Bỏ ngay trần huy động để áp trần cho vay
TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, lý do tồn tại áp trần lãi suất huy động đã hết, nên bỏ ngay để chuyển sang áp trần lãi suất cho vay.
Thời gian gần đây, cả giới chuyên gia và dư luận xã hội đều cho rằng, việc áp trần lãi suất huy động gây thiệt cho người gửi tiền, nhưng lại làm lợi nhiều cho ngân hàng. Phóng viên VOV online phỏng vấn Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng Nghiên cứu Kinh tế, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội về vấn đề này.
PV: Thưa ông, dư luận đang có rất nhiều thắc mắc về việc áp trần lãi suất huy động, không hiểu vì sao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lại sử dụng công cụ này?
TS Nguyễn Minh Phong: Khách quan mà nói, Thống đốc Nguyễn Văn Bình không phải là người khởi áp trần lãi suất huy động mà nó đã kéo dài từ trước. Lý do để ngân hàng đưa ra vấn đề này là vì trong thực tiễn thời gian qua có một số ngân hàng mới thành lập rất nhanh, nhỏ, sức cạnh tranh và uy tín của các ngân hàng này không cao. Các ngân hàng này đã sử dụng lãi suất như là một công cụ duy nhất để thu hút vốn và hệ quả của nó là tạo ra một cuộc cạnh tranh vốn tương đối không lành mạnh, đặc biệt là sự di chuyển vốn xã hội không phải vì mục tiêu lợi ích mà nhằm lòng vòng để buôn bán vốn.
Ngân hàng Nhà nước nhận thấy thực trạng này có thể gây ra những nhiễu loạn và thiệt hại cho các nhà đầu tư lớn. Cho nên NHNN đưa ra quy định áp trần này để ngăn cản những rủi ro cho các ngân hàng. Tuy nhiên, theo thời gian cách làm này bộc lộ những tác hại.
Đó là: Thứ nhất, khi khống chế đầu vào mà không khống chế đầu ra khiến cho lợi ít mà hại nhiều. Cái lợi duy nhất hướng về các ngân hàng lớn không bị cạnh tranh. Còn hại thì rất nhiều. Một là, nó làm cho người gửi tiền bị thiệt trong bối cảnh lạm phát cao, lãi suất thực tế bị âm. Hai là, điều này tạo ra sự nguy hiểm là người dân sẽ ít gửi tiền hơn, thậm chí nếu tiếp tục hạ trần, người dân sẽ rút tiền ra.
Thứ hai, nó sẽ khiến cạnh tranh kém đi trong các ngân hàng với nhau.
Thứ ba, lượng vốn đầu vào ít, trong khi đầu ra thì mở lãi suất khiến cho dòng vốn xã hội đổ dồn vào những người vay với lãi suất cao. Những người này thường là ở lĩnh vực chứng khoán, bất động sản hoặc tín dụng đen.
Như vậy, trong xã hội với lượng vốn có hạn mà lại bị dồn hết vào chỗ đó thì các chỗ khác sẽ ít đi, những ngành nghề mà nhà nước chỉ định hỗ trợ cũng rất ít vốn. Thêm nữa, các ngành cũng sẽ phải chịu mức lãi suất cao, ít nhất là gần bằng với các lĩnh vực kia đã có.
Bởi ngân hàng sẽ giải thích họ đang cho vay với mức lãi suất cao như thế mà anh đòi vay lãi suất thấp hơn thì không được. Như thế, các doanh nghiệp khác sẽ bị oan theo mức lãi suất cao đó.
Và, bản thân các ngân hàng phải đối diện với những rủi ro, khi cho vay cao thì chắc chắn rủi ro cũng cao. Hiện nay họ đã phải gánh chịu những rủi ro này, đơn cử như nợ khó đòi, nợ quá hạn rất cao. Điều này ảnh hưởng đến cả xã hội lẫn Nhà nước.
PV: Vậy theo ông, có nên bỏ trần lãi suất huy động? Nếu bỏ, lợi ích sẽ là gì?
TS Nguyễn Minh Phong: Cho đến nay, theo tôi, nên bỏ trần lãi suất huy động để chuyển sang áp trần lãi suất cho vay. Bởi vì nếu chúng ta thực hiện việc áp trần lãi suất cho vay, sẽ đảm bảo được một loạt các mục tiêu.
Thứ nhất, vẫn giữ được mục tiêu về lãi suất trần huy động. Tức là, chỉ cần khống chế cho vay tức khắc các ngân hàng phải áp trần lãi suất huy động vào, tức là sau khi trừ đi chi phí sẽ có mức trần lãi suất huy động.
Thứ hai, sẽ chống trường hợp đi tìm người cho vay cao theo kiểu đấu thầu khiến cho vốn lại bị dồn vào gây ra sự mất an toàn (như nêu trên).
