Thứ Sáu, 13/04/2012 07:09

Kỳ vọng lãi suất giảm thêm

Dù trần lãi suất huy động giảm về mức 12%/năm nhưng lãi suất cho vay vẫn còn ngự ở mức cao, doanh nghiệp tiếp cận vốn rẻ rất khó nên rất mong lãi suất giảm sâu hơn

Từ ngày 11-4, trần lãi suất tiền gửi VNĐ chính thức về 12%/năm. Như vậy là trong vòng một tháng qua, trần lãi suất huy động đã giảm 2 điểm phần trăm (từ mức 14%/năm xuống còn 12%/năm). Ngay sau đó, một số ngân hàng (NH) công bố hạ lãi suất cho vay nhưng các doanh nghiệp (DN) cho rằng tiếp cận được mặt bằng lãi vay mới không dễ.

Chủ yếu tác động tinh thần

Một số DN đánh giá thông tin hạ lãi suất có tác động về mặt tâm lý nhiều hơn bởi dù hạ nhưng lãi suất hiện nay vẫn quá sức của họ. Ông Đỗ Duy Thái, Tổng Giám đốc Công ty Thép Việt, nói hạ lãi suất là tín hiệu tốt về mặt tinh thần, giúp các DN có niềm tin để vượt khó.

Thời gian qua, nhiều DN nhỏ đóng cửa, giải thể đã ảnh hưởng dây chuyền lên các DN lớn. “Tiếp xúc với nhiều DN nhỏ, tôi thấy họ khá bi quan về thị trường. Nay lãi suất đầu vào hạ, NH Nhà nước cũng lên tiếng “tháo gông” bất động sản để giúp các ngành vật liệu xây dựng, sắt, thép, xi măng… có cơ hội được cứu”  - ông Thái cho biết.

Ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Đồ gỗ mỹ nghệ TPHCM, nhận xét hạ lãi suất là tín hiệu đáng mừng bởi DN hy vọng lãi suất cho vay sẽ giảm theo. Tuy nhiên, tín hiệu này có tác động tinh thần hơn là thực tế vì hạ 1% lãi suất không phải nhiều trong tình hình hàng chục ngàn DN phá sản như hiện nay. Đối với ngành gỗ, khó khăn không phải ở lượng hàng tồn kho mà chính là lãi suất góp phần đẩy chi phí đầu vào tăng cao. Lãi vay đã “ngốn” hết lợi nhuận của DN, khiến DN đi đến “đáy” của sự khó khăn.

Theo ông Phạm Như Bách, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Giấy Mai Lan, dù trần huy động giảm từ 14%/năm xuống còn 12%/năm nhưng công ty ông vẫn không thấy NH thông báo điều chỉnh giảm lãi suất cho vay. Hiện một khoản vay thế chấp bằng hàng hóa của công ty đang phải trả lãi suất 20%/năm và khoản vay thế chấp bằng tài sản là 18,5%/năm. Tương tự, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng thương mại Lê Thành, cho rằng đã 2 lần hạ lãi suất huy động về 12%/năm nhưng DN vẫn không thể vay vốn. Hiện mức lãi suất mà công ty ông tiếp cận được vẫn khoảng 20%/năm, nhưng không dễ dàng.

Chờ qua giai đoạn khó khăn

Ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Việt Nam, cho rằng lãi suất thực đang ở mức quá cao nên hạ lãi suất là việc phải làm. “Với ngành dệt may, thị trường sụt giảm, cạnh tranh không lành mạnh, lãi suất cao… đã đẩy nhiều DN tới bờ vực phá sản” - ông Hồng lo ngại.

Còn ông Phạm Như Bách cho biết ngay mặt hàng của công ty ông là giấy công nghiệp và giấy tiêu dùng, sức tiêu thụ cũng giảm mạnh. Năm 2011, lẽ ra công ty có lãi nhưng do phải trả chi phí vay NH nên chỉ hòa vốn. Năm 2012, DN chỉ dám đặt mục tiêu doanh thu chưa bằng một nửa năm trước nhưng từ đầu năm đến nay đã bị lỗ khoảng 800 triệu đồng. Hiện DN đang cố gắng sản xuất, chờ qua giai đoạn khó khăn...

Bà Đỗ Thị Loan, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản TPHCM, cho rằng trong khi các NH lần lượt công bố giảm lãi suất trần huy động còn 12%/năm nhưng DN vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ cần thiết trong lúc khó khăn. Lâu nay một số DN dù có tài sản để thế chấp vẫn không tiếp cận nổi tín dụng NH đành phải vay bên ngoài với lãi suất rất cao...  Một số DN cho rằng về lâu dài, NH Nhà nước cần nhanh chóng có thêm các biện pháp kéo nhanh lãi suất cho vay giảm sâu. Để thật sự vượt qua khó khăn, DN kỳ vọng lãi suất cho vay phải giảm về mức khoảng 10%-11%/năm.

DN chới với, NH sống khỏe

Với lãi suất huy động 12%/năm, nếu các NH tiết giảm chi phí, lãi suất cho vay phải hạ về mức 15% - 16%/năm nhưng thực tế DN đang vay với lãi suất từ 18% - 19%/năm. Trong khi DN phá sản hàng loạt thì lợi nhuận NH ngày càng tăng… TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, nhận xét: Rất khó coi khi hiệu quả hoạt động của DN thấp, khó khăn chồng chất, hàng tồn kho cao còn khu vực NH lợi nhuận lớn, tỉ lệ lợi nhuận tính trên vốn tự có của một số NH lên tới 20%.

Thái Phương - Tường Nguyên

NGƯỜI LAO ĐỘNG

Các tin tức khác

>   Giảm lãi suất: Vẫn chưa dễ có vốn rẻ? (13/04/2012)

>   Hạ trần lãi suất: Chưa đủ (13/04/2012)

>   Sacombank dành 1,000 tỷ đồng cho vay phát triển nông thôn (12/04/2012)

>   Hạ lãi suất: Bất ngờ và không bất ngờ (12/04/2012)

>   TS Lê Thẩm Dương: Các cơ quan quản lý vẫn “nợ” doanh nghiệp! (12/04/2012)

>   Tuần đầu tháng 4, doanh số giao dịch bằng USD tăng mạnh (12/04/2012)

>   ABBank dành 2,800 tỷ đồng cho vay ưu đãi (12/04/2012)

>   Lãi suất 18,5%/năm, vay không? (12/04/2012)

>   Lãi suất huy động nhiều ngân hàng về 10-11%/ năm (12/04/2012)

>   TS Cao Sỹ Kiêm: Đừng thắt quá chặt rồi bung hết cỡ (12/04/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật