảng 10% vốn điều lệ của Kinh Đô... Việc mua cổ phần này, Glico cho biết sẽ tạo đòn bẩy cho sản phẩm cao cấp của mình phân phối tại thị trường Việt Nam, thông qua hệ thống phân phối của Kinh Đô
“Thông qua việc hợp tác với Kinh Đô, chúng tôi mong sẽ được chia sẻ lợi ích từ vị trí dẫn đầu thị trường bánh kẹo của KDC, vốn đã thống lĩnh thị trường và sở hữu một trong những mạng lưới phân phối mạnh nhất đến các người bán lẻ tại Việt Nam”, ông Katsuhisa Ezaki, Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch của Ezaki Glico cho hay.
Theo các chuyên gia, các nhà đầu tư Nhật đổ xô vào thị trường, mua lại các công ty Việt Nam do đây là thời điểm đầu tư thuận lợi: các doanh nghiệp sản xuất trong nước đang gặp khó khăn; lãi suất ở Việt Nam cao hơn ở Nhật Bản; giá cổ phiếu của các doanh nghiệp đang ở mức thấp...
Đến bất động sản
Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, trong quí 1-2012, Nhật Bản dẫn đầu vốn đầu tư vào Việt Nam, chiếm tới 88,8% (khoảng 2,3 tỉ đô la Mỹ) tổng số vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới và tăng thêm,
Tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm 3 tháng đầu năm nay là 2,63 tỉ đô la Mỹ, bằng 63,6% so với cùng kỳ năm 2011.
Lĩnh vực bất động sản có số vốn đăng ký nhiều nhất. |
Theo Jetro, bất động sản Việt Nam những năm trước hầu như không thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư Nhật. Thế nhưng giờ đây đã khác.
Theo Alex Finkelstein, chuyên gia cao cấp về bất động sản quốc tế, thị trường bất động sản Việt Nam đang hấp dẫn nhà đầu tư Nhật Bản.
Sự kiện Tập đoàn Tokyu Corp. của Nhật Bản hợp tác với Tập đoàn Becamex IDC Corp liên doanh trong dự án 1,2 tỉ đô la Mỹ để phát triển 71 héc ta tại thành phố mới Bình Dương cho thấy một nguồn tiền lớn của Nhật đang đổ vào lĩnh vực này. Dự án sẽ bao gồm khu giải trí, thương mại, văn phòng và 7.500 đơn vị nhà ở.
Theo các chyên gia, thị trường bất động sản Việt Nam đang rất thiếu vốn, vì vậy các nhà phát triển dự án đang tìm kiếm các nguồn tài chính mới bằng nhiều cách như bán toàn bộ dự án, tìm kiếm đối tác liên doanh, bán nguyên dự án căn hộ hoặc bán mặt bằng bán lẻ và văn phòng,…
Nhiều nhà phát triển dự án Việt Nam nắm giữ quỹ đất lớn hiện muốn bán bớt đất dự án để huy động vốn xây dựng các dự án khác. Đây rõ ràng là cơ hội cho các nhà đầu tư Nhật Bản.
Tập đoàn Tama Global Investment Pte Nhật Bản cuối tháng 12-2011 đã tiếp cận thị trường Việt Nam bằng cách mua 20% cổ phần trong Công ty cổ phần Phát triển và Đầu tư bất động sản COTEC (COTECLAND). Tới đây, Tama sẽ chuyển giao công nghệ tiên tiến trong quản lý xây dựng và bất động sản cho đối tác địa phương nhằm rút ngắn thời gian xây dựng, giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng lợi nhuận.
Ở phân khúc cao ốc văn phòng, một quỹ đầu tư bất động sản Nhật Bản đã mua lại tòa nhà Centre Point trên đường Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận,TPHCM.
Phân khúc bất động sản công nghiệp, khu công nghiệp ở Đồng Nai được phát triển bởi Donafood Việt Nam và ba đối tác Nhật Bản là tổng công ty Sojitz, công ty TNHH Daiwa House và Kobelco Eco-Solution. Với sự hợp tác 88% liên doanh, các công ty Nhật Bản và đối tác địa phương sẽ đầu tư 100 triệu đô la Mỹ trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp.
Trong các dịch vụ bất động sản, KMIX Corp - một công ty tư nhân Nhật Bản đã mua 45% cổ phần công ty Huy Bảo để thâm nhập vào quản lý xây dựng nhà cao tầng tại địa phương và thị trường bảo trì xây dựng. KMIX đã quyết định hợp đồng sau khi nhìn thấy thị trường dịch vụ bất động sản bão hòa trong hầu hết các lĩnh vực là đầu tư Nhật Bản.