Thứ ba, quan trọng hơn, để đảm bảo mức lãi suất phù hợp giúp doanh nghiệp không bị thiệt. Vì hiện nay người dân và doanh nghiệp đều thiệt, chỉ ngân hàng được lợi vì hưởng chênh lệch giá.
Nếu bình thường ngân hàng chỉ được 2-5% là kịch khung, tức là cùng lắm người đi vay chỉ phải vay mức đến 15%, nhưng thực tế phải vay tới 20%, thậm chí cao hơn. Điều này bộc lộ rõ tính lợi ích nhóm đang phảng phất đâu đó, và có sự thiếu trách nhiệm xã hội của ngân hàng.
PV: Hiện nay cũng có ý kiến cho rằng, nếu khống chế lãi suất cho vay thì ngân hàng cũng ở thế khó. Đó là tùy từng dự án, tùy từng đối tượng doanh nghiệp để ngân hàng có thể quyết lãi suất phù hợp, vì có những dự án mà ngân hàng biết có rủi ro cao thì họ phải áp mức lãi suất cao. Quan điểm của ông như thế nào?
TS Nguyễn Minh Phong: Theo tôi, trong trường hợp đó, nếu thấy rủi ro cao, ngân hàng chỉ cho vay một phần thôi. Vì nếu anh cho vay tập trung quá sẽ vi phạm quy định cho vay không quá 15 hay 25%. Trong luật về tín dụng ngân hàng có quy định không được tập trung vốn cho vay một đối tượng, một lĩnh vực quá một tỷ lệ vốn điều lệ nhất định.
Hiện nay, các ngân hàng lớn đều có tỷ lệ nguy hiểm khá cao. Vì thế, trách nhiệm xã hội của ngân hàng là phải dồn vốn cho các lĩnh vực nhà nước ưu tiên, khuyến khích hoặc xã hội đang cần. Nếu còn tồn tại lợi ích cá nhân, họ sẽ tiếp tục tìm kiếm người cho vay cao để dồn vốn vào các đối tác kia.
PV: Tại Việt Nam đã từng áp dụng trần lãi suất cho vay chưa, thưa ông?
TS Nguyễn Minh Phong: Trước đây đã có lãi suất cơ bản và lãi suất liên ngân hàng cộng/trừ. Về nguyên tắc, ngân hàng chỉ được cộng thêm 2,5%, nếu vượt quá sẽ vi phạm vào quy định về cho vay đầu cơ tín dụng đen hay cho vay với lãi suất cao. Nhưng khi có ngân hàng thương mại thì bỏ quy định này, trong khi trước đây chỉ cần quá 1,5% lãi suất cơ bản là phạm tội cho vay nặng lãi.
PV: Theo ông, thời điểm nào sẽ là chín muồi để bỏ quy định về trần lãi suất huy động?
TS Nguyễn Minh Phong: Ngay bây giờ phải lập tức chuyển sang áp trần lãi suất cho vay. Hoặc vẫn khống chế trần huy động nhưng phải quay lại áp trần lãi suất cho vay để đảm bảo doanh nghiệp có lợi, đảm bảo hạ được lãi suất cho vay.
Sau đó, tuy theo sự vững mạnh của ngân hàng, tùy khả năng thanh khoản của các khoản vay, cũng như mục tiêu về cân đối cung – cầu sẽ chuyển, lý tưởng nhất hiện nay là không còn trần, nhưng trong bối cảnh hiện nay chắc chắn vẫn phải còn trần, nhưng phải chuyển từ trần huy động sang trần cho vay.
Bởi lẽ, lý do tồn tại trần huy động đã hết, vì một số ngân hàng kém đã bị sáp nhập và đã bị phân nhóm (nhóm 4 là không được phép huy động, không được phép mở rộng), động lực cạnh tranh kia không còn nữa.
PV: Vậy nếu bỏ trần cho vay hay huy động thì Nhà nước quản lý sẽ như thế nào? Cách điều hành của Ngân hàng Nhà nước sẽ như thế nào?
TS Nguyễn Minh Phong: Sẽ quản lý bằng công cụ dự trữ bắt buộc và công cụ mua bảo hiểm tiền gửi. Hiện nay ở Việt Nam đang coi nhẹ công cụ này. Tức là ngân hàng nào cho vay nhiều, cho vay rủi ro cao thì bắt dự trữ bắt buộc nhiều hơn và mua bảo hiểm tiền gửi nhiều hơn. Cách làm này sẽ có lợi cho người gửi tiền và bắt ngân hàng phải tính toán lợi ích để cho vay nhiều hay ít, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của ngân hàng./.
PV: Xin cảm ơn ông!
Xuân Thân
VOV
|