Vốn giá rẻ khó đến với doanh nghiệp
Trần lãi suất huy động tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước giảm thêm 1%, xuống còn 12%/năm, song dường như các doanh nghiệp cũng không mấy quan tâm. Lý do là, áp lực lãi vay cao vẫn là rào cản lớn đối với các doanh nghiệp khi tiếp cận vốn ngân hàng.
Ngày 12/4, Techcombank đã công bố dành 4.000 tỷ đồng cho khách hàng doanh nghiệp vay, với mức lãi suất áp dụng chỉ từ 15%/năm. Song đối tượng khách hàng được tiếp cận nguồn vốn này phải là các doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực xuất nhập khẩu, nông nghiệp - nông thôn, sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu.
Cùng ngày, ABBank cũng đưa ra gói 2.000 tỷ đồng dành cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, với lãi suất giảm 2%/năm so với biểu lãi suất cho vay thông thường.
Tương tự, Eximbank đã công bố gói tín dụng 6.000 tỷ đồng, với lãi suất 16,5%/năm dành cho các đối tượng là doanh nghiệp xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa; cá nhân vay vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh; mua nhà tại các dự án nhà ở dành cho người có thu nhập thấp.
Sau khi trần lãi suất huy động giảm về 12%/năm, ngày 12/4, Sacombank đã dành 1.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi đối với các cá nhân, hộ gia đình trực tiếp sản xuất, canh tác trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Lãi suất áp dụng cho tháng đầu tiên là 12%/năm, nhưng sau đó sẽ điều chỉnh theo biểu lãi suất của Sacombank. Lãi suất cho vay thấp nhất ở Sacombank hiện là 16%/năm.
Trong tuần này, dự kiến, ACB cũng điều chỉnh giảm thêm 1 - 1,5%/năm lãi suất cho mọi đối tượng khách hàng.
Ông Đỗ Minh Toàn, Phó tổng giám đốc ACB cho biết, do nguồn vốn khả dụng hiện khá dồi dào, nên ACB sẽ đẩy mạnh hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu, sản xuất và kinh doanh. Song mức lãi suất cho vay thỏa thuận được ACB áp dụng hiện vẫn dao động trong khoảng 17,5 - 18%/năm.
“Xu hướng lãi suất đang giảm dần và ngân hàng đã tăng cường hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp. Trong đó, có cả hình thức cho vay để doanh nghiệp cơ cấu lại nguồn tài chính, song dư nợ khó có thể tăng trưởng nhanh. Chỉ với những doanh nghiệp có doanh thu hàng năm từ 300 tỷ đồng trở lên mới có thể sử dụng vốn vay”, ông Toàn nói và thừa nhận, tiến độ giải ngân vốn, kể cả với những gói vốn với lãi suất ưu đãi tương đối chậm. Cụ thể, với gói tín dụng 1.000 tỷ đồng được ACB triển khai hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vay để tái cấu trúc tài chính thì sau gần 1 tháng, chỉ mới giải ngân được hơn 300 tỷ đồng.
Riêng ở lĩnh vực xuất khẩu, với gói ưu đãi lãi suất được ACB đưa ra trong quý I/2012, cũng chỉ mới giải ngân được khoảng 70%, dù lãi suất cho vay bằng ngoại tệ khá thấp, chỉ dao động 4,5 - 4,8%/năm (tùy từng đối tượng khách hàng).
“So với các lĩnh vực ngành nghề khác, doanh nghiệp xuất, nhập khẩu được xem là đối tượng khách hàng tiềm năng nhất vào thời điểm này. Thế nhưng, hoạt động cho vay vẫn chậm và khách hàng vẫn kỳ vọng lãi suất giảm thêm nữa. ACB cũng sẽ từng bước điều chỉnh lãi suất theo xu hướng thị trường”, ông Toàn nói.
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đang triển khai gói tín dụng ưu đãi 2.000 tỷ đồng đến khách hàng doanh nghiệp (bắt đầu từ giữa tháng 3/2012 sau khi Ngân hàng Nhà nước đưa trần lãi suất huy động về 13%/năm), với mức lãi suất thấp hơn 2 - 2,5%/năm so với mức lãi suất cho vay thông thường.
Ông Trịnh Văn Tuấn, Tổng giám đốc OCB cho rằng, việc tìm các giải pháp để cung ứng dịch vụ, nguồn vốn có lãi suất hợp lý cho các doanh nghiệp là mục tiêu của OCB.
Tuy nhiên, lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp đang được OCB áp dụng vẫn khá cao, trên dưới 19%/năm. Đồng thời, OCB chỉ ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực lương thực, thủy sản, cao su, dệt may, nhựa, hóa chất…
“Chắn chắn, chúng tôi cũng phải tiếp tục điều chỉnh lãi suất cho vay để chia sẻ khó khăn cho khách hàng, song ngân hàng cũng phải có thời gian để tiêu thụ hết vốn huy động ở mức lãi suất cao”, ông Tuấn nói.
Hiện các ngân hàng đã mở hầu bao, đồng thời điều chỉnh dần lãi suất cho vay. Tuy nhiên, mức lãi suất cho vay bình quân 17 - 18%/năm vẫn là rào cản đối với doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn vay, kể cả các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực ưu tiên.
Mặt khác, theo lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần, trước tình hình huy động vốn khá gay gắt hiện nay, nhất là khi trần lãi suất huy động tiếp tục giảm, thì không loại trừ một số ngân hàng thiếu thanh khoản đã tung ra chiêu dành vốn giá rẻ cho doanh nghiệp vay. Mang tiếng là vậy, nhưng sau khi ký hợp đồng và giải ngân vốn, ngân hàng yêu cầu khách hàng phải để lại một khoản tiền dưới hình thức gửi tiết kiệm, nhằm để đảm bảo tính ổn định cho thanh khoản. Như vậy, vốn ưu đãi lãi suất lại trở thành gánh nặng cho khách hàng, nhất là doanh nghiệp.
Thùy Vinh
ĐẦU TƯ
|