Tìm lợi nhuận ngoài tín dụng
Bị khống chế trần lãi suất huy động và trần tăng trưởng tín dụng, nhiều NHTM đang đẩy mạnh kinh doanh vốn trên thị trường liên NH và mảng kinh doanh vàng. Tuy nhiên cũng như những năm trước, lợi thế ở các mảng kinh doanh này chỉ thuộc về số ít NHTM lớn.
Cơ hội kinh doanh liên NH
Từ sau tết đến nay thanh khoản của hệ thống NHTM có phần ổn định trở lại, tình hình liên NH đã đỡ căng thẳng và nhiều NHTM có biểu hiện thừa vốn, nên việc điều chỉnh lãi suất huy động từ 14%/năm xuống 13%/năm của NHNN là phù hợp.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia NH, chính sách này là cơ hội cho hoạt động liên NH của các NHTM lớn. Minh chứng cho điều này là gần đây lãi suất liên NH bất ngờ tăng trở lại sau một thời gian ổn định. Cụ thể, ngày 13-3 lãi suất bình quân liên NH kỳ hạn 6 tháng lên đến 21%/năm, tăng 7,59% so với ngày 9-3.
Đây là mức cao nhất của lãi suất bình quân kỳ hạn này hơn 22 tháng qua. Lãi suất qua đêm liên NH cũng tăng 0,17%. Theo đó, đồng loạt các NHTM cổ phần cũng đưa ra chính sách huy động kỳ hạn ngắn từ không kỳ hạn đến 1 ngày, chính sách lãi suất bậc thang… để hút dòng vốn ngắn hạn.
Lý giải về các động thái này, phó tổng giám đốc một NH cổ phần cho biết bên cạnh hạ trần lãi suất và bơm thanh khoản để mua USD, tuần qua NHNN cũng đã hút tiền về thông qua phát hành tín phiếu có kỳ hạn 28, 91 và 182 ngày nhằm điều hòa dòng vốn.
Trước đó, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết sẽ phát hành tín phiếu kỳ hạn 1, 3, 6 tháng và trong trường hợp cần thiết sẵn sàng phát hành kỳ hạn 364 ngày với mức lãi suất hợp lý để duy trì mức lãi suất ổn định trên thị trường, đồng thời thu hút lượng vốn tạm thời dư thừa các NHTM chưa cho vay được.
Khác với lần phát hành 20.300 tỷ đồng tín phiếu bắt buộc hồi tháng 3-2008 nhằm hút bớt tiền trong lưu thông để chống lạm phát leo thang, lần này NHNN chỉ phát hành tín phiếu với nhiều lãi suất và kỳ hạn khác nhau.
Điều này có nghĩa NHTM nào thừa vốn chưa tăng trưởng tín dụng có thể tạm thời chọn mua tín phiếu kỳ hạn phù hợp cho nguồn vốn của mình. Tuy nhiên, theo các NHTM việc phát hành tín phiếu dù không tác động nhiều đến thanh khoản hệ thống NHTM nhưng cũng ảnh hưởng nhất định đến lãi suất liên NH.
Đặc biệt đối với các NHTM nhỏ, vốn yếu, thanh khoản đang đứng trước áp lực trần tiền gửi, có thể sụt giảm khi trần lãi suất huy động bị kéo giảm xuống 13%/năm, sẽ bị các NHTM lớn làm giá đẩy lãi suất cho vay liên NH tăng cao.
Theo một lãnh đạo NH cổ phần, tăng trưởng bị hạn chế sẽ buộc các NHTM lớn nhắm đến mảng kinh doanh liên NH để kiếm lợi nhuận, nhất là những NHTM có vốn điều lệ lớn. Nhưng khác với năm ngoái, năm nay các NHTM sẽ thận trọng hơn bởi đã rút được bài học từ nợ xấu liên NH của năm 2011. Vì vậy, tất yếu đối với các NHTM nhỏ, các chủ nợ trên liên NH vẫn duy trì cơ chế thế chấp tài sản như ngoại tệ, vàng để bảo đảm an toàn và giúp NH giải quyết thanh khoản khi cần thiết.
Dịch vụ kinh doanh vàng vẫn tiềm năng
Nhiều chuyên gia cho rằng năm nay nhiều NHTM sẽ thất thu trong mảng kinh doanh vàng khi NHNN ban hành lộ trình chấm dứt huy động, chấm dứt cho vay vốn bằng vàng và cho vay vốn để mua vàng; quy định hệ số rủi ro 250% đối với cho vay được bảo đảm bằng vàng và tổ chức tín dụng không được kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh về vàng khi chưa được cho phép thực hiện.
Ngay như ACB vốn là NH có thế mạnh kinh doanh vàng nhất hiện nay, nhưng trong báo cáo gửi đến đại hội cổ đông, NH này cũng thừa nhận các nghiệp vụ có tính công nghệ cao như kinh doanh vàng sẽ bị hạn chế và thu hẹp trong năm nay. Tuy nhiên, không vì thế NH này bi quan với lĩnh vực kinh doanh này.
Lãnh đạo ACB cho biết trong bối cảnh nền kinh tế chưa ổn định, hệ thống NHTM bắt đầu lộ trình tái cấu trúc, kế hoạch năm nay của ACB là tận dụng thế mạnh trong kinh doanh vàng để đa dạng hóa nguồn vốn và linh hoạt hóa điều hành hoạt động trên thị trường liên NH.
Đặc biệt, ACB sẽ ưu tiên đẩy mạnh huy động để củng cố khả năng thanh khoản và tạo nguồn cho hoạt động tín dụng, tìm giải pháp đa dạng hóa nguồn vốn, bởi nếu chỉ dựa vào tăng trưởng tiền gửi tiết kiệm sẽ khó trong bối cảnh trần lãi suất tiếp tục bị khống chế. Không chỉ ACB, theo nguồn tin riêng của ĐTTC, VietABank - NH có lượng vốn huy động vàng lớn thứ 2 sau ACB - cũng có kế hoạch đẩy mạnh mảng kinh doanh vàng vốn là thế mạnh của NH này.
Gần đây lãi suất huy động vàng ở nhiều NHTM có xu hướng tăng nóng, lên đến 4,5%/năm, nhằm hút lượng vàng giúp NH làm công cụ phòng thân khi thanh khoản có vấn đề.
Theo ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank, từ 1-5 NHNN không cho các NHTM huy động vàng dưới dạng chứng chỉ mà chuyển qua giữ hộ, trả lợi tức cũng như lãi suất huy động vàng. Điều này cũng nhằm đón đầu đề án huy động vàng trong dân của NHNN thông qua đại lý là các NHTM.
Dù thời điểm này các NHTM không được cho vay vàng, nhưng một số NHTM được NHNN cho phép thực hiện nghiệp vụ kinh doanh vàng tài khoản quốc tế có thể kiếm lợi nhuận lớn từ hoạt động này. Tuy nhiên, ông Bình cho rằng so với các mảng kinh doanh vàng, việc kiếm lợi nhuận từ mảng dịch vụ thanh toán sẽ có lợi thế và được nhiều NH chú trọng.
Bởi lẽ, mảng này mang lại lợi nhuận ổn định và ít rủi ro so với các mảng kinh doanh vàng, ngoại tệ, nhất là đối với các NH có cơ sở khách hàng cá nhân lớn, sẽ có nhiều cơ hội gia tăng nguồn thu từ dịch vụ thanh toán.
THANH THIÊN
sài gòn đầu tư tài chính
|