Tại buổi hội thảo mới đây tại Tokyo (Nhật Bản) để giới thiệu về bất động sản Việt Nam, ông Neil MacGregor, Phó giám đốc điều hành Savills Việt Nam cũng đã nhấn mạnh sự quan tâm ngày càng tăng của các nhà đầu tư Nhật Bản đối với thị trường Việt Nam. Việc có hơn 100 nhà đầu tư Nhật Bản tham gia hội thảo này đã cho thấy sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư Nhật Bản đối với thị trường bất động sản Việt Nam.
Và dịch vụ - công nghệ thông tin
Ngoài những lĩnh vực nói trên, ngành dịch vụ tài chính và công nghệ thông tin cũng được các doanh nghiệp Nhật hướng vào. Tuy nhiên, theo giới chuyên mốn hướng vào hai lĩnh vực này, các nhà đầu tư Nhật thường đi bằng con đường mua bán sáp nhập (M&A).
Theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Phát triển Công viên phần mềm Quang Trung, hiện có nhiều công ty công nghệ thông tin và phát triển phần mềm của Nhật có ý định mở rộng quy mô hoặc tìm kiếm đối tác đầu tư là các doanh nghiệp phần mềm tại Việt Nam theo con đường M&A. Phần lớn các công ty Nhật muốn vào Việt Nam hiện nay đã chọn giải pháp mua lại những công ty trong nước với quy mô nhỏ đang hoạt động nhằm tận dụng sẵn nguồn nhân lực. Với hướng đi này, theo ông Dũng ghi nhận, quá trình thương thảo đi đến quyết định mua bán và sáp nhập của các nhà đầu tư trong lĩnh vực này hiện nay nhanh hơn trước rất nhiều. Ông cho biết, trước đây các nhà đầu tư Nhật luôn rất thận trọng, khảo sát đến 2-3 năm mới tiến hành đầu tư. Hiện nay thì khác, chỉ trong khoảng sáu tháng là có thể làm xong. Hiện có vài công ty Nhật đang có ý định này, ông Dũng nói.
Dưới góc nhìn của nhà tư vấn đầu tư, ông Nguyễn Tất Thắng, Kinh tế trưởng Công ty HSC, cũng cho rằng lĩnh vực công nghệ thông tin đang thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là đối với các công ty Nhật. Theo ông Thắng, công nghệ thông tin Việt Nam phát triển chưa mạnh, trong đó đáng chú ý là việc phát triển cơ sở dữ liệu, hệ thống quản lý của một số ngành như ngân hàng, phân phối, y tế… Do đó một số nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam, qua kênh mua bán sáp nhập, để khai thác thị trường này.
Cụ thể sau thời gian rầm rộ đầu tư vào 7 doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2011 (là VNG, VMG, Vật giá, VGame, Baokim, CleverAds và Di Động Xanh) ngay những ngày đầu tháng 3-2012, Quỹ CyberAgent của Nhật đã công bố khoản đầu tư mới vào website thương mại điện tử Tiki.vn.
Tương tự, nhà đầu tư Nhật cũng đang đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ tài chính ngân hàng. Tiêu biểu nhất trong lĩnh vực tài chính là thương vụ Mizuho Corporate Bank (Nhật Bản) mua cổ phần của Vietcombank (VCB). Ngân hàng này phát hành riêng lẻ 15% cổ phần cho Mizuho Corporate Bank, với tổng giá trị 543,8 triệu đô la Mỹ. Đây là lần thứ hai, một ngân hàng Nhật Bản là cổ đông chiến lược của một ngân hàng Việt Nam. Trước đó, Sumitomo Mitsui Banking Corporation đã mua 15% cổ phần của Eximbank.
Còn tại sao chọn phương án M&A, theo giới chuyên môn, khi thực hiện phương án mua lại một phần doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản sẽ rút ngắn được thời gian chuẩn bị đầu tư. Chi phí đầu tư có thể giảm đến 20% trong bối cảnh hiện nay.
Rõ ràng xu hướng đầu tư của Nhật không dừng lại ở việc xây dựng nhà máy sản xuất rồi xuất khẩu sản phẩm như lâu nay mà họ đang len lõi vào thị trường nội địa Việt Nam sâu hơn.
Theo các chuyên gia, các quyết định đầu tư của nhà đầu tư Nhật thường dựa vào các thông số về thị trường đông dân, tốc độ phát triển kinh tế ổn định và thu nhập đầu người ngày càng cao. Họ thường nghiên cứu rất kỹ trước khi đầu tư, và sẽ đầu tư vào các lĩnh vực thực sự có tiềm năng lâu dài, hướng tới tương lai, chứ không phải chỉ để giải quyết khó khăn hiện tại.
Khó khăn hiện tại của các doanh nghiệp Nhật Bản là thị trường chính quốc đã bão hòa, cùng với đồng yen đang lên giá. Các nhà đầu tư người Nhật đang chuyển sang tìm kiếm thị trường mới, theo Jetro.
Quốc Hùng
TBKTSG
